Kinh Đô: Ba năm mới sáp nhập, cổ đông được gì?

BÌNH AN| 20/05/2010 03:27

Trong đại hội đồng cổ đông của ba công ty thuộc Kinh Đô, nhà đầu tư đã nghe nói đến phương án sáp nhập. Đây là kế hoạch được KDC đưa ra từ năm 2007, đến nay mới thực hiện được, và nhà đầu tư tự hỏi: họ sẽ được lợi gì?

Kinh Đô: Ba năm mới sáp nhập, cổ đông được gì?

Trong đại hội đồng cổ đông của ba công ty thuộc Kinh Đô, nhà đầu tư đã nghe nói đến phương án sáp nhập. Đây là kế hoạch được KDC đưa ra từ năm 2007, đến nay mới thực hiện được, và nhà đầu tư tự hỏi: họ sẽ được lợi gì?

Công ty tăng thêm ưu thế

Ông Võ Hữu Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, các thành viên của Kinh Đô sáp nhập vào KDC sẽ giúp công ty này trở thành một tập đoàn sản xuất thực phẩm có quy mô lớn trong khu vực. Doanh thu năm đầu tiên của KDC sau sáp nhập có thể đạt 3.000 tỷ đồng, chỉ số EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) sẽ mang lại giá trị lớn hơn trước khi sáp nhập với mức tăng trưởng bền vững, bình quân mỗi năm khoảng 9%.

Kế đó là vốn hóa thị trường của KDC tăng lên, dễ thu hút các nhà đầu tư chiến lược, dễ phát hành thêm cổ phiếu và huy động vốn để tài trợ cho các dự án sản xuất. Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Công ty KDC, đã nói với các cổ đông rằng, khi sáp nhập được các công ty, ngoài sản xuất bánh kẹo, kem, sữa chua, KDC còn đẩy mạnh sản xuất dầu ăn, nước chấm, đều là những sản phẩm thiết yếu. Sắp tới đây, sau khi sáp nhập, doanh số của KDC dự kiến sẽ tăng 400 triệu USD/năm (năm 2015), tạo tiền đề cho việc niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông.

Về sản xuất, KDC sẽ điều chuyển dây chuyền sản xuất kẹo sôcôla ra Bắc, xây dựng thêm nhà xưởng sản xuất kem Kido tại phía Bắc mà không phải làm nhiều thủ tục đầu tư như trước đây. Về mua nguyên vật liệu, nhờ nhu cầu sản lượng lớn nên có thể yêu cầu bên cung cấp cho giá tốt nhất và có thể điều phối sản phẩm, giảm chi phí tồn kho. Về chi phí kiểm toán báo cáo thường niên sẽ ít hơn 1/3, trong khi các năm trước phải chi mấy chục ngàn USD cho một đơn vị kiểm toán. Tương tự, quảng bá sản phẩm trên các phương tiện truyền thông cũng quy về một mối, tiết kiệm được chi phí.

Khó khăn cũ - mới

Ông Trần Lệ Nguyên cho biết, mấy năm trước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chưa có cơ chế, văn bản hướng dẫn sáp nhập. Mặt khác, thời điểm đó lại rơi vào khủng hoảng tài chính thế giới, giá cổ phiếu của các thành viên chênh lệch, cổ phiếu kem Kido chưa có giá vì còn là OTC. Cổ phiếu của các công ty phải điều chỉnh bằng cách phát hành thêm, giảm giá nhiều lần để được giá tương đương.

Khi trở thành một tập đoàn có quy mô lớn, áp lực về thực hiện các chỉ tiêu kinh doanh sẽ nặng hơn, mỗi đơn vị phải tuân thủ theo kế hoạch, nếu không sẽ gây khó khăn chung cho tập đoàn. Và tuy đã chuẩn bị từ trước nhưng đội ngũ nhân sự cấp cao cũng phải được tập huấn lại để thích nghi với việc điều hành mới.

Về mặt lý thuyết thì sau khi sáp nhập có nhiều cái lợi, nhưng để chứng minh thì phải chờ sau một năm mới thấy rõ hiệu quả đến đâu. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường chứng khoán đã có nhiều công ty muốn sáp nhập để trở thành một công ty lớn. Và các công ty lớn phải mua lại cổ phiếu của các công ty nhỏ trên sàn chứng khoán theo phương thức thôn tính, chiếm hơn 51% để nắm quyền chi phối HĐQT, sau đó mới bàn chuyện sáp nhập.

Những công ty lớn mua các công ty nhỏ có nhiều cái lợi như đã phân tích ở trên, nhưng còn có một lý do không nói ra là để quảng bá thương hiệu. Riêng KDC sáp nhập cũng là để điều chỉnh tỷ lệ kinh doanh bất động sản xuống và ngành thực phẩm mới là ngành chính. Bởi vì nhà đầu tư thích lĩnh vực bất động sản, nhưng lại không thích một công ty niêm yết không đi đúng ngành nghề.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh Đô: Ba năm mới sáp nhập, cổ đông được gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO