Đầu tư chứng khoán: Bám sát yếu tố nội tại của DN

LAM ANH| 23/08/2015 02:26

Khi hiệp định TPP chưa đi đến hồi kết, nhà đầu tư nên bám sát vào yếu tố nội tại của doanh nghiệp và không nên bị tác động bởi sự trồi sụt của thị trường.

Đầu tư chứng khoán: Bám sát yếu tố nội tại của DN

Sự giảm sút thanh khoản gần đây phát đi tín hiệu dòng tiền đang chủ động rút lui, có thể do một số thành viên có giá trị giao dịch lớn đang kiểm tra cung cầu thực của thị trường. Do đó, sự sụt giảm thanh khoản này có thể sẽ giúp thị trường thiết lập mặt bằng giá hợp lý hơn.

Đọc E-paper

Với sự khuếch đại kỳ vọng về TPP và nới room, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đầu ngành đã tăng giá mạnh từ tháng 7 đến nay. Đồng thời, kịch bản thị trường lệ thuộc vào một vài nhóm ngành dẫn dắt trong các tháng trước đã được thay thế bằng sự luân chuyển giữa nhiều nhóm ngành.

Tuy nhiên, ngoài một số nhóm cổ phiếu duy trì đà tăng điểm tốt như dệt may (TCM, TNG), thực phẩm (VNM, MSN)..., thị trường vẫn tồn tại một số "bẫy tăng giá”, tức các cổ phiếu tăng mạnh nhưng không duy trì được xu hướng tăng trong nhiều phiên, tại nhóm cổ phiếu thủy sản (HVG, FMC) và dược phẩm (DHG, DMC).

Theo chuyên viên phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, kết quả kinh doanh (KQKD) của các doanh nghiệp (DN) thủy sản trong 6 tháng đầu năm mới chỉ hoàn thành từ 20-40% kế hoạch đề ra. Kết quả này khá tương đồng với tình hình xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm khi cả giá bán và sản lượng đầu ra đều sụt giảm.

Tuy nhiên, theo yếu tố mùa vụ cũng như phân tích diễn biến thị trường, 6 tháng cuối năm mới là thời điểm ghi nhận phần lớn lợi nhuận. Như vậy, những tín hiệu khởi sắc trong nhu cầu đối với mặt hàng thủy sản tại các thị trường xuất khẩu phải từ quý III.

>>Siết trọng tải, doanh nghiệp thủy sản gặp khó

Tương tự, theo yếu tố mùa vụ, DN ngành dược trong nửa cuối năm được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh doanh thu và lợi nhuận. Tính đến tháng 6, các DN này đều hoàn thành từ 45-50% kế hoạch đề ra.

Sự cạnh tranh gay gắt trong ngành sẽ khiến chỉ tiêu doanh thu trở thành một thử thách lớn. Thế nhưng, hầu hết các công ty đều có khuynh hướng tái cơ cấu ngành hàng, giảm thiểu chi phí; nhờ vậy, lợi nhuận kỳ vọng tăng trưởng đáng kể và có nhiều khả năng vượt kế hoạch đề ra trong hai quý tiếp theo.

Ở thời điểm này, bên cạnh thông tin về TPP và chính sách nới room, thị trường chứng khoán còn nhận được sự hỗ trợ bởi KQKD quý II tích cực của các DN niêm yết.

Theo thống kê, KQKD của 103/306 mã niêm yết trên sàn HSX và 5/30 mã trong nhóm VN30 (tính đến cuối tháng 7), các DN trên sàn HSX đã ghi nhận tổng lợi nhuận sau thuế (LNST) tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ 2014.

Bốn ngành ghi nhận mức tăng trưởng LNST lớn nhất lần lượt là phân phối (447%), thực phẩm, đồ uống (303%), tiện ích công cộng (232%) và bất động sản (99%).

>>Nới room cho khối ngoại: Kỳ vọng vào nguồn vốn mới

Riêng ngành thực phẩm, đồ uống, nếu loại trừ tác động lợi nhuận đột biến của KDC, thì ngành này tăng trưởng khoảng 35% so với cùng kỳ. Trong khi đó, trên sàn HNX, tổng số DN lãi tuy có giảm nhẹ nhưng tổng LNST (179/367 DN có trong mẫu thống kê) tăng hơn 24% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, mặc dù tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đã được điều chỉnh tăng từ 49% lên mức tối đa 100% (theo Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định số 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán), nhưng không mở rộng cho tất cả các ngành nghề và chưa có thông tư hướng dẫn.

Các thông tin kém lạc quan này đã ít nhiều tác động đến giao dịch của NĐT nước ngoài trên sàn chứng khoán Việt Nam trong tháng 7.

Theo đó, mặc dù duy trì trạng thái mua ròng tháng thứ tư liên tiếp nhưng giá trị giao dịch ròng đã sụt giảm đáng kể, chỉ đạt 792 tỷ đồng, giảm 48,3% so với tháng trước.

>>Chính phủ đồng ý nới "room" chứng khoán cho NĐT ngoại

Chỉ có một số cổ phiếu nổi bật vẫn được khối ngoại mua ròng trong tháng qua là SSI (+504,4 tỷ đồng), MSN (+352,9 tỷ đồng), DPM (+137,4 tỷ đồng) và PVS (+123,6 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, HAG, KDC và VIC tiếp tục bị bán ròng lần lượt là 473,5 tỷ đồng, 239,2 tỷ đồng và 215,1 tỷ đồng.

Với xu hướng này, giới phân tích cho rằng, sẽ khó có thêm tiền từ hai quỹ ETF này đổ vào thị trường trong tháng 8, đặc biệt trong bối cảnh mối quan ngại về việc FED sẽ nâng lãi suất trong tháng 9 vẫn còn lớn. Do đó, thời điểm này có thể sẽ tiếp tục là tháng mà giao dịch khối ngoại suy giảm nhưng vẫn giữ ở trạng thái mua ròng nhẹ.

Trong đó, các cổ phiếu lớn có khả năng sẽ chững lại cho tới cuối tháng bởi sự vận động của nhóm cổ phiếu này thường bị tác động nhiều bởi giao dịch của NĐT nước ngoài và dựa trên những tín hiệu nền kinh tế không có nhiều điểm sáng.

Khi xét về yếu tố ngành, Thông tư 07/TT-NHNN Quy định về bảo lãnh ngân hàng có hiệu lực thi hành từ ngày 9/8/2015 được kỳ vọng sẽ giúp tạo niềm tin cho người mua nhà, qua đó gia tăng thanh khoản trên thị trường bất động sản.

Với những khung pháp lý mới như Thông tư 07, ngành BĐS vẫn tiếp tục được kỳ vọng sẽ có những chuyển biến tích cực trong thời gian còn lại của năm 2015.

Đồng thời, các diễn biến sắp tới của tỷ giá có thể tạo thêm thuận lợi cho một số DN nhập khẩu ô tô và linh kiện trong nước. Với thông kê tiêu thụ 6 tháng đầu năm tích cực, NĐT có thể lạc quan về KQKD của các DN kinh doanh ô tô trong hai quý cuối năm.

Chưa kể, cuối tháng 8, bộ trưởng các nước TPP dự kiến sẽ ngồi lại lần nữa để giải quyết các tranh chấp còn tồn đọng trong kỳ họp trước. Việc đàm phán một hiệp định thương mại chiếm đến 40% GDP và 1/3 giá trị thương mại toàn cầu mặc định là vấn đề khó khăn.

Khi mà TPP chưa đi đến hồi kết, NĐT bám sát vào yếu tố nội tại của DN và không nên bị tác động bởi sự trồi sụt của thị trường.

Rõ ràng, đối với NĐT dài hạn, cơ hội tích lũy thêm cổ phiếu có thể dễ thấy hơn vào cuối tháng. Và với đa số các phiên giao dịch ở trạng thái giằng co, thị trường sẽ tạo mặt bằng tích lũy tốt cho những cổ phiếu vẫn đang có định giá hấp dẫn.

>>Tích lũy cổ phiếu ở các phiên điều chỉnh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu tư chứng khoán: Bám sát yếu tố nội tại của DN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO