2016 - năm bội thu của nhiều ngân hàng

LÊ PHAN| 22/02/2017 08:34

Năm 2016 đa số các ngân hàng tăng trưởng kinh doanh, cả huy động vốn và dư nợ, lợi nhuận có cải thiện.

2016 - năm bội thu của nhiều ngân hàng

Năm 2016 đa số các ngân hàng tăng trưởng kinh doanh, cả huy động vốn và dư nợ, lợi nhuận có cải thiện, dù trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tiếp tục ở mức cao, trong đó phần trích lập trái phiếu đặc biệt VAMC chiếm tỷ trọng khá lớn. 

Đọc E-paper

Đẩy mạnh bán lẻ

Năm qua, trong bối cảnh cho vay các dự án cơ sở hạ tầng và bất động sản bị hạn chế, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) chưa hết trì trệ, thì các ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân. Với thu nhập và nhu cầu chi tiêu của người dân ngày càng tăng, tiềm năng phát triển mảng bán lẻ hiện tại là khá lớn.

Ngay cả những ngân hàng có thế mạnh và truyền thống bán buôn, thì năm 2016 cho vay khách hàng cá nhân cũng tăng trưởng khá. Cụ thể như tại Vietcombank, cho vay cá nhân và hộ kinh doanh tăng 48,8%, trong khi cho vay các tổ chức kinh tế chỉ tăng 9,7%. Hay như Ngân hàng Quân đội, dư nợ cho vay cá nhân cũng tăng 44%, cao hơn rất nhiều so với mức tăng 17,1% cho vay các tổ chức kinh tế.

Việc đẩy mạnh mảng bán lẻ giúp các ngân hàng mở rộng biên độ lãi suất cho vay so với đầu vào, từ đó nâng cao lợi nhuận. Tuy nhiên, tại một số ngân hàng, hệ số NIM (thu nhập lãi thuần/tổng tài sản có sinh lời) vẫn chưa được cải thiện, hoặc thậm chí còn giảm sút, do lượng trái phiếu chính phủ với lãi suất cao đầu tư trong giai đoạn 2011 - 2012 nay đã bắt đầu đáo hạn, trong khi mặt bằng lãi suất trên tiền gửi thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức thấp suốt một thời gian dài.

Nguồn thu nhập phi lãi tăng cao

Với việc cho vay ngày càng khó khăn do chính sách kiểm soát tín dụng của Ngân hàng Nhà nước cũng như yêu cầu quản trị rủi ro tăng cao, thì các ngân hàng đang tiếp tục đẩy mạnh nguồn thu nhập phi lãi.

Mười ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính, cho thấy nguồn thu nhập ngoài lãi đều tăng so với năm 2015. Thứ nhất là do các ngân hàng tăng cường bán chéo sản phẩm, tăng thu phí nên nguồn thu nhập từ dịch vụ tiếp tục tăng. Thứ hai là do lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối đạt kết quả tích cực nhờ tỷ giá USD/VND được kiểm soát ổn định, trong đó có ngân hàng đã chuyển từ lỗ sang lãi, như VIB.

Nguồn thu nhập khác cũng tăng mạnh chủ yếu nhờ thu hồi, xử lý nợ, như Ngân hàng Quân đội đạt 883 tỷ đồng, tăng 84%, SHB đạt 412 tỷ đồng, tăng 152%.

Trong khi đó, nguồn thu từ góp vốn mua cổ phần tăng mạnh tại các ngân hàng có thoái vốn, như BIDV.

Ngược lại, lãi thuần từ đầu tư chứng khoán chứng kiến sự phân hóa khá lớn, khi có ngân hàng lãi lớn nhưng cũng có những ngân hàng lỗ thuần khá cao, như ACB.

Lợi nhuận có cải thiện

Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2016, chi phí trích lập dự phòng vẫn là yếu tố làm hạn chế mức tăng lợi nhuận của các ngân hàng. Trong đó, chi phí trích lập dự phòng cho trái phiếu đặc biệt VAMC chiếm tỷ trọng khá lớn, tuy nhiên vẫn còn ngân hàng trích chưa đủ theo quy định và khả năng đã xin giãn 10 năm theo Thông tư 08/2016/TT-NHNN của Ngân hang Nhà nước ban hành tháng 6/2016.

10 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính, cho thấy nguồn thu nhập ngoài lãi đều tăng so với năm 2015, do tăng cường bán chéo sản phẩm, tăng thu phí, do lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối đạt kết quả tích cực nhờ tỷ giá USD/VND được kiểm soát ổn định.

Dù vậy, lợi nhuận các ngân hàng vẫn được cải thiện so với giai đoạn 2014 - 2015, thậm chí nhiều ngân hàng tăng trưởng mạnh sau tái cơ cấu và làm sạch bảng cân đối, nâng cao chất lượng tài sản. Trong nhóm ngân hàng cổ phần nhà nước, Vietinbank đã vượt qua BIDV và vươn lên dẫn đầu về lợi nhuận trước thuế 8.272 tỷ đồng, tăng 14% so với 2015. Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, VPBank vươn lên dẫn đầu khi cán mốc 4.900 tỷ đồng, tăng rất mạnh so với mức năm 2015.

Ở các ngân hàng như Techcombank, ACB hay VIB, sau tái cấu trúc thì lợi nhuận đã phục hồi đáng kể so với giai đoạn trước đây, cụ thể Techombank đạt lợi nhuận trước thuế 4.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2015, ACB đạt 1.600 tỷ đồng và VIB tiếp tục duy trì mức lãi 700 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, vẫn có những ngân hàng tiếp tục gặp khó khăn trong hoạt động, như Sacombank lợi nhuận trước thuế giảm mạnh, từ 1.289 tỷ năm 2015 xuống còn 297 tỷ đồng trong năm 2016, mặc dù chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong năm qua chỉ có 669 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức trích lập 2.114 tỷ đồng trong năm 2015.

Trong khi đó, lợi nhuận của BIDV giảm là do chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh từ 5.522 tỷ lên 9.009 tỷ đồng trong năm 2016. Theo báo cáo năm 2015 thì BIDV là ngân hàng có số dư bán nợ cho VAMC lớn nhất, và ngân hàng trong năm 2015 cũng đã trích lập trái phiếu đặc biệt gần 2.000 tỷ đồng trên tổng số trái phiếu đặc biệt thời điểm đó là 20,8 nghìn tỷ đồng.

>Ngành ngân hàng: Lên sàn có dễ tăng vốn?

>Cuối năm - "mùa kiếm tiền" của ngân hàng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
2016 - năm bội thu của nhiều ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO