Trẻ em rẻo cao Mộc Châu chơi cầu bập bênh dịp lễ hội mùa Xuân. |
Đón Tết sớm cùng người Mông
Mộc Châu mang vẻ đẹp hoang sơ, trong trẻo của núi rừng, đất trời suốt bốn mùa. Nhưng nếu chúng ta muốn có một chuyến du ngoạn mùa Xuân Mộc Châu tuyệt vời nhất thì hãy sắp xếp lên đường ngay từ tháng 12 âm lịch.
Mùa Xuân ở Mộc Châu đến sớm hơn mọi nơi khi vào khoảng tháng 12 âm lịch, là lúc hoa rừng đã bung nở. Vào thời gian này, loài hoa mận sẽ bắt đầu bung nở trắng xóa khắp núi rừng. Có mặt ở Mộc Châu, chúng ta sẽ được đắm chìm vào hương hoa của đất trời.
Mộc Châu là cao nguyên của muôn loài hoa suốt bốn mùa, trong đó hoa mận mang màu trắng tượng trưng cho vẻ đẹp tinh khiết, hoang dại của núi rừng Tây Bắc. Khi những ánh nắng vàng rực giữa Đông chiếu xuống cao nguyên Mộc Châu là lúc hoa mận nở rộ, đung đưa trong gió.
Tại các bản làng Phiêng Luông, Lóng Sập, Chiềng Sơn, Tâp Lập... đâu đâu rừng núi cũng nhuộm một màu trắng của hoa mận. Hoa mận cánh trắng, nhị vàng bung nở cũng là thời điểm đồng bào Mông đón Tết của mình. Cùng với đồng bào Thái, thì người Mông là tộc người chiếm số lượng lớn trong dân số của huyện Mộc Châu. Mang đậm mầu sắc văn hóa dân tộc Mông truyền thống, thì lên Mộc Châu dịp này chúng ta không thể bỏ qua cái Tết này.
Theo phong tục, các bản làng đồng bào Mông sẽ đón Tết truyền thống trong 3 ngày đầu tiên của tháng Chạp (12) âm lịch, nghĩa là sớm hơn Tết Nguyên Đán của người Kinh một tháng. Trước và sau 3 ngày Tết chính đó, người Mông nghỉ lên nương lên rẫy để ở nhà chuẩn bị Tết. Những người bà, người mẹ cùng nhau thêu bộ váy, bộ áo quấn đẹp nhất cho con cháu mình.
Nhiều nhà có điều kiện thì sẽ chợ phiên sắm quần áo mới cho con cái. Còn đàn ông, trai tráng sẽ chuẩn bị thịt gà, thịt lợn cho bữa cơm thịnh soạn ngày Tết. Với người Mông, trong ngày Tết phải có bánh dày trên mâm cỗ để cúng tổ tiên. Và đặc biệt, người Mông coi tiếng gà gáy sáng sớm ngày đầu tiên của Tết là thời khắc năm mới, chứ không phải đón giao thừa (lúc 0 giờ) như người Kinh. Trong các ngày Tết, bản làng Mông sẽ tổ chức rất nhiều lễ hội, trò chơi...
Bọn trẻ và các chàng trai, cô gái trở nên đẹp hơn, đáng yêu hơn khi diện trên mình bộ xiêm y đẹp nhất, mới nhất với những bộ váy sặc sỡ, lấp lánh.
Đi qua các bản ở Mộc Châu ngày Tết, du khách được xem và cùng chơi với người Mông qua các trò chơi dân gian như cầu bập bênh, đánh còn, ném pao, chơi quay hoặc biểu diễn văn nghệ... Các bản Mông còn tổ chức chơi bóng đá, bóng chuyền cho cả nam và nữ, cả già lẫn trẻ. Nhiều trò chơi, sân chơi diễn ra ngay bên rừng mận đang nở hoa đón Xuân..
Phụ nữ Mông mặc váy thổ cẩm chơi bóng chuyền giữa rừng hoa mận |
Đường Hạnh phúc hoa nở bên đá
Cung đường xuyên cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang dài 185km mang một cái tên trìu mến: "Hạnh phúc". Đây thực chất là quốc lộ 4C đã lấy đi bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của hàng chục nghìn công nhân, thanh niên xung phong đi làm đường trong suốt thập niên 50-60 của thế kỷ trước. Sau khi hoàn thành, cung đường mang lại những mùa Xuân tươi sáng, đời sống no ấm hơn cho đồng bào các dân tộc vùng cao Hà Giang. Vì thế, con đường mang tên "Hạnh phúc".
Rời thành phố Hà Giang, theo cung đường ngược lên Bắc, du khách sẽ dần dần đi qua đèo Bắc Sum để lên tới cổng trời Quản Bạ. Đứng từ trên cổng trời nhìn sang Núi Đôi Quản Bạ (còn gọi núi đôi Cô Tiên), sẽ thấy vẻ đẹp núi đồi, trời mây mang sắc Xuân phơi phới. Qua Quản Ba là đến Yên Minh bao la với những vạt núi hùng vỹ cùng màu đen của đá hiện ra trước mắt du khách.
Từ đâu công viên địa chất toàn cầu, cao nguyên đá Đồng Văn bắt đầu chiếm trọn tầm mắt người đi đường. Trên những rừng đá tai mèo tầng tầng lớp lớp ma trận là màu xanh của cây ngô, cây sắn. Từ cuối năm âm lịch, cao nguyên đá sẽ được tô điểm thêm màu vàng của những ruộng hoa cải. Từ Yên Minh, Đồng Văn cho tới cột cờ Lũng Cú, Mèo Vạc... những nương cải nở hoa như báo hiệu báo hiệu mùa Xuân mới đang về trên rẻo cao Hà Giang.
Dọc theo cung đường "Hạnh Phúc", chúng ta có thể ghé thăm những địa danh như Phố Cáo, Phó Bảng, Sủng Là và Tả Phìn, Lũng Cú (Đồng Văn)... Ấn tượng ngay với du khách là hình ảnh những căn nhà trình tường làm bằng đất, cùng hàng rào đá truyền thống bao đời của người Mông.
Mùa Xuân đến là thời khắc thung lũng Sủng Là hay Lũng Cú đẹp nhất khi muôn hoa khoe sắc. Những ruộng hoa cải bên hàng rào đá đã vàng rực một góc trời. Những đàn ong, đàn bướm đua nhau bay lượn đi tìm nhụy hoa, mật ngọt. Bên hiên nhà, ngoài cổng, cạnh những hàng rào đá lạnh lẽo sẽ là những cây mận, cây đào dần dần nở hoa khoe sắc.
Và giữa khung cảnh ngập sắc Xuân ấy là nụ cười xinh tươi của cô thiếu nữ Mông. Là những bộ váy xòe đẹp của cô bé đang tung tăng chơi bên vườn nhà. Càng lên cao, sẽ càng thấy sắc Xuân ngập tràn đất trời cùng tiếng nói cười của những chàng trai, cô gái từ dưới xuôi phượt lên đây, đang say sưa dừng lại ngắm những nương hoa cải, hay những cánh hoa đào hồng phai bên đường.
Xuân đến, cao nguyên đá Đồng Văn đẹp như một bức tranh |
Thời gian đẹp nhất để du Xuân Mộc Châu là từ đầu tháng 12 âm lịch đến đầu năm mới. Còn Hà Giang là dịp Tết Nguyên Đán. Du khách có thể khởi hành chuyến đi từ các bến xe khách ở Hà Nội như bến Mỹ Đình, Gia Lâm, Giáp Bát. Giá vé đi Mộc Châu (180-250 nghìn/người), Hà Giang (300-350 nghìn/người).
Dọc theo cung đường du Xuân ở Hà Giang, Mộc Châu có rất nhiều nhà nghỉ, homestay từ bình dân cho đến cao cấp theo nhu cầu. Các món ăn độc đáo của đồng bào Mông, Thái, Nùng, Dao như thắng cố, xôi ngũ sắc, bánh dày, gà nướng, rượu ngô... sẽ có ở chợ phiên, ở nhà hàng bên đường, hoặc do chính chủ nhà nghỉ, homestay làm để phục vụ khách.