Khối ngoại liên tiếp bán ròng trên thị trường chứng khoán

Gia Lê| 07/10/2019 01:05

Động thái bán ròng liên tiếp của các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua đã ít nhiều ảnh hưởng lên tâm lý của nhà đầu tư trong nước và diễn biến của chỉ số chứng khoán. Đâu là động lực dẫn dắt xu hướng giao dịch của khối ngoại hiện nay.

Khối ngoại liên tiếp bán ròng trên thị trường chứng khoán

Tính đến phiên giao dịch cuối tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã có 9 phiên bán ròng liên tiếp trên sàn HOSE, với tổng giá trị hơn 1.272 tỷ đồng, trong đó riêng 4 phiên gần nhất đầu tháng 10 đã hơn 953 tỷ đồng. Xu hướng bán ròng kể trên tiếp nối kể từ tháng 8 đến nay, khi giá trị bán ròng trong tháng 8 trên toàn thị trường là hơn 1.700 tỷ đồng. Sang tháng 9, giá trị bán ròng khiêm tốn hơn chỉ đạt 130 tỷ đồng, chủ yếu nhờ vào ba phiên giao dịch mua ròng lớn diễn ra vào ngày 6 và 9/9/2019 với tổng giá trị mua là gần 700 tỷ đồng.

Hoạt động giao dịch của các quỹ ETF cũng chứng kiến diễn biến tương tự. Cụ thể chỉ tính riêng tuần đầu tháng 10, quỹ ETF nội VFMVN30 ETF bị rút ròng 4,5 triệu chứng chỉ quỹ, tương ứng giá trị 69 tỷ đồng và cũng là tuần rút ròng thứ ba liên tiếp. VNM ETF cũng bị rút ròng khá mạnh với 200.000 chứng chỉ quỹ, tương ứng giá trị 3,27 triệu USD, tương đương 77 tỷ đồng. Một quỹ ETF khác là iShare MSCI Frontier 100 ETF cũng bị rút ròng 100.000 chứng chỉ quỹ, tương ứng giá trị 2,83 triệu USD (66,5 tỷ đồng) trong tuần qua.

Diễn biến bán ròng trên thị trường chứng khoán trong hơn hai tháng trở lại đây dường như khá ngược chiều với xu hướng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài chảy ròng vào Việt Nam kể từ đầu năm đến nay, đặc biệt là hàng loạt thương vụ MA gây chú ý. Nếu nhìn vào diễn biến trên thị trường ngoại hối, việc tiền đồng giữ được giá trị ổn định đáng kể so với USD và tăng giá so với các đồng tiền khác trong khu vực, thì động thái bán ròng của khối ngoại khá khó hiểu.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào các thị trường chứng khoán toàn cầu, xu thế dòng tiền đang bị rút ra khỏi các tài sản có tính rủi ro cao như chứng khoán phần nào giải thích được. Trong tuần qua, chứng khoán Mỹ cũng đã có những phiên lao dốc không phanh với chỉ số Dow Jones rớt gần 800 điểm chỉ trong hai phiên giao dịch mở màn cho tháng 10.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nói chung lẫn kinh tế Mỹ nói riêng đối mặt với nguy cơ suy thoái, các dấu hiệu khủng hoảng xuất hiện ngày càng nhiều hơn, có lý do để nhà đầu tư tạm thoát khỏi thị trường cổ phiếu để tìm đến những tài sản an toàn khác.

Tại Việt Nam, dù kết quả kinh doanh vĩ mô vẫn khá tích cực với GDP 9 tháng đạt mức cao nhất trong 9 năm qua, tuy nhiên đó dường như vẫn chưa đủ để làm yên lòng các nhà đầu tư. Các cuộc đàm phán thương mại sắp diễn ra vào ngày 10/10 tới dường như vẫn là nỗi ám ảnh treo lơ lửng, khi bất kỳ một diễn biến nào xấu cũng đủ sức cuốn phăng thị trường, do đó không ít nhà đầu tư lựa chọn tạm rút ra để chờ các thông tin chắc chắn hơn.

Trong một báo cáo mới đây của CTCK Rồng Việt, tổ chức này cũng nhận định rằng nhà đầu tư toàn cầu đang không ưa chuộng các tài sản rủi ro. Do đó VDSC cho rằng không có khả năng họ sẽ tăng tỷ trọng tại thị trường Đông Nam Á ngay thời điểm này. VDSC cũng trích dữ liệu của EPFR cho biết, trái phiếu toàn cầu đến thời điểm hiện tại trong năm 2019 đã thu hút gần 366 tỷ USD vào các quỹ mới, ngược lại dòng vốn bị rút khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu là 177 tỷ USD.

Một điểm tích cực là tuy số liệu ghi nhận trên toàn thị trường là bán ròng, nhưng riêng trên sàn UPCOM chứng kiến giá trị mua ròng khá mạnh của khối ngoại. Cụ thể tính trong cùng khoảng thời gian từ đầu tháng 8 đến phiên giao dịch ngày 4/10/2019 vừa qua, khối ngoại đã mua ròng gần 480 tỷ đồng trên sàn UPCOM, trong đó nếu tính từ giữa tháng 9 đến nay là hơn 200 tỷ đồng. Điều này cho thấy hàng trên UPCOM đang thu hút khối ngoại nhiều hơn, có thể do định giá hấp dẫn hơn cũng như khả năng một số doanh nghiệp có thể chuyển sàn sang HOSE trong năm sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khối ngoại liên tiếp bán ròng trên thị trường chứng khoán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO