Do đó, Nhà nước có vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành tài chính - ngân hàng, đồng thời ngăn chặn hữu hiệu những cơn sốt trong ngành để không dẫn đến đổ vỡ và khủng hoảng.
Trước hết, Nhà nước có vai trò không thể thiếu trong việc chế tài và giám sát để đảm bảo ngành ngân hàng hoạt động ổn định, an toàn. Sự can thiệp của Nhà nước sẽ giúp làm giảm các khiếm khuyết của thị trường như hành vi chống cạnh tranh, gian lận, thông tin không chính xác.
Những khiếm khuyết trên cần phải được khắc phục bằng các quy chế về thị trường, bằng các quy chế về giám sát phòng ngừa buộc các ngân hàng phải minh bạch thông tin về tình hình hoạt động để khách hàng có cơ sở cho quyết định đầu tư.
Với ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam, có thể thấy một số việc cần phải được thực hiện như nhanh chóng bãi bỏ trần lãi suất để thúc đẩy cạnh tranh giữa các ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần sớm phân loại chất lượng của các ngân hàng, mở cửa hơn nữa cho sự tham gia của ngân hàng nước ngoài, đặc biệt khi trong hệ thống đang có một số lượng không nhỏ ngân hàng yếu kém, phải tái cơ cấu.
Sự tham gia của ngân hàng ngoại sẽ mang đến vốn mới, công nghệ và sản phẩm mới, khuyến khích sự cạnh tranh của ngân hàng nội. NHNN cần có chế tài mạnh mẽ buộc các ngân hàng thực hiện đúng lộ trình và đảm bảo tuân thủ chỉ tiêu về an toàn vốn tối thiểu nhằm giảm thiểu bất ổn hệ thống. Cần lưu ý rằng, thế giới hiện nay đã tiến đến tiêu chuẩn an toàn vốn Basel III trong khi ngành ngân hàng Việt Nam vẫn loay hoay với lộ trình đáp ứng tiêu chuẩn của Basel II đến tận năm 2020 mà cũng không chắc đã đạt được mục tiêu.
Trong công tác quản lý, giám sát phòng ngừa rủi ro, Nhà nước cần giảm thiểu những chính sách ngắn hạn (thay đổi, điều chỉnh hằng năm, ví dụ như quy định về tỷ lệ sử dụng vốn huy động ngắn hạn cho vay dài hạn), quy định về mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, khuyến khích và chế tài để các ngân hàng thực thi nghiêm túc các quy định luật pháp (chẳng hạn NHNN thỉnh thoảng gửi văn bản nhắc nhở các ngân hàng hạn chế cho vay bất động sản, khuyến khích các ngân hàng chủ động cho vay nhà ở xã hội với nguồn vốn ưu đãi).
Vai trò quan trọng nữa của Nhà nước đối với sự phát triển của hệ thống ngân hàng là sự can thiệp và xử lý các ngân hàng có vấn đề. Kinh nghiệm rút ra từ các cuộc khủng hoảng tài chính cho thấy, một trong những nguyên nhân là không cho phá sản một số ngân hàng bởi cho rằng những ngân hàng đó quá lớn.
Cũng có ý kiến trái chiều cho rằng đóng cửa, phá sản ngân hàng sẽ tạo ra khủng hoảng hệ thống khi người gửi tiền đổ xô rút tiền từ ngân hàng có vấn đề. Nhưng chính sách ngăn ngừa ngân hàng phá sản chắc chắn sẽ tạo ra rủi ro đạo đức cho cả phía giới chủ và quản lý ngân hàng, cả phía người gửi tiền.
Giới chủ, quản lý ngân hàng thì trở nên vô trách nhiệm với các quyết định tài chính của mình, đồng thời cũng không nỗ lực quản trị ngân hàng theo hướng an toàn, bền vững vì tin rằng Chính phủ sẽ cứu trợ, không để ngân hàng đổ vỡ. Phía người gửi tiền thì không quan tâm đến uy tín và tình hình hoạt động của ngân hàng, miễn là được chào mời lãi suất hấp dẫn vì tin rằng ngân hàng không thể bị đóng cửa. Bởi vậy, cơ quan chức năng cần sẵn sàng để cho ngân hàng đóng cửa, phá sản nếu thấy đây là giải pháp tốt.
Viễn cảnh khi Nhà nước sẵn sàng để cho ngân hàng yếu kém nào đó ra đi và mở cửa cho các ngân hàng mới thành lập sẽ làm gia tăng áp lực cạnh tranh lên các ngân hàng, buộc họ phải nỗ lực cung cấp sản phẩm tài chính tốt với giá dễ chịu, đồng thời hạn chế khả năng thâu tóm thị trường của một vài ngân hàng, làm giảm mức độ cạnh tranh.
Theo hướng này, rất may là Việt Nam gần đây đã đề cập đến sự phá sản trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng, thay vì khẳng định không để ngân hàng phá sản như trước đây. Tuy nhiên, điều đáng nói là nhận thức mới này vẫn còn chưa dứt khoát khi sự phá sản này kèm điều kiện là "giải pháp cuối cùng" sau khi các biện pháp tái cơ cấu khác không có kết quả.
Nếu cứ phải tuân thủ theo đúng lộ trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém như vậy thì e rằng sẽ là quá muộn khi lần lượt các biện pháp tái cơ cấu được thử nghiệm và thất bại để rồi mới đi đến kết luận là phải cho phá sản. Lúc đó thì hậu quả để lại cho hệ thống và nền kinh tế có thể sẽ lớn hơn nhiều so với việc cơ quan chức năng chủ động xác định được mức độ yếu kém và chọn giải pháp phá sản.
Tiếp theo, Nhà nước cần chuẩn bị sẵn sàng các phương án đối phó khi một ngân hàng nào đó bị cho phá sản. Lúc này, Nhà nước có vai trò then chốt trong việc ổn định lòng tin của dân chúng vào hệ thống ngân hàng, duy trì hoạt động bình thường của hệ thống, bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, giảm thiểu gánh nặng ngân sách dùng để cứu trợ hệ thống ngân hàng.
Tuy Việt Nam đã có một số kinh nghiệm trong vấn đề trên, nhưng trước mắt cần tăng mức bảo hiểm tiền gửi cao hơn từ mức rất thấp như hiện nay là tối đa 75 triệu đồng, để người gửi tiền, nhất là những người có nhiều tiền gửi tạm yên tâm với tài sản của mình phó thác cho các ngân hàng, tránh khả năng vì bất an nên họ rút tiền đầu tư vào những lĩnh vực khác.
Cơ quan chức năng cũng cần thường xuyên đánh giá tác động của một ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng có quy mô lớn. Làm được như vậy, mỗi khi ngân hàng loại này gặp rắc rối, tùy theo mức độ trầm trọng của vấn đề, cơ quan chức năng có thể nhanh chóng đưa ra giải pháp xử lý thích hợp, bao gồm sáp nhập, mua lại giữa các ngân hàng (trong và ngoài nước) hoặc với một phần tiền từ ngân sách nhằm bảo đảm tính ổn định của hệ thống ngân hàng.
Song song với những giải pháp liên quan đến số phận các ngân hàng yếu kém, cơ quan chức năng cần chủ động đưa ra kế hoạch tái cơ cấu và phục hồi các ngân hàng lớn có vấn đề nhưng có khả năng phục hồi. Mặc dù đây không phải là chuyện mới với Việt Nam, nhưng những lỗ hổng trong các vụ tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, như Ngân hàng Xây dựng, dẫn đến việc truy tố một số cán bộ NHNN gần đây, cho thấy còn rất nhiều việc phải làm trong công cuộc tái cơ cấu ngành ngân hàng.