Văn hóa doanh nghiệp

Chợ phiên của doanh nghiệp

Nhan Húc Quân (*) 02/08/2023 17:30

Chợ phiên là một trong những hoạt động của Công ty New Toyo. Việc làm này tuy nhỏ nhưng mang lại niềm vui cho người sẵn lòng cho đi và người được nhận, bởi “hòa khí sinh tài vận”.

phien-2.jpg
Không khí “chợ phiên” của New Toyo thật vui vẻ, rộn ràng và thân thiện

Với những người sống ở thành thị, hai chữ “chợ phiên” thoáng nghe khá lạ. Nhưng với những người sống ở vùng thôn quê, đặc biệt là người dân tộc thiểu số ở miền núi như Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên… hoặc vùng sâu, vùng xa ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thì chợ phiên rất gần gũi và thân thiết.

Chợ phiên không chỉ là nơi giao lưu hàng hóa giữa người mua kẻ bán, mà còn mang ý nghĩa văn hóa, kinh tế và xã hội của người dân bản địa. Đến chợ phiên ắt sẽ bắt gặp trang phục truyền thống cầu kỳ, sặc sỡ màu sắc của các cô gái H'Mông, Dao, Nùng… và tiếng sáo, khèn, kèn lá của các chàng trai, cùng mùi thơm thoang thoảng, phảng phất của rượu cần, cơm lam, ngô nướng.

Trong bối cảnh nền kinh tế trở nên xấu đi từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, nhất là 6 tháng đầu năm 2023, một số ngành như dệt may, da giày, gỗ và đồ gỗ, thủy hải sản giảm sâu đơn hàng; những chuỗi cửa hàng bán lẻ quần áo, giày dép, các chuỗi cửa hàng ăn uống phải trả mặt bằng. Ngoài chủ doanh nghiệp, người lao động cũng phải đối diện với nhiều khó khăn trong công việc và cuộc sống do việc làm càng lúc càng ít, lạm phát gia tăng, vật giá leo thang.

Theo Tổng cục Thống kê, nửa đầu năm nay đã có hơn 100.000 doanh nghiệp đóng cửa, bình quân hơn 16.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường mỗi tháng. Các biện pháp và chính sách hỗ trợ từ Chính phủ như những gói cho vay lãi suất thấp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp, giảm 2% trên thuế tiêu dùng (từ ngày 1/7/2023) giúp khách hàng giảm bớt chi phí. Nhưng những điều đó chưa thể đủ để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Thấu hiểu những vấn đề chung của xã hội, nhân sự kiện tổ chức hội nghị người lao động thường niên trong Công ty New Toyo nhằm phát huy quyền dân chủ trực tiếp của người lao động, tạo điều kiện để người lao động được biết, được tham gia ý kiến, được quyết định và được giám sát những vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ và trách nhiệm, tôi đã giao nhiệm vụ xây dựng “chợ phiên” cho công đoàn cơ sở của công ty.

phien-1.jpg
Giao thương, trao đổi hàng hóa tại “chợ phiên” New Toyo

Mục đích của phiên chợ này được tuyên truyền rộng khắp trong công ty. Việc vận động gom góp những món đồ chơi, đồ dùng nhà bếp, đồ trang trí nhà cửa, quần áo, túi xách, giày dép (còn mới) được triển khai trước hai tuần, để đảm bảo đủ thời gian cho mọi người soạn ra những món đồ đã nằm yên trong tủ áo, ở nơi nào đó trong nhà, trong bếp nhiều năm qua mà có lẽ chưa từng dùng, sẽ không cần dùng đến nữa hoặc hiếm khi mới dùng đến.

Khu vực trưng bày “chợ phiên” của New Toyo được phân thành 6 bàn giao thương, bài trí theo từng nhóm sản phẩm. Cách thức trao đổi hàng hóa sẽ căn cứ vào số phiếu, trong đó có thể hiện món đồ miễn phí. Người lao động tự trao đổi hàng hóa với nhau để đổi lấy món đồ phù hợp hơn cho bản thân hay gia đình.

Không khí “chợ phiên” của New Toyo thật vui vẻ, rộn ràng và thân thiện. Người rao, người đứng bán mời gọi, người mua xếp hàng rồng rắn trong trật tự, công tác tổ chức diễn ra suôn sẻ.

Chợ phiên là một trong những hoạt động của New Toyo được kích hoạt từ năm nay và duy trì trong những năm tới. Dịp này sẽ là cầu nối cho việc gặp gỡ, giao lưu để mọi người hòa mình vào một sinh hoạt tập thể, tạo sự thân thiện và gần gũi giữa lãnh đạo, quản lý và nhân viên trong công ty. Hơn nữa, việc làm này tuy nhỏ nhưng mang lại niềm vui cho người sẵn lòng cho đi và người được nhận, bởi “hòa khí sinh tài vận”.

(*) Tổng giám đốc Công ty New Toyo

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chợ phiên của doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO