Chọn lựa thông minh: Ngồi gần cửa thoát hiểm

DŨNG NGUYỄN| 29/09/2008 05:20

Thông thường khi làm thủ tục lấy thẻ lên tàu, nhân viên quầy check-in sẽ hỏi hành khách muốn ngồi ghế bên cửa sổ (window-seat) hay bên hành lang (aisle-seat). Là người cao, to và đã có nhiều kinh nghiệm đi máy bay, chắc chắn bạn yêu cầu được ngồi ở hàng ghế gần cửa chính hoặc cửa thoát hiểm (emergency exit-row seat).

Chọn lựa thông minh: Ngồi gần cửa thoát hiểm

Thông thường khi làm thủ tục lấy thẻ lên tàu, nhân viên quầy check-in sẽ hỏi hành khách muốn ngồi ghế bên cửa sổ (window-seat) hay bên hành lang (aisle-seat). Là người cao, to và đã có nhiều kinh nghiệm đi máy bay, chắc chắn bạn yêu cầu được ngồi ở hàng ghế gần cửa chính hoặc cửa thoát hiểm (emergency exit-row seat).

Ngồi những ghế ở hai nơi này bao giờ cũng cảm thấy thoải mái hơn vì có không gian duỗi chân dài và rộng hơn, số ghế cũng ít hơn so với các hàng ghế khác. Nhưng chúng không dành cho trẻ dưới 15 tuổi và cũng chẳng thể dành cho người yếu đuối, người già và người tật nguyền. Và dĩ nhiên hành khách quá khổ, béo phì cũng không được yên vị ở hàng ghế này vì khi chẳng may xảy ra sự cố, máy bay phải hạ cánh khẩn cấp, họ sẽ vô tình trở thành chướng ngại vật cản trở những hành khách khác thoát hiểm nhanh.

Thời giá nhiên liệu tăng cao, một số hãng truyền thống (có đủ sản phẩm và dịch vụ) và nhiều hãng cước phí rẻ tìm mọi hình thức để tính thêm phí cho hành khách hòng có thêm nguồn thu bù vào chi phí nhiên liệu nên các ghế kể trên trở thành “sản phẩm” kinh doanh. Chẳng hạn như từ tháng 4/2008, hãng giá rẻ JetBlue ở Mỹ đã tính thêm 20 USD/chặng bay tầm trung cho mỗi ghế ở gần cửa chính và cửa thoát hiểm.

Có không ít hãng quốc tế vẫn còn ưu tiên miễn phí các hàng ghế gần cửa thoát hiểm cho hành khách có thẻ hành khách bay thường xuyên với quy luật bất thành văn: ưu tiên cho những ai đến trước.

Ở VN, từ ngày 15/9, hãng cước phí rẻ Jetstar Pacific cộng thêm 80.000 đồng/chặng ở các đường bay nội địa và 320.000 đồng/chặng ở các đường bay quốc tế (bắt đầu bay đến Bangkok, Siem Reap và Singapore trong tháng 10 và tháng 11 tới đây) cho mỗi ghế ở các hàng này.

Jetstar Pacific gọi chúng là “Premium seat” (ghế đặc biệt) nhưng đừng vội lầm đó là những ghế êm ái, rộng rãi như ghế ở khoang thương gia trên các máy bay của những hãng truyền thống. Khoảng rộng chỗ để chân nơi ghế đặc biệt trên máy bay Boeing 747-400 của Jetstar Pacific là 76,2cm và trên Airbus A320 là hơn 78cm.

Nếu không phải là người khỏe mạnh, dễ mất bình tĩnh thì đừng nên tốn tiền mua ghế gần cửa thoát hiểm và cũng cần cân nhắc có nên tốn thêm tiền hay không khi chặng bay chỉ kéo dài hơn 1 tiếng. Ghế ngồi rộng, chỗ duỗi chân dài chỉ thực sự cần thiết khi bay từ 3 đến 5 tiếng trở lên. Chẳng hạn như cất cánh từ VN bay đi Sydney ở Úc trên máy bay A320/A321 của Jetstar International thì nên mua thêm “không gian” duỗi thẳng chân với giá 60 USD/lượt bay. Vì không như trước đây, đường bay này bây giờ khá dài, từ TP.HCM đến Darwin rồi mới đến Sydney.

Ngoài ra, xin nhớ rằng hành khách nào ngồi gần cửa thoát hiểm thì không được đi cùng trẻ em, không mang túi xách to, nặng. Hành lý nhỏ cũng không được để dưới sàn ở chỗ duỗi chân vì khi cần thiết, đây sẽ là lối thoát hiểm khẩn cấp.

DŨNG NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chọn lựa thông minh: Ngồi gần cửa thoát hiểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO