Làn sóng tăng vốn cấp 2 của các ngân hàng

ANH KHOA| 22/11/2018 03:38

Khi các ngân hàng tăng vốn điều lệ thông qua bán vốn cho đối tác chiến lược, chia cổ tức hay phát hành cổ phiếu thưởng "khủng" chưa kịp lắng xuống, thị trường lại tiếp tục chú ý đến những thương vụ phát hành trái phiếu dài hạn để tăng vốn tự có cấp 2 tại một số ngân hàng trong những ngày gần đây.

Làn sóng tăng vốn cấp 2 của các ngân hàng

Hàng loạt thương vụ phát hành trái phiếu cuối năm

Ngày 12/11, Vietcombank thông báo kết quả phát hành thành công trái phiếu đợt 4, 5 và 6 diễn ra vào các ngày 2, 6 và 8/11, với tổng giá trị 221,9 tỷ đồng, kỳ hạn 6 năm, mức lãi suất 7,475%. Vietcombank cũng đã phát hành thành công 329,3 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn và mức lãi suất tương tự vào những ngày cuối tháng 10. Như vậy, chỉ trong vòng nửa tháng, ngân hàng này đã huy động được 551,2 tỷ đồng từ trái phiếu để gia tăng nguồn vốn tự có cấp 2.

Ngày 9/11, Vietinbank thông báo đã phát hành thành công 100 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 15 năm để tăng vốn tự có cấp 2; lãi suất phát hành bằng lãi suất bình quân tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của nhóm ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank cộng thêm 1,1%. Trong tháng 10, Vietinbank phát hành thành công 450 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm, lãi suất cố định 6%/năm. Vào cuối tháng 6 vừa qua, Vietinbank đã thu về hơn 2.345 tỷ đồng từ việc phát hành trái phiếu ra công chúng.

Link bài viết

Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng Quân đội vừa công bố phát hành thành công 130,9 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm 1 ngày, tiếp nối đợt phát hành 1.387,9 tỷ đồng trái phiếu 5 năm 1 ngày và 10 năm vào tháng 10. Tại ACB, ngày 5/11 HĐQT đã thông qua kế hoạch phát hành 2.200 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm với lãi suất cố định 6% trong thời gian còn lại của năm nay. Tương tự, HĐQT HDBank vừa ra quyết định phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu sau khi phát hành thành công 2 đợt là 1.000 tỷ đồng và 5.000 tỷ đồng trái phiếu từ đầu năm đến nay.

Mới đây nhất, BIDV công bố phát hành 400.000 trái phiếu ra công chúng với mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu, trong đó 300.000 trái phiếu kỳ hạn 7 năm và 100.000 trái phiếu kỳ hạn 10 năm. Nếu phát hành thành công, BIDV sẽ thu về số tiền 4.000 tỷ đồng để gia tăng quy mô vốn hoạt động.

Không ngoài mục tiêu tăng vốn

Thông thường, các ngân hàng thường đẩy mạnh phát hành giấy tờ có giá trong những tháng cuối năm để chuẩn bị nguồn vốn kinh doanh cho năm sau, cũng như để đảm bảo thanh khoản khi thời điểm lượng tiền gửi tăng chậm, thậm chí chịu áp lực rút ra khi nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh cuối năm tăng cao. Do đó, việc phát hành giấy tờ có giá với lãi suất hấp dẫn sẽ phần nào đảm bảo cho nguồn vốn của ngân hàng tại thời điểm này.

Với việc nhiều ngân hàng từ đầu năm đến nay chưa thể tăng vốn điều lệ (cấu phần chính của vốn tự có cấp 1) theo như kế hoạch đề ra, thì việc phát hành trái phiếu dài hạn để tăng vốn tự có cấp 2 là cần thiết. Số liệu từ báo cáo tài chính quý III cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, chỉ mới có 10 ngân hàng tăng thêm được vốn điều lệ và còn đến 15 ngân hàng vẫn chưa hoàn thành kế hoạch tăng vốn trong năm nay.

Việc lựa chọn phát hành trái phiếu để thu hút lượng vốn lớn ngay tại lúc mà lãi suất vẫn còn khá ổn định như hiện nay được xem là khôn ngoan. Hay nói cách khác, đó được xem như một mũi tên trúng 2 đích, vừa tăng được vốn trung dài hạn cũng như vốn tự có, lại còn đảm bảo được sự chủ động nguồn vốn với chi phí vốn được giữ ổn định trong giai đoạn có thể có nhiều rủi ro sắp tới.

Theo quy định hiện nay, trái phiếu kỳ hạn trên 5 năm sẽ được tính vào vốn tự có cấp 2, vì vậy các ngân hàng thường lựa chọn phát hành trái phiếu kỳ hạn 5 năm 1 ngày, 7 năm, 10 năm hoặc 15 năm để đủ điều kiện được tính vào vốn tự có, khi mà ngày càng gần đến thời điểm cách tính hệ số an toàn vốn mới (CAR) theo chuẩn Basel 2 sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2020.

Đối với trái phiếu phát hành có kỳ hạn nhỏ hơn 5 năm tuy không được tính vào vốn tự có, nhưng cũng giúp các ngân hàng gia tăng nguồn vốn trung dài hạn để chủ động phát triển kinh doanh, cũng như để đảm bảo tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm từ 45% về còn 40% kể từ đầu năm tới.

Những thay đổi đáng lưu  ý

Việc ngân hàng phát hành trái phiếu hàng loạt trong thời điểm này nếu kết nối với diễn biến xu hướng lãi suất đang tăng trở lại cũng là điều cần chú ý. Cụ thể với mặt bằng lãi suất đang thiết lập xu hướng đi lên, trong bối cảnh áp lực lạm phát và tỷ giá sẽ ngày càng tăng, thì đa số dự báo cho rằng lãi suất trong giai đoạn tới sẽ không hề dễ chịu, và các ngân hàng có thể phải tăng lãi suất đầu vào để đảm bảo thu hút tiền gửi, đồng nghĩa với chi phí vốn tăng.

Vì vậy, việc lựa chọn phát hành trái phiếu để thu hút lượng vốn lớn ngay tại lúc mà lãi suất vẫn còn khá ổn định như hiện nay được xem là khôn ngoan. Hay nói cách khác, đó được xem như một mũi tên trúng 2 đích, vừa tăng được vốn trung dài hạn cũng như vốn tự có, lại còn đảm bảo được sự chủ động nguồn vốn với chi phí vốn được giữ ổn định trong giai đoạn có thể có nhiều rủi ro sắp tới.

Một điểm đáng lưu ý khác là không như giai đoạn trước, các ngân hàng thường phát hành trái phiếu và mua lẫn nhau để tăng vốn cho nhau, thì hiện nay có xu hướng phát hành cho khách hàng đang gửi tiền, các nhà đầu tư cá nhân cũng như các nhà đầu tư tổ chức.

Rõ ràng với những quy định, kiểm soát sở hữu giữa các ngân hàng trong thời gian trước sẽ bị hạn chế và giám sát chặt chẽ hơn. Quy định về cách tính tỷ lệ CAR  theo thông tư 41/2016/TT-NHNN sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2020 cũng có nhiều sự thay đổi lớn, trong đó phần vốn đầu tư vào trái phiếu đủ điều kiện tính vốn cấp 2 của các ngân hàng khác sẽ bị loại khi tính vốn tự có của tổ chức tín dụng đang sở hữu.

Điều này đồng nghĩa với việc những tổ chức tín dụng đang sở hữu lượng trái phiếu cấp 2 của các ngân hàng khác với số lượng lớn thì từ năm 2020 trở đi, vốn tự có cấp 2 sẽ chịu áp lực suy giảm khi phải loại trừ các khoản đầu tư này. Do đó, các ngân hàng hiện nay không còn nhiều động lực để mua trái phiếu lẫn nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làn sóng tăng vốn cấp 2 của các ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO