M&A ngành ngân hàng: Không chỉ dừng lại ở ngân hàng yếu kém?

ANH KHOA| 15/08/2018 03:37

Với định hướng nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành ngân hàng trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, thu hẹp số lượng ngân hàng hiện có, thì các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) có thể sẽ không chỉ dừng lại ở các ngân hàng nhỏ và yếu.

M&A ngành ngân hàng: Không chỉ dừng lại ở ngân hàng yếu kém?

Thực trạng các ngân hàng 0 đồng

"Chính phủ sẽ bán và chuyển giao các ngân hàng đã mua lại hoặc kiểm soát đặc biệt, như Oceanbank, VNCB, GPBank", đó là phát biểu của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại Diễn đàn M&A 2018 vào ngày 8/8 vừa qua. Đây không phải là lần đầu tiên ông nhắc đến điều này, và trước đó cũng đã có những phát biểu tương tự về việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cấu trúc các ngân hàng 0 đồng.

Đã 3 năm kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại 3 ngân hàng với giá 0 đồng, có lẽ đã đến lúc Chính phủ cho rằng cần phải chuyển giao trở lại. Còn nhớ tại thời điểm bị NHNN mua lại bắt buộc giá 0 đồng vào năm 2015, cả 3 nhà băng GPBank, OceanBank và VNCB đều trong tình trạng vô cùng khó khăn.

Cụ thể, tại VNCB, thời điểm bị mua lại đang có khoản lỗ lũy kế lên tới 27.000 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 24.000 tỷ đồng. OceanBank cũng có khoản nợ xấu lên tới hơn 15.000 tỷ đồng, chiếm 49,84% tổng dư nợ và lỗ lũy kế gần 10.200 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 2 lần. Còn GPBank, tại thời điểm ngày 2/4/2015, số lỗ lũy kế lên đến 12.280 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu bị âm 9.195 tỷ đồng, dư nợ cho vay giảm mạnh, chỉ còn 6.669 tỷ đồng, trong đó có tới 45,37% là nợ xấu.

Link bài viết

Trong 3 năm qua, công cuộc tái cấu trúc những ngân hàng này tuy đã giúp ổn định phần nào hoạt động nhưng kết quả kinh doanh vẫn chưa như kỳ vọng.

Cụ thể, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội vào tháng 10/2017, sau 2 năm được NHNN mua lại 0 đồng, tình hình kinh doanh của 3 ngân hàng trên vẫn chưa được cải thiện, tiếp tục thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu ngày càng cao. "Nếu không có biện pháp xử lý hữu hiệu thì sẽ tiếp tục lỗ thêm", Kiểm toán Nhà nước cảnh báo.

Tập trung cho nhóm ngân hàng yếu kém

Biện pháp xử lý hữu hiệu hiện nay có lẽ là chuyển giao các ngân hàng yếu kém cho những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, có khả năng quản trị cũng như kinh nghiệm trong ngành ngân hàng.

Bởi vì trong bất kỳ kế hoạch tái cấu trúc nào, muốn đạt tiến độ nhanh thì cần phải có nguồn "tiền tươi thóc thật" - thứ mà NHNN đang bị hạn chế do không được phép sử dụng tiền ngân sách để tái cơ cấu ngân hàng, trong khi chính NHNN cũng không thể "vừa đá bóng vừa thổi còi" khi phải tham gia điều hành các ngân hàng này.

Biện pháp chuyển giao các ngân hàng yếu kém là phù hợp khi mà thực tế đã có những nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tham gia vào ngành ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên thay vì thành lập một ngân hàng mất nhiều thời gian thì cân nhắc phương án mua một ngân hàng có sẵn sẽ nhanh hơn, nhất là khi NHNN cũng cho biết sẽ hạn chế cấp phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài.

Gần đây nhất, NHNN đã cấp phép cho UOB trở thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài thứ 9 hoạt động tại Việt Nam, sau khi đã có các ngân hàng như ANZ, Hong Leong, HSBC, Shinhan, Standard Chartered, Public Bank, CIMB, Woori.

Định hướng lâu dài có thể sẽ không chỉ dừng lại ở nhóm ngân hàng yếu kém, khi mà NHNN từng đề cập đến việc thu hẹp số lượng ngân hàng chỉ còn 15 - 17 ngân hàng thương mại cổ phần với năng lực tài chính đủ mạnh, có thể cạnh tranh với ngân hàng các nước trong khu vực.

Cần lưu ý rằng trước khi được cấp giấy phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài thì các ngân hàng này đều đã có thời gian hoạt động khá lâu tại thị trường Việt Nam dưới dạng ngân hàng liên doanh, chi nhánh, có văn phòng đại diện hoặc là cổ đông chiến lược của ngân hàng trong nước.

Tuy nhiên, cũng theo lời của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại diễn đàn vừa qua thì sắp tới, Chính phủ sẽ rất hạn chế, không cấp thêm giấy phép hoạt động cho ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua đến 100% vốn ngân hàng yếu kém trong nước và thông tin cho biết thêm là hiện rất nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Trước đó, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã tái khẳng định, hiện NHNN đang ưu tiên phương án bán cho nhà đầu tư hoặc sáp nhập, hợp nhất thông qua việc yêu cầu 3 ngân hàng trên tìm kiếm đối tác có tài chính tốt, có kinh nghiệm quản trị, điều hành tham gia cơ cấu lại. "Các nhà đầu tư bỏ vốn thực để đầu tư, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về tỷ lệ an toàn theo quy định của pháp luật", Thống đốc nói.

Chỉ còn 15 - 17 ngân hàng thương mại cổ phần?

Tuy nhiên, định hướng lâu dài có thể sẽ không chỉ dừng lại ở nhóm ngân hàng yếu kém, khi mà NHNN từng đề cập đến việc thu hẹp số lượng ngân hàng chỉ còn 15 - 17 ngân hàng thương mại cổ phần với năng lực tài chính đủ mạnh, có thể cạnh tranh với ngân hàng các nước trong khu vực.

Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 986/QĐ-TTg, theo đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngân hàng tiếp tục là mục tiêu hàng đầu.

Cụ thể, nếu như giai đoạn 2018 - 2020 tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp, thì giai đoạn 2021 - 2025 sẽ nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, tăng sự minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế trong quản trị và trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất từ 2 - 3 ngân hàng thương mại nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á và 3 - 5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài.

Với mục tiêu như trên, các thương vụ sáp nhập những ngân hàng lớn hơn sẽ vẫn có thể diễn ra trong thời gian tới, nhất là khi NHNN ngày càng nâng cao chuẩn mực hoạt động theo quốc tế (hiện đang phấn đấu theo Basel 2 và sau đó có thể là Basel 3), tỷ lệ thanh khoản và bảo đảm an toàn vốn, cũng như hình thành nên những ngân hàng vươn tầm quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
M&A ngành ngân hàng: Không chỉ dừng lại ở ngân hàng yếu kém?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO