Dòng tiền đầu cơ thức giấc

SONG HÀ| 29/03/2011 05:21

Nhịp đập của thị trường trở nên sôi động khi dòng tiền tham gia mạnh hơn vào cổ phiếu mang tính đầu cơ. Có những tín hiệu về một sóng đầu cơ mới bắt đầu.

Dòng tiền đầu cơ thức giấc

Nhịp đập của thị trường trở nên sôi động khi dòng tiền tham gia mạnh hơn vào cổ phiếu mang tính đầu cơ. Có những tín hiệu về một sóng đầu cơ mới bắt đầu.

Có quan điểm cho rằng, dòng tiền đầu cơ đã “ngủ” khá lâu và bắt đầu thức giấc để tìm kiếm lợi nhuận cho dù thị trường chung còn chịu nhiều tác động không mấy thuận lợi.

Diễn biến dòng tiền có sự đồng thuận cao nhờ dòng tiền đầu cơ dẫn dắt. Đây là cơ hội cho nhà đầu tư mạo hiểm tham gia thị trường. Vấn đề là dòng tiền trên có được duy trì, lòng vòng trong thị trường hay sẽ rút nhanh?

Khối lượng giao dịch trong phiên cuối tuần trước (18/3) tăng vọt, thanh khoản được cải thiện với hơn 1.300 tỉ đồng, mở ra khả năng thị trường phục hồi ngắn hạn.

Nhận định về diễn biến trên thị trường, Công ty chứng khoán VNDirect có nhận định đáng chú ý. Theo đó, nhà đầu tư cần lưu ý rằng thị
trường chỉ thể hiện sự phục hồi ở một số cổ phiếu và thanh khoản thị trường tăng mạnh cũng chỉ tập trung vào các cổ phiếu này. Phần còn lại của thị trường vẫn chưa có chuyển biến đáng kể.

Do đó, VNDirect cho rằng nhịp nảy lại của thị trường chỉ mang tính ngắn hạn.

Trong nhịp nảy lên ngắn hạn ấy, vẫn có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận với các cổ phiếu có biến động giá mạnh và thanh khoản tốt. Thị trường vẫn tiềm ẩn những diễn biến khó lường do tín hiệu tốt chỉ xuất hiện ở một số cổ phiếu chứ chưa đồng đều trên cả hai sàn.

Việc tìm kiếm lợi nhuận tại thời điểm này chỉ mang tính ngắn hạn, nhà đầu tư nên sớm thực hóa lợi nhuận khi cổ phiếu về tài khoản.

Trong phiên giao dịch đầu tuần trước (21/3), các cổ phiếu như BVH, PVF, HAG và VCB đã giúp HoSE tăng khá. Chốt phiên, VN-Index tăng tiếp 7,17 điểm, lên mức 468,3 điểm.

Tuy nhiên khối lượng giao dịch giảm tới 30% so với phiên liền trước khi có hơn 41 triệu cổ phiếu trao tay. Trong khi đó, HNX giảm nhẹ do lực bán chốt lời.

Đang tồn tại một số vấn đề khiến giới đầu tư phải cân nhắc khi tham gia thị trường trong giai đoạn này. Trong lúc dòng tiền đầu cơ mới chỉ khởi động thì động thái của khối ngoại lại gây sự chú ý. Cũng trong phiên 18/3, khối ngoại bán ròng hơn 215 tỉ đồng tại HoSE, mức bán ròng lớn nhất kể từ tháng 9/2009.

Có đánh giá cho rằng, trong thời gian gần đây một số quỹ ETF chịu áp lực khi các khoản vốn góp mới không bù đắp được các khoản rút ra và có ý định rút ra. Từ giữa tháng 3/2011 khối ngoại bắt đầu bán mạnh hàng loạt cổ phiếu blue-chip trên sàn HoSE như VCB, VIC, PVD, PVF, HAG, BVH.

Nếu tâm lý giới đầu tư không quá bi quan với CPI thì thị trường sẽ bình ổn bởi các thông tin xấu đã phản ánh phần lớn vào diễn biến thị trường và dòng tiền đầu cơ sẽ có cơ hội tìm tới những cổ phiếu sụt giảm mạnh trong thời gian qua.

CPI của hai thành phố lớn đã được công bố, CPI Hà Nội tháng 3/2011 tăng 2,41%, TP. Hồ Chí Minh tăng 2,2%, theo công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ, CPI cả nước tháng 3 năm nay tăng 2,2% so với tháng trước, tương ứng lạm phát quý I/2011 lên tới 6,1%.

Diễn biến của CPI sẽ ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Chính phủ. CPI tăng cao sẽ tạo áp lực đối với thị trường chứng khoán cũng
như hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Những yếu tố vĩ mô hiện tại sẽ dần dần tác động vào doanh nghiệp trong thời gian tới.

Một phân tích cho rằng, tác động của những chính sách hiện nay có thể chia thành hai nhóm ảnh hưởng.

Ảnh hưởng trực tiếp là chính sách thắt chặt tín dụng, đặc biệt là giảm dư nợ đối với lĩnh vực phi sản xuất, trong đó có cho vay kinh doanh chứng khoán sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới dòng tiền khả dụng cho thị trường chứng khoán.

Thời điểm sáu tháng đầu năm sẽ đặc biệt khó khăn về dòng tiền do các biện pháp thắt chặt được triển khai mạnh.

Ảnh hưởng gián tiếp là những tác động tới hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt đối với các ngành cần nhiều vốn vay như bất động sản, xây dựng, sản xuất. Các công ty có thể phải điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh, tạm thời ngừng mở rộng trong năm 2011.

Với lãi suất vay lên đến 20%, doanh nghiệp đang đứng trước bài toán hóc búa, vay để tiếp tục sản xuất thì khó có lãi, thậm chí còn lỗ; không vay thì sản xuất bị đình trệ, người lao động thiếu việc làm.

Hiện tại, các ngân hàng thương mại vẫn đang phải đối mặt với tình trạng nguồn tiền gửi tiết kiệm của dân cư có xu hướng giảm. Thanh khoản VNĐ có dấu hiệu căng thẳng khi siết chặt tín dụng được Ngân hàng Nhà nước thực thi thông qua tăng các lãi suất chủ chốt như tái cấp vốn, tái chiết khấu lên 12%/năm.

Nguồn vốn khả dụng khó khăn hơn nên lãi suất cao đang thuộc về các kỳ hạn ngắn. Nhiều ngân hàng đã tăng mạnh lãi suất không kỳ hạn để giữ chân khách hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dòng tiền đầu cơ thức giấc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO