Chứng khoán: Dòng nào sẽ dẫn dắt thị trường phục hồi?

Khánh Phương| 27/01/2022 01:00

Nếu như trước đây cổ phiếu bất động sản (BĐS) là đầu tàu dẫn dắt thị trường đi lên, thì thời gian qua nhóm này không chỉ kéo thị trường đi xuống mà còn lan tỏa tiêu cực lên các nhóm ngành khác. Câu hỏi đặt ra là liệu cổ phiếu nhóm ngành nào có thể thay thế nhóm BĐS dẫn dắt thị trường lấy lại đà tăng trưởng?

Chứng khoán: Dòng nào sẽ dẫn dắt thị trường phục hồi?

Giá cổ phiếu BĐS liên tiếp giảm

Tính từ ngày 7-18/1/2022, chỉ số nhóm cổ phiếu BĐS đã có 8 phiên giảm liên tiếp, với tổng mức giảm hơn 10%, trở thành nhóm ngành giảm mạnh nhất trong hai tuần qua. Hàng loạt cổ phiếu BĐS có tính đầu cơ đã giảm sàn liên tiếp trước áp lực bán tháo của nhà đầu tư, như DIG, CEO, CII, CKG, LDG, FLC...

Nếu như trước đây cổ phiếu BĐS là đầu tàu dẫn dắt thị trường đi lên, thì thời gian qua nhóm này không chỉ kéo thị trường đi xuống mà còn lan tỏa tiêu cực lên các nhóm ngành khác, khi các nhà đầu tư không thể thoát hàng ở cổ phiếu BĐS đành phải bán cổ phiếu ở các nhóm ngành khác để tránh bị call margin (vay ký quỹ chứng khoán).

Cũng cần nói thêm rằng, sự điều chỉnh của nhóm cổ phiếu BĐS dường như là tất yếu và đã được dự báo trước, khi mà giá nhiều cổ phiếu trong nhóm này đã tăng quá nhanh trong khi kết quả kinh doanh chưa có gì nổi bật. Không ít doanh nghiệp trong số này vẫn đang lỗ, các dự án chậm triển khai, dòng tiền kinh doanh yếu kém và bị âm liên tiếp trong nhiều năm gần đây.

Câu hỏi đặt ra là liệu cổ phiếu nhóm ngành nào có thể thay thế nhóm BĐS dẫn dắt thị trường chung lấy lại đà tăng trong giai đoạn tới? Hay nhóm cổ phiếu BĐS sẽ tiếp tục lấy lại vị thế đầu tàu kéo thị trường đi lên trở lại? Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, có lẽ không ít nhà đầu tư vẫn chưa dứt ra nỗi lo trước sự lao dốc quá mạnh của dòng cổ phiếu BĐS. Một lượng hàng lớn bị kẹp ở đỉnh cao tại nhiều mã cổ phiếu BĐS sẽ khiến nhóm này cần phải mất một thời gian dài củng cố trở lại.

Chỉ số cổ phiếu BĐS lao dốc mạnh trong hai tuần qua

Chỉ số cổ phiếu BĐS lao dốc mạnh trong hai tuần qua

Kỳ vọng nhóm ngành nào?

Trong những ngày thị trường chung lao dốc và hầu hết nhóm ngành khác đều chìm trong sắc đỏ, nhóm cổ phiếu ngân hàng nổi lên như là bệ đỡ chính cho thị trường, giúp chỉ số chung hạn chế số điểm mất đi. Dòng tiền cũng có xu hướng luân chuyển trở lại nhóm cổ phiếu "vua" này, đặc biệt là các mã VCB, BID, STB, EIB, CTG, MBB, SSB. Diễn biến này dường như đang xác nhận dự báo của các công ty chứng khoán cách đây vài tháng là tích lũy dần cổ phiếu ngân hàng.

Bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và nguy cơ nợ xấu gia tăng, dự báo xu hướng tăng trưởng của ngành ngân hàng tiếp tục được duy trì trong năm 2022. Với chính sách tiền tệ dự báo vẫn được nới lỏng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay có thể rộng mở hơn, lãi suất ổn định ở mức thấp, hoạt động của các ngân hàng sẽ tiếp tục khởi sắc.

Trong những ngày thị trường chung lao dốc và hầu hết nhóm ngành khác đều chìm trong sắc đỏ, nhóm cổ phiếu ngân hàng nổi lên như là bệ đỡ chính cho thị trường.

Ở một số ngân hàng còn là kế hoạch tăng vốn mạnh mẽ, đặc biệt là nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối như VCB, BID hay CTG, cũng như việc bán vốn cho doanh nghiệp nước ngoài, thoái vốn công ty con hay ký kết hợp đồng bancassurance, đều có thể giúp các nhà băng này có lợi nhuận cao trong năm nay. Dựa trên những yếu tố cơ bản như thế, dòng cổ phiếu ngân hàng được kỳ vọng sẽ dẫn dắt thị trường trong thời gian tới cũng là điều dễ hiểu.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng thể hiện xu hướng tích cực trong những phiên gần đây trong bối cảnh giá dầu WTI đã tăng gần 30%, cao nhất trong 7 năm qua. Giới phân tích dự báo giá dầu có thể bị kéo lên mức 100 USD/thùng nếu căng thẳng địa - chính trị tiếp diễn và các nước OPEC+ không thể tăng sản xuất thêm 400.000 thùng mỗi ngày. 

Cuối cùng, nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ, xuất nhập khẩu cũng được đánh giá tích cực khi nền kinh tế được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh hơn khi độ phủ vaccine đã khá rộng, từ đó cầu tiêu dùng tăng trưởng mạnh trở lại. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thuộc nhóm hàng là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như thủy sản, dệt may, gỗ cũng được dự báo tăng trưởng tích cực khi các dòng thuế quan dần được gỡ bỏ theo các FTA mà Việt Nam đã ký kết có hiệu lực, nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã có hiệu lực từ đầu năm 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chứng khoán: Dòng nào sẽ dẫn dắt thị trường phục hồi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO