Để ngân hàng hoạt động an toàn hơn

Anh Khoa| 25/04/2019 04:56

Sau 5 năm kể từ ngày ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định tỷ lệ các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành dự thảo thông tư sửa đổi các quy định trên...

Để ngân hàng hoạt động an toàn hơn

Thắt chặt cho vay trung dài hạn

Thay đổi đáng chú ý nhất trong dự thảo thông tư mới là tiếp tục điều chỉnh lộ trình giảm dần tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung, dài hạn. Theo đó, NHNN đưa ra hai phương án với mục tiêu giảm về mức 30%, nhưng thời gian có sự khác biệt. 

Cụ thể, theo phương án 1 thì các ngân hàng sẽ giảm tỷ lệ này về 35% từ ngày 1/7/2020 và tiếp tục giảm về 30% từ ngày 1/7/2021. Phương án 2 có nới rộng thời gian hơn, khi cho phép giảm về 37% từ ngày 1/7/2020, về 34% từ ngày 1/7/2021 và về mốc 30% từ ngày 1/7/2022. Như vậy, tuy mục tiêu cuối cùng vẫn là 30% nhưng được kéo dài thêm một năm. Khả năng nếu được lựa chọn, hầu hết các ngân hàng sẽ chọn phương án 2.

Có thể thấy NHNN liên tiếp ngăn chặn nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung, dài hạn để quản lý việc huy động và sử dụng vốn của các ngân hàng. Trước đó các quy định cũng đã điều chỉnh giảm tỷ lệ này từ mức 60% về 50% từ đầu năm 2017, về tiếp 45% từ đầu năm 2018 và 40% từ đầu năm 2019.

Rõ ràng trong bối cảnh nguồn vốn của các ngân hàng vẫn phụ thuộc vào tiền gửi ngắn hạn, trong khi cho vay ra lại có kỳ hạn dài hơn dẫn đến chênh lệch kỳ hạn giữa nguồn vốn và sử dụng vốn khá lớn, tiềm ẩn rủi ro đáng kể, nên việc nhà điều hành liên tiếp thu hẹp tỷ lệ này được kỳ vọng sẽ giúp hoạt động của các ngân hàng an toàn hơn.

Một khi khó tiếp cận các khoản vay trung, dài hạn từ ngân hàng, các doanh nghiệp buộc phải tìm đến các kênh khác trên thị trường vốn, như thị trường trái phiếu, cổ phiếu. Đây cũng là định hướng điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ, với chủ trương phát triển mạnh thị trường chứng khoán nói chung và trái phiếu nói riêng đến năm 2025.

Cũng theo NHNN thì việc giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn hằng năm 5% không tác động lớn đến hoạt động của ngân hàng, cũng như nhu cầu vốn trung, dài hạn của nền kinh tế, đồng thời giúp thúc đẩy doanh nghiệp không phụ thuộc vào vốn ngân hàng, chủ động tiếp cận các nguồn vốn khác.

Kiểm soát hoạt động tín dụng

Trong bối cảnh nguồn vốn của các ngân hàng hiện vẫn phụ thuộc lớn vào tiền gửi ngắn hạn, trong khi việc cho vay ra lại có kỳ hạn dài hơn, dẫn đến chênh lệch kỳ hạn giữa nguồn vốn và sử dụng vốn là khá lớn, tiềm ẩn rủi ro, nên việc nhà điều hành liên tiếp thu hẹp tỷ lệ này được kỳ vọng sẽ giúp hoạt động của các ngân hàng an toàn hơn, khi buộc phải hạn chế cho vay trung, dài hạn.

NHNN cũng tiếp tục có những quy định bổ sung đối với việc cấp tín dụng của các ngân hàng, đặc biệt là nghiệp vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp. 

Đầu tiên, khái niệm khoản phải đòi ngoài các khoản tiền gửi, đầu tư, cho vay, chiết khấu, bao thanh toán,... thì bổ sung thêm khoản ủy thác cho vay và ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp. Quy định mới này nhằm đảm bảo xác định hệ số rủi ro chính xác đối với các khoản mà ngân hàng ủy thác cho đơn vị khác cho vay, mua trái phiếu doanh nghiệp. 

Thứ hai là nghiệp vụ cam kết phát hành dưới hình thức thư tín dụng (L/C) cũng sẽ được bổ sung vào hình thức cấp tín dụng và dư nợ cấp tín dụng sau khi trừ số tiền ký quỹ. Thực tế cho thấy không hiếm trường hợp các ngân hàng cấp L/C cho khách hàng nhưng sau đó buộc phải chuyển sang cho vay bắt buộc khi khách hàng gặp rủi ro. Vì vậy, việc bổ sung này là cần thiết để phản ánh thực chất việc cấp tín dụng của các ngân hàng, nhất là khi khoản mục này chiếm giá trị khá lớn từ vài nghìn lên đến vài chục nghìn tỷ đồng tại các ngân hàng có thế mạnh về xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ khiến việc tuân thủ quy định về giới hạn cấp tín dụng của các ngân hàng gặp nhiều thách thức hơn.

Thứ ba là các điều kiện giới hạn cấp tín dụng để đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cũng được điều chỉnh theo hướng chặt chẽ hơn. Cụ thể, các ngân hàng không được cấp tín dụng cho khách hàng đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp, mà khách hàng thuộc nhóm đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng theo Luật Các tổ chức tín dụng. Ngân hàng cũng không được phép cấp tín dụng để đầu tư vào trái phiếu chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên thị trường giao dịch của công ty đại chúng chưa niêm yết (Upcom).

Nhằm hạn chế việc các ngân hàng lách quy định về cấp vốn cho công ty con bằng cách cho khách hàng sử dụng dòng tiền vay của ngân hàng lòng vòng để mua trái phiếu doanh nghiệp do công ty con của ngân hàng đó phát hành, NHNN bổ sung quy định các ngân hàng không được cấp tín dụng cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu của doanh nghiệp là công ty con của chính ngân hàng đó. 

Một quy định mới cũng đáng chú ý là khoản phải đòi đối với cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống mà dư nợ gốc của một khách hàng từ 3 tỷ đồng trở lên sẽ có hệ số rủi ro tăng mạnh từ 50% lên 150%. Điều này nhằm hạn chế việc các ngân hàng cho khách hàng vay xây dựng, kinh doanh bất động sản nhưng lại đưa vào mục tiêu vay tiêu dùng nhằm lách các quy định về dư nợ cho vay bất động sản, cũng như để tránh hệ số rủi ro cao đối với dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản  

Trong bối cảnh nguồn vốn của các ngân hàng hiện vẫn phụ thuộc lớn vào tiền gửi ngắn hạn, trong khi việc cho vay ra lại có kỳ hạn dài hơn, dẫn đến chênh lệch kỳ hạn giữa nguồn vốn và sử dụng vốn là khá lớn, tiềm ẩn rủi ro, nên việc nhà điều hành liên tiếp thu hẹp tỷ lệ này được kỳ vọng sẽ giúp hoạt động của các ngân hàng an toàn hơn, khi buộc phải hạn chế cho vay trung, dài hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Để ngân hàng hoạt động an toàn hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO