Với tỷ suất sinh lời quá hấp dẫn, các nhà đầu tư cá nhân vẫn đang quay cuồng trong vòng xoáy của các hợp đồng tương lai.
Thanh khoản cơ sở cạn kiệt
Sau giai đoạn sôi động trong tháng 9 và nửa đầu tháng 10, cùng với điểm số diễn biến tích cực, thì kể từ giữa tháng 10 đến nay, thị trường chứng khoán không chỉ chịu áp lực đi xuống về điểm số mà thanh khoản cũng gần như mất hút.
Thống kê cho thấy từ ngày 15/10 cho đến phiên 9/11 cuối tuần qua, sàn HoSE trải qua 16/20 phiên có khối lượng giao dịch dưới mức 150 triệu cổ phiếu/phiên, thậm chí không ít phiên thanh khoản dưới mức 120 triệu cổ phiếu. Theo đó, khối lượng giao dịch trung bình trong giai đoạn này trên HoSE chỉ xấp xỉ 136 triệu cổ phiếu/phiên, giảm hơn 23% so với khối lượng trung bình trong tháng 9.
Tâm lý thận trọng bao trùm là điều dễ nhận thấy trên thị trường trong thời gian qua, với dòng tiền dịch chuyển rất chậm, khi mà những phiên tăng mạnh thì thanh khoản cũng không cải thiện được bao nhiêu do những lo ngại về bẫy tăng giá. Diễn biến giao dịch ảm đạm khiến các thông tin tiêu cực khi xuất hiện dễ thúc đẩy các phiên bán tháo xảy ra, do đó thị trường tiếp tục mắc kẹt trong xu hướng đi xuống, bất chấp giao dịch của khối ngoại đã có sự cải thiện trong những phiên gần đây.
Cụ thể, trong tuần qua, khối ngoại đã có 5 phiên mua ròng liên tiếp trong suốt tuần trên sàn HoSE, với tổng giá trị hơn 360 tỷ đồng, trong đó riêng phiên cuối tuần ngày 9/11 mua ròng hơn 160 tỷ đồng. Việc khối ngoại mua ròng trở lại cũng không tác động gì đến tâm lý của các nhà đầu tư hiện nay, khi dòng tiền suy yếu cho thấy các "tay to" vẫn tiếp tục đứng ngoài quan sát, và vì vậy nhóm các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ cũng không có động lực sớm tham gia thị trường trở lại, nhất là khi xu hướng không rõ ràng.
Nếu so với thị trường cơ sở thì thanh khoản của thị trường phái sinh trong tháng 10 cao gần gấp đôi, cho thấy các nhà đầu tư dường như đang bỏ mặc thị trường cơ sở để rót tiền lướt sóng trên thị trường phái sinh, với mục tiêu kiếm lời nhanh hơn và cũng có thể cắt lỗ ngay lập tức nhờ lợi thế giao dịch T+0.
Đáng lưu ý là báo cáo kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp cũng chưa thể hỗ trợ gì cho thị trường, khi mà có quá nhiều yếu tố không chắc chắn vào thời điểm này. Trong khi đó, những phiên "bốc đầu" của chứng khoán Mỹ vừa qua cũng không có sự lan tỏa lớn đến tâm lý của các nhà đầu tư trong nước và diễn biến thị trường như giai đoạn trước đó.
Phái sinh lại khuấy đảo
Ngược lại, giao dịch trên thị trường phái sinh tiếp tục thể hiện sự sôi động đã đạt được gần đây, chứng tỏ dòng tiền tiếp tục bị thu hút sang đây. Thống kê cho thấy khối lượng giao dịch trong tháng 10 đạt hơn 2,5 triệu hợp đồng, tăng gần 64% so với tháng trước, bình quân đạt 110.938 hợp đồng/phiên, tăng mạnh 35,3% so với tháng trước và tăng 14% so với trung bình quý III. Giá trị giao dịch cũng tăng tương ứng 29,6% và 12,33%, lên ngưỡng 10.200 tỷ đồng/phiên.
Nếu so với thị trường cơ sở, thì thanh khoản của thị trường phái sinh trong tháng 10 cao gần gấp đôi, cho thấy các nhà đầu tư dường như đang bỏ mặc thị trường cơ sở để rót tiền lướt sóng trên thị trường phái sinh, với mục tiêu kiếm lời nhanh hơn và cũng có thể cắt lỗ ngay lập tức nhờ lợi thế giao dịch T+0. Trong tình hình chứng khoán vẫn đang trong xu hướng đi xuống thì giao dịch trên thị trường cơ sở bị nhiều hạn chế, ngược lại trên thị trường phái sinh nhà đầu tư có thể bán khống theo xu hướng giảm của thị trường.
Thực tế cho thấy kể từ khi VN-Index bắt đầu điều chỉnh mạnh và có dấu hiệu đảo chiều xu hướng từ tháng 5 năm nay, thì khối lượng giao dịch trên thị trường phái sinh liên tục tăng vọt lên gấp 2 - 3 lần so với giai đoạn trước đó. Đỉnh điểm là vào tháng 7 với khối lượng giao dịch đạt hơn 2,8 triệu hợp đồng, bình quân đạt gần 130.000 hợp đồng/phiên, giá trị giao dịch cũng tăng vọt lên 262% so với thị trường cơ sở. Đây là thời điểm mà VN-Index điều chỉnh sâu và ghi nhận sự sụt giảm hơn 20% so với đỉnh gần nhất - dấu hiệu cho thấy đã bước vào thị trường con gấu.
Chính nhờ bám sát và nhận định đúng theo xu hướng thị trường, không ít nhà đầu tư đã đạt tỷ suất sinh lời khá tốt trên thị trường này. Đặc biệt, nếu có chiến lược giao dịch phù hợp thì lợi nhuận đạt được còn lớn hơn rất nhiều nhờ tận dụng tỷ lệ đòn bẩy cao dành cho thị trường phái sinh. Vì vậy, không có gì lạ khi ngày càng nhiều nhà đầu tư tham gia giao dịch các hợp đồng tương lai giữa lúc thị trường cơ sở quá ảm đạm. Tính đến cuối tháng 10, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh vẫn tiếp tục tăng, đạt 50.956 tài khoản, tăng 9,45% so với tháng trước.
Các công ty chứng khoán cũng liên tục có các chính sách thu hút nhà đầu tư tham gia thị trường phái sinh, từ miễn, giảm phí giao dịch trong giai đoạn đầu, nâng cấp, cải tiến hệ thống giao dịch để đáp ứng tốt hơn, chú trọng hơn các báo cáo phân tích, khuyến nghị đồng thời tổ chức hàng loạt buổi thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, chiến lược giao dịch đối với các hợp đồng tương lai.
Đặc biệt là các công ty chứng khoán cũng ngày càng tích cực tham gia giao dịch. Trong tháng 10 vừa qua, hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán trên thị trường phái sinh tăng gần gấp đôi so với tháng 9, tuy nhiên xét theo tỷ trọng mới chiếm 0,6% khối lượng giao dịch. Trong khi đó, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài cũng chỉ mới chiếm 0,17% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường, còn khá khiêm tốn nếu so với tỷ trọng hơn 98,8% của các nhà đầu tư cá nhân trong nước. Do đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn đang là "tay chơi" chính trên thị trường phái sinh hiện nay.