Nhận định TTCK tuần từ 8-12/7

P.V tổng hợp| 06/07/2013 03:23

Giữ tỷ trọng tiền mặt ở mức cao và chờ diễn biến tích hơn từ thanh khoản.

Nhận định TTCK tuần từ 8-12/7

Các công ty chứng khoán nhận định diễn biến thị trường tuần từ 8-12/7 như sau:

VCSC: Chờ điểm bứt phá

>Chọn mặt nới room
>Mua thấp, bán cao?
>
Khó ăn chênh lệch từ USD

Kịch bản đi ngang sẽ tiếp tục duy trì trong tuần sau, áp lực bán trong 5 phiên trở lại đây vẫn còn rất lớn. Vùng 490 – 495 của chỉ số VN-Index vẫn là vùng kháng cự mạnh cho nên việc mua đuổi rất bất lợi trong giai đoạn này.

Hiện nay, thị trường vẫn đang vận động theo kịch bản tích cực của chúng tôi đã đưa ra trong các bản tin trước. Tuy nhiên, chân sóng một tháng sẽ được xác nhận khi chỉ số VN-Index bứt phá vùng kháng cự 490 – 495 với khối lượng giao dịch vượt mức trung bình 52 triệu cổ phiếu/phiên.

Do đó, quan điểm của chúng tôi vẫn không thay đổi nhiều, nếu các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao thì có thể tận dụng giai đoạn tích lũy để mua vào và chỉ nên ưu tiên nhóm cổ phiếu Bluechips bên sàn HSX. Trên quan điểm thận trọng, các nhà đầu tư cần chờ điểm bứt phá.

BSC: Nhóm VN30 sẽ không giảm sâu hơn

Thị trường đang đưa ra tín hiệu cảnh báo quá trình tiếp tục đi xuống. Việc theo dõi diễn tiến thị trường để thực hiện việc cơ cấu danh mục nên được thực hiện.

Tuy nhiên, hiện tại chỉ số VN30 đang cho tín hiệu hình thành vùng đáy tại mức 520 điểm. Do vậy, nhiều khả năng các cổ phiếu lớn, thuộc nhóm VN30 sẽ không giảm sâu hơn các mức đáy được thiết lập gần đây, kể cả khi VN-Index giảm xuống vùng 466 điểm. Các mức hỗ trợ được xác định trong quá trình đi xuống là 460- 466 và 445 điểm.

FPTS: Chờ diễn biến tích cực hơn từ thanh khoản

Diễn biến thị trường chung đang khá bất ổn khi mà sự phân hóa vẫn diễn ra giữa các nhóm cổ phiếu, đặc biệt là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Thêm vào đó, thanh khoản trong thời gian gần đây được duy trì khá thấp ở bất kỳ thời điểm tăng hay giảm của thị trường và vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện trở lại, điều này đang gây cản trở cho sự hồi phục của hai sàn HSX và HNX.

Nếu như những diễn biến này vẫn không có sự thay đổi tích cực hơn thì thị trường sẽ gặp khó khăn trong những phiên tới, khả năng đảo chiều đi xuống của các chỉ số có thể sẽ gia tăng trở lại nếu các chỉ số không có sự bứt phá lên khỏi ngưỡng kháng cự nhạy cảm.

Ngoài ra, những thông tin gần đây liên quan đến diễn biến giá vàng và thị trường thế giới vẫn chưa có sự lạc quan trở lại khiến cho nhà đầu tư cầm tiền do dự và chưa sẵn sàng tham gia thị trường.

Theo đó, chúng tôi vẫn bảo lưu khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng và chờ đợi thị trường cân bằng cùng những diễn biến tích cực hơn từ thanh khoản.

BVSC: Tiếp tục giữ tỷ trọng tiền mặt ở mức cao

Tuần tới, một vài doanh nghiệp có thể đưa ra kết quả sơ bộ 6 tháng đầu năm 2013 và thông tin này sẽ dẫn dắt sự quan tâm của nhà đầu tư. Tuy nhiên, qua theo dõi hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết, chúng tôi nhận thấy kết quả kinh doanh có thể được cải thiện, nhưng mức độ cải thiện chậm và sẽ tiếp tục có phân hóa mạnh.

Trong 1 đến 2 tháng tới, sự khác biệt trong kết quả kinh doanh sẽ là nhân tố chính định hướng và phân hóa dòng tiền, nhưng do mức độ tăng trưởng trong kết quả kinh doanh quý này còn chậm nên thị trường khó có được đà tăng trưởng mạnh với thanh khoản cao.

Theo quan điểm của BVSC, hiện giá trị giao dịch hai sàn đang về mức thấp trong vòng 6 tháng qua khiến rủi ro thanh khoản tăng. Duy trì quan điểm thận trọng, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư nên tiếp tục kiên nhẫn với tỷ trọng tiền mặt ở mức cao và hạn chế mua vào khi xu hướng thị trường chưa có dấu hiệu cải thiện rõ nét.

MBS: Không nên mua vào thời điểm này

Phiên cuối tuần, thị trường tiếp tục giảm nhẹ với khối lượng giao dịch yếu. VN-Index đã hình thành cây nến đen thân nhỏ thứ 3 liên tiếp. Đáng chú ý, chỉ báo kỹ thuật SO xuất hiện tín hiệu giảm ngắn hạn.

Như vậy, nhiều khả năng đợt tăng ngắn trước đó đã kết thúc và thị trường quay lại xu hướng giảm. Theo đó nhà đầu tư không nên mua vào trong thời điểm này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhận định TTCK tuần từ 8-12/7
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO