Giải quyết triệt để từng vấn đề đặt ra

LINH CHI thực hiện| 11/10/2014 00:36

Hiện phương án sáp nhập của Southern Bank - Sacombank và MDB - Maritime Bank đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua về mặt chủ trương.

Giải quyết triệt để từng vấn đề đặt ra

Hiện phương án sáp nhập của Southern Bank - Sacombank và MDB - Maritime Bank đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua về mặt chủ trương.

Song song đó, NHNN cũng đang chỉ đạo triển khai một số trường hợp mua lại một số tổ chức tín dụng khác, tiêu biểu là thương vụ các ngân hàng (NH) mua lại công ty tài chính nhằm đẩy nhanh lộ trình tái cơ cấu.

Có thể thấy, trong lần 1, mục tiêu tái cơ cấu hệ thống NH vẫn chưa đạt được, giải quyết nợ xấu rơi vào bế tắc, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mua nợ mà không bán được nợ, sở hữu chéo vẫn tồn tại. Lần này, để tiếp tục tái cơ cấu, NHNN đẩy rất mạnh chủ trương sáp nhập.

Rõ ràng, những biện pháp liên tiếp được NHNN triển khai đều nhằm mục đích cuối cùng là khơi thông dòng chảy tín dụng. Tuy nhiên, TS. Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng, để khơi thông được dòng vốn không chỉ dựa vào những biện pháp kỹ thuật từ NHNN vì hiện lãi suất không còn là vấn đề lớn đối với doanh nghiệp (DN).

Cái khó chính là sức mua yếu, tồn kho chưa giảm nên nhu cầu vốn DN chưa tăng, đồng thời nợ xấu vẫn là gánh nặng cho cả NH và người vay. Vì thế, muốn khơi thông được dòng chảy tín dụng đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía.

* Tín dụng thời gian qua vẫn tăng trưởng ì ạch có đáng lo ngại và liệu có cải thiện được không, thưa ông?

- Tín dụng vẫn tăng trưởng ở mức thấp thời gian qua, trong khi NH thừa tiền song không thể cho vay. Nhưng điều đó phần nào cho thấy một mặt tích cực cho chính sách tiền tệ khi thanh khoản của các NH tốt hơn nên họ mua bớt mua trái phiếu chính phủ. Quá trình tái cấu trúc ngành NH bước đầu đã có kết quả.

Cho tới thời điểm hiện nay, hệ thống NH ổn định trở lại ở bước đầu, tránh đổ vỡ cả hệ thống, trừ một số ít NH nhỏ còn yếu kém. Thực tế, tín dụng tăng thấp là do nhu cầu vốn của DN không tăng trước tình hình sức mua yếu, tồn kho chưa cải thiện nhiều. Lãi suất không còn là áp lực quá lớn đối với DN.

Thêm vào đó, nợ xấu tăng cũng sẽ khiến NH thận trọng hơn với rủi ro, trong khi cái khó của các DN hiện nay chính là hàng tồn kho, hết tài sản đảm bảo để vay.

* Thực tế cho thấy vì các NH ngại rủi ro nên khá thận trọng đẩy mạnh vốn tín dụng?

- Các DN có nợ xấu rất khó để tiếp cận được vốn của NH. Trong khi đó, với quỹ bảo lãnh tín dụng còn hạn chế. Vì thế, theo tôi, phía các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng cần có sự thay đổi về cách nhìn đối với các DN nhỏ và nên nhìn nhận đây chính là phân khúc khách hàng tiềm năng để tăng trưởng tín dụng.

Tuy nhiên, hiện các NH vẫn khá thận trọng trong việc cung ứng vốn cho loại hình DN này, vì lo ngại rủi ro khi quản trị và năng lực của DN còn hạn chế. Trong khi đó, lại không có một trung tâm hỗ trợ thông tin về nhóm DN này.

Ở các nước trên thế giới, các NHTM thường có tổ chức xếp hạng tín nhiệm riêng đối với các DN nhỏ và vừa, tăng cung ứng vốn tín chấp ở mức độ tín nhiệm do NH đánh giá để đảm bảo rủi ro. Nhưng trước hết đòi hỏi DN phải nỗ lực để khắc phục yếu kém về quản trị, minh bạch thông tin.

* Nợ xấu vẫn cản dòng chảy vốn, trong khi việc xử lý nợ xấu của VAMC vẫn chưa có đầu ra. Tại sao đến thời điểm này chưa thể hình thành được thị trường mua - bán nợ, thưa ông?

- Để xử lý nợ xấu ngoài việc tăng cường trích dự phòng rủi ro, hiện các NH đẩy mạnh bán nợ xấu cho VAMC. Còn xử lý thu hồi tiền mặt và phát mãi tài sản không nhiều, do thủ tục phát mãi tài sản mất khá nhiều thời gian. Nhưng VAMC hiện còn nhiều hạn chế về quyền lực, vì chưa thể phát triển được thị trường mua bán nợ và định giá tài sản.

Trong khi, từ kinh nghiệm của các nước cho thấy, vai trò của nhà đầu tư nước ngoài trong mua nợ xấu rất quan trọng. Đối với Việt Nam, nguồn lực để xử lý nợ rất hạn chế nên thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua bán nợ nhằm tạo nguồn lực tốt hơn và giúp đẩy nhanh mua - bán nợ.

Nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua - bán nợ mang tính chuyên nghiệp cao cũng sẽ góp phần tạo dựng, phát triển thị trường mua- bán nợ và gắn với việc dự thảo Luật Đất đai đang xem xét đến yếu tố liệu có cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà, đất.

Nhưng để làm được điều này không dễ, gắn với điều kiện cần, đủ trước hết chính là Luật Đất đai có cho phép người nước ngoài sở hữu bất động sản hay không thì nợ xấu mới được bán cho nhà đầu tư.

* Xử lý nợ xấu chậm sẽ ảnh hưởng ra sao đến kết quả tái cấu trúc NH?

- Để đẩy mạnh xử lý nợ xấu và tái cấu trúc NH, VAMC cần có đủ năng lực, nguồn lực, quyền lực và pháp lực. Bởi nợ xấu quá lớn, trong khi đó tốc độ xử lý chậm tất yếu dẫn đến chi phí tái cấu trúc sẽ càng lớn.

Tính đến nay, tổng nợ xấu VAMC đã mua lại từ các NHTM không nhỏ, khoảng 56.000 tỷ đồng, nhưng chỉ mới bán được 1.400 tỷ đồng. Hoạt động của VAMC cho thấy tồn tại một số hạn chế cần khắc phục như cơ chế, nguồn lực để mua bán dứt điểm nợ, bán nợ xấu ra thị trường, cơ chế phát mãi tài sản và cần thị trường mua-bán nợ.

* Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giải quyết triệt để từng vấn đề đặt ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO