Chứng khoán và tháng ngâu

THÀNH LONG| 11/08/2016 01:31

Hằng năm, cứ vào tháng 7 âm lịch, còn được gọi là tháng cô hồn hay tháng ngâu, dân chứng khoán lại hỏi nhau có nên nghỉ chơi, đợi qua "tháng hạn".

Chứng khoán và tháng ngâu

Hằng năm, cứ vào tháng 7 âm lịch, còn được gọi là tháng cô hồn hay tháng ngâu, dân chứng khoán lại hỏi nhau có nên nghỉ chơi, đợi qua "tháng hạn". Cho dù không mê tín, nhưng trên thị trường chứng khoán, người chơi luôn phải hiểu tâm lý đám đông để có thể chủ động ra quyết định đầu tư. 

Đọc E-paper

Khảo sát nhanh 10 nhà đầu tư cá nhân và các môi giới của công ty chứng khoán, hầu như câu trả lời nhận được có cùng đáp án, đó là "tránh tháng ngâu, hạn chế mua bán, giao dịch". Câu hỏi đặt ra là, thực tế, tâm lý chung của thị trường đang bị chi phối bởi điều kiêng kỵ này, hay còn những nguyên nhân nào khác?

Đồ thị VN-Index qua các năm (2010- 2016) đều cho thấy vào thời điểm tháng 8 dương trùng với tháng 7 âm lịch, thị trường gần như nằm trong xu hướng giảm với thanh khoản èo uột. Điều này là do dòng tiền phần lớn bị rút ra khỏi thị trường.

Có lẽ tháng 8 năm nay cũng không ngoại lệ, khi tâm lý chung trở nên bi quan, dòng tiền lớn vẫn đứng ngoài thị trường, doanh nghiệp thiếu thông tin hỗ trợ để cổ phiếu quay đầu tăng giá trở lại.

Bức tranh toàn cảnh

VN-Index tăng một đoạn dài từ đầu năm ở mốc đáy 513,82 điểm lên tới đỉnh ngắn hạn 681,75 điểm (tăng hơn 167 điểm) đã phản ánh gần như toàn bộ kỳ vọng của nhà đầu tư lên thị trường. Sự ảnh hưởng của các cổ phiếu trụ như VNM, FPT, GAS, BVH,MSN, VIC, HCM, VCB... đã dẫn dắt thị trường tạo nên sự tăng điểm ấn tượng.

Nay thị trường chung đã tạo đỉnh ngắn hạn và nhóm cổ phiếu trụ không còn đóng vai trò dẫn dắt. Hiện tại, VN-Index đã hình thành một xu hướng giảm khi liên tục hình thành các đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước và đáy sau thấp hơn đáy trước. Và xu hướng này vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Phe bán vẫn nắm thế chủ đạo khi các cổ phiếu này liên tục chìm trong sắc đỏ với thanh khoản giảm dần. Mỗi khi giá nhích lên là cổ phiếu lại bị đổ ra bán.

Vùng hỗ trợ kỹ thuật cho VN-Index trong đà giảm quanh mức 590 - 610 điểm với các đường trung bình động trung hạn và dài hạn SMA (120) và SMA (200) ngày.

Đồ thị VN-Index và tháng ngâu từ năm 2010 - 2016

Khi VN-Index vượt qua vùng kháng cự 642- 645 ở các đỉnh quá khứ trước đây, thanh khoản chung toàn thị trường tăng vọt, trung bình mỗi phiên giao dịch đạt 2.500- 3.000 tỷ đồng, và dòng tiền margin (vay ký quỹ) đã được kích hoạt mạnh nhất ở vùng này. Tâm lý hưng phấn thể hiện rõ ở tất cả các nhóm cổ phiếu Large Cap, Mid Cap và Penny khi chúng đồng loạt tăng điểm.

Không có thống kê cụ thể về lượng margin là bao nhiêu, nhưng thời điểm VN-Index đạt đỉnh ngắn hạn gần đây, đồng loạt nhiều công ty chứng khoán đã khuyến cáo về tình trạng margin cao và bán giải chấp margin.

Một khi tình trạng margin trở nên quá căng, các cổ phiếu đến ngưỡng rủi ro và xuất hiện áp lực bán, sẽ xảy ra hiện tượng bán đồng loạt, điều này sẽ trở thành hiệu ứng lan tỏa ra toàn thị trường, đặc biệt là ở nhóm cổ phiếu Large cap. Vậy nên thị trường tất yếu có điều chỉnh tìm điểm cân bằng mới.

Và những "chuyện lớn" trong tháng ngâu 

Thật không ngay, thị trường chứng khoán bước vào tháng ngâu với hàng loạt tin tức scandal xoay quanh hiện tượng doanh nghiệp khẳng định có lãi, nhưng đến khi công bố báo cáo tài chính trở thành lỗ, như của QBS, giáng những đòn choáng váng đầy bất ngờ vào niềm tin của nhà đầu tư.

Ở trường hợp của QBS (Công ty CP Xuất nhập khẩu Quảng Bình), ngày 29/7 doanh nghiệp này khẳng định ước tính doanh thu quý II đạt trên 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 28 tỷ đồng, nhưng ngày 30/7, QBS chính thức công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2016 với mức lỗ hơn 22 tỷ đồng. Nguyên nhân được lý giải là do ước tính về doanh thu và lợi nhuận là con số trước khi trích lập dự phòng, và điều này khiến giá cổ phiếu QBS liên tục giảm sàn.

Scandal mang tên TTF (Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành) là đáng chú ý nhất thời điểm này khi doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý II/2016 với khoản lỗ 1.123 tỷ đồng dẫn đến lũy kế lỗ 1.082 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính là do việc kiểm kê phát hiện thiếu tới gần 980 tỷ đồng hàng tồn kho và trích lập dự phòng đối với khoản phải thu khó đòi. Cú sốc này đã khiến cổ đông của TTF liên tục nhìn cổ phiếu của mình giảm sàn, giá trị cổ phiếu bốc hơi gần phân nửa và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Niềm tin của nhà đầu tư gần như bốc hơi theo giá cổ phiếu sau những sự việc trên, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý chung toàn thị trường. Với hàng triệu cổ phiếu bán giá sàn mà không khớp, thiệt hại của nhà đầu tư không đếm xuể, thì lực tăng cho QBS và TTF nói riêng và toàn thị trường nói chung trong thời gian tới sẽ rất yếu.

Tháng ngâu cũng sẽ tiềm ẩn những cơ hội mới khi các cổ phiếu được thị trường đánh giá lại, phản ánh hết các thông tin xấu. Và quan trọng là nhà đầu tư có thể nhẩn nha chờ đợi để mua rẻ được những cổ phiếu cơ bản tốt nhưng giá giảm.

>Cơ hội đầu tư cổ phiếu bất động sản?

>Báo cáo tài chính quý II/2016: Về đích sớm chưa hẳn hấp dẫn

>Chứng khoán trong vùng thông tin nhạy cảm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chứng khoán và tháng ngâu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO