Lỗ nặng, lãi nhẹ

HÀ LINH| 07/11/2012 00:07

Thời gian báo cáo tài chính quý III gần kết thúc, một số ít doanh nghiệp báo lãi có tính chất tượng trưng, còn lại đa phần DN đưa ra kết quả kinh doanh thua lỗ.

Lỗ nặng, lãi nhẹ

Thời gian báo cáo tài chính quý III gần kết thúc, một số ít doanh nghiệp (DN) báo lãi có tính chất tượng trưng, còn lại đa phần DN đưa ra kết quả kinh doanh thua lỗ.

Đọc E-paper

Lãi tượng trưng

Ngoài một vài công ty có tiềm lực mạnh, có lẽ Công ty CP Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (PGD) gây bất ngờ nhất khi lỗ tới 226 tỷ đồng trong quý III, nhưng hiện vẫn vượt kế hoạch lợi nhuận năm. Nguyên nhân lỗ được Công ty giải trình là do điều chỉnh giá khí. Từ đó, công ty này vẫn tự tin cho biết, năm 2012 sẽ hoàn thành kế hoạch đại hội cổ đông giao phó.

Cùng với giá cổ phiếu tăng mạnh từ dưới 18.000 đồng lên 22.000 đồng trong vòng chưa đầy 15 phiên giao dịch, Công ty CP Xuyên Thái Bình (PAN) khiến nhà đầu tư (NĐT) một lần nữa bất ngờ khi báo vượt 284% kế hoạch lợi nhuận cả năm nhờ chênh lệch giữa giá trị hợp lý của tài sản thuần tại công ty liên kết với giá mua hơn 50 tỷ đồng; tăng trưởng lợi nhuận gấp 11 lần cùng kỳ với EPS 9 tháng đạt hơn 6.300 đồng!

Công ty CP Gạch men Thanh Thanh (TTC) có vốn điều lệ gần 60 tỷ đồng và kế hoạch lợi nhuận trước thuế chỉ 3,9 tỷ đồng. Vượt kế hoạch lợi nhuận từ cuối quý II và sang quý III nâng mức vượt lên 91%, lọt vào nhóm những DN được khen bởi đã hoàn thành chỉ tiêu cổ đông giao phó.

Công ty CP Vicem Thương mại Xi măng (TXM) cũng thuộc nhóm đặt kế hoạch lợi nhuận thấp. Năm 2012, mục tiêu lợi nhuận của Công ty chỉ 2,96 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Đạt 593 triệu đồng quý III và 5,79 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế 9 tháng, TXM đã nâng tỷ lệ vượt kế hoạch kinh doanh lên gần 96%.

Theo thống kê sơ bộ, tính cả những DN đã vượt kế hoạch kinh doanh từ cuối quý II và những DN đã công bố vượt ở quý III thì đã có hơn 35 DN báo vượt, trong đó có nhiều DN vừa và nhỏ. Đây được xem là điểm sáng của thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, đây chưa hẳn là dấu hiệu lạc quan và NĐT cũng khoan kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường. Nguyên nhân hoạt động kinh doanh có lãi của các công ty trên là do các công ty đặt kế hoạch thấp.

Xét trên quy mô vốn 150 tỷ đồng, việc đặt kế hoạch lợi nhuận 2012 với 2,52 tỷ đồng (sau thuế) tương đương ROE chưa đầy 2% thì chuyện 9 tháng vượt hơn 80% của PDC không phải vấn đề quá khó. Thậm chí, có doanh nghiệp trong quý III lãi đúng... 1 triệu đồng.

Lỗ cụ thể

Còn khá nhiều công ty chưa lên tiếng về việc lãi lỗ, nhưng theo số liệu thống kê thì tính đến nay đã có 50 công ty báo lỗ. Ngược với kết quả của nhóm lãi, phần lớn các công ty báo lỗ đều thuộc nhóm đứng "top" trên sàn như: BGM, BKC và rất nhiều DN thuộc ngành than báo lỗ như TC6, TCS, TDN, TDN, TVD.

Ngành vật liệu xây dựng khủng hoảng doanh thu, loay hoay trong lỗ. Những cái tên như DAC, DCT, POM, QCC, VIS, VHG, HT1 lỗ là điều dễ đoán, mặc dù có những DN như VIS chưa từng lỗ từ khi niêm yết. Hàng tồn kho chất đống cùng với sự đình trệ của thị trường bất động sản khiến các doanh nghiệp trong ngành gặp khó.

Thậm chí, chỉ tính những ngày đầu quý III, những cái tên quen thuộc ngành tài chính và bất động sản như ACB, CTG, IDJ, KAC, HHG, LCG, NTB, NVT, SDH, SJM, SJS và VCV đều có những khoản lỗ lớn.

Cụ thể, theo báo cáo kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm, ACB lỗ 1.144 tỷ đồng ở mảng kinh doanh ngoại hối và vàng. Khoản lỗ sau này khiến ACB lỗ sau thuế 496,2 tỷ đồng trong quý III và kéo lợi nhuận 9 tháng chỉ còn lãi 896,4 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ 2011.

Một ông lớn khác trong ngành ngân hàng cũng chịu thiệt hại khi mua bán chứng khoán đầu tư, đó là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (CTG). Quý III, CTG lỗ 6,54 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ 9 tháng đầu năm lên 76 tỷ đồng. Con số này năm ngoái là 264 tỷ đồng. Như vậy, khoản lỗ chứng khoán của CTG năm nay đã... thấp hơn năm trước.

Nằm trong top đại gia, Công ty CP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (SJC) vừa thông báo kết quả kinh doanh quý III với lợi nhuận âm, lỗ 29,63 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm lỗ 109,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2011 lãi 15,72 tỷ đồng. Trong quý III, Công ty CP LICOGI 16 (LCG) lỗ 23,04 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng lỗ 5,1 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái, LCG lãi 116 tỷ đồng.

Những mã cổ phiếu như APG, BSI, KLS. ORS, SHS, VDS... cũng không nằm ngoài dự kiến. Công ty Chứng khoán Kim Long (KLS) quý III lỗ 91,52 tỷ đồng và lũy kế 9 tháng đầu năm lỗ 41,54 tỷ đồng; Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) lỗ trong quý III là 59 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đầu năm lỗ 28 tỷ đồng...

Lý do chung được các công ty này trình bày trong báo cáo tài chính chủ yếu do: thanh khoản thấp, doanh thu môi giới không đủ bù đắp cho chi phí hoạt động. Dù rằng, đoán biết khó khăn của thị trường và nhiều công ty chứng khoán đã cắt giảm chi nhánh, cắt giảm nhân viên..., nhưng nguồn thu eo hẹp vẫn không đủ bù đắp.

Ngoài ra, thị giá nhiều loại cổ phiếu xuống thấp, nhiều công ty bắt sai đáy thị trường đã gánh lỗ khủng. Đa phần lỗ đến từ trích lập dự phòng cao. Ngoài ra, vay nợ lớn để đầu tư máy móc, mua nguyên vật liệu... khiến DN càng đau đầu hơn khi không bán được hàng mà áp lực trả lãi vay vẫn dồn vai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lỗ nặng, lãi nhẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO