Chiều 22/8, giá vàng bất ngờ vọt lên 48,7 triệu đồng/lượng sau khi giá vàng thế giới vượt qua 1.890 USD/ounce.
Giá vàng đã vọt lên mức 48,75 triệu đồng/lượng - Ảnh: H.T.V. |
So với cuối tuần trước, giá vàng trong nước đã tăng 1,15 triệu đồng/lượng, doanh số giao dịch tại các công ty vàng tăng 7-8 lần so với cuối tuần trước.
Cuối ngày giá vàng thế giới giảm còn 1.869 USD/ounce, tương đương 47 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước cũng giảm mạnh, còn 48,35 triệu đồng/lượng sau khi có thông tin Ngân hàng Nhà nước đã có cuộc họp chuẩn bị phương án đối phó nếu trong nước lại xảy ra cơn sốt vàng. Chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước cuối ngày còn 1,15 triệu đồng/lượng.
Giá dầu thô tiếp tục giảm Giá dầu thô thế giới đã giảm mạnh trong ngày 22/8. Tại London, giá dầu Brent biển Bắc đã giảm 2,74 USD xuống còn 105,88 USD/thùng. Ở Mỹ, giá dầu giao tháng 9 đã giảm 78 cent xuống còn 81,48 USD/thùng. Ngày 22/8, giá cổ phiếu châu Á tiếp tục sụt giảm do các nhà đầu tư lo ngại về viễn cảnh suy thoái toàn cầu mới. Theo AFP, giá cổ phiếu ở Tokyo đã giảm 1,04% xuống mức thấp nhất kể từ ngày 15/3. Chứng khoán Seoul giảm 1,96%, Sydney mất 0,48%, Hong Kong 1,53% và Thượng Hải 0,43%. Nỗi lo về viễn cảnh kinh tế Mỹ và khu vực sử dụng đồng euro đẩy đồng yen tăng giá mức kỷ lục, lên 75,95 yen/USD. |
Bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, tổng giám đốc Công ty vàng SBJ, cho biết doanh số giao dịch lên đến 7.000-8.000 lượng. Tại Công ty PNJ số vàng bán ra trong ngày 22-8 đạt 2.400 lượng, trong khi mua vào chỉ 625 lượng.
Giá vàng trong nước liên tục bị đẩy lên do cầu nhiều hơn cung và các công ty vàng đã sử dụng hầu hết hạn ngạch nhập khẩu được cấp. Ghi nhận thị trường tại thời điểm từ 14g-15g cũng là thời điểm giá vàng nóng sốt nhất cho thấy tại các cửa hàng vàng tái diễn cảnh mỗi nơi mỗi giá. Nhiều tiệm vàng tại chợ Tân Định (TP.HCM) kéo giãn khoảng cách giữa giá mua - bán lên đến 900.000 đồng/lượng nhằm hạn chế mua bán.
Chủ một tiệm vàng trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1) cho biết một vài người có tiền nhàn rỗi đã mua 1-2 lượng, có trường hợp mua 4-5 lượng.
Bên cạnh đó, nhu cầu mua vàng cũng xuất phát từ nhu cầu cắt lỗ của người vay nợ vàng ngân hàng. Trong khi đó do nguồn cung khan hiếm dẫn đến tình trạng rượt đuổi giá vì sau khi bán ra các đơn vị kinh doanh không thể mua lại với giá cũ. So với cuối tuần trước, giá vàng đã tăng tổng cộng 1,55 triệu đồng/lượng. Công ty vàng SJC điều chỉnh giá 15 lần trong ngày.
Cùng với vàng, tỉ giá USD tại ngân hàng và thị trường tự do bắt đầu căng thẳng. Chiều 22-8 giá bán USD tự do đã vượt 21.000 đồng/USD, trong khi giá bán sỉ chốt ở 20.950 đồng/USD. Nhiều tiệm vàng chủ động găm hàng bằng cách chỉ mua vào chứ không bán ra. Giá mua USD của khách hàng cá nhân cũng lên đến 20.850 đồng/USD, cao hơn 40 đồng/USD so với giá mua tại ngân hàng.
Trong khi đó giá bán USD tại các ngân hàng neo ở mức trần suốt 10 ngày qua, chênh lệch giữa giá mua chuyển khoản và giá bán chỉ còn 14 đồng/USD, trong khi trước đây lên đến vài chục đồng. Một số doanh nghiệp nhập khẩu cho biết sau một thời gian dài tạm lắng, đã xuất hiện tình trạng ngân hàng bán USD hai giá thông qua việc thu thêm một số loại phí, đẩy giá USD vượt trần quy định.
Theo các bản tin phân tích, giá vàng thế giới tiếp tục bị ảnh hưởng bởi những chỉ số kinh tế công bố không tốt cuối tuần trước, trong đó lãi suất thấp của Mỹ và tình trạng phức tạp tại EU tiếp tục thúc đẩy nhu cầu mua vàng với mục đích an toàn. Giá vàng thế giới cũng tăng mạnh do những thông tin không mấy lạc quan từ Libya.
Nhiều giải pháp bình ổn Chiều 23/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) để thảo luận các giải pháp nhằm xóa bỏ cách biệt giữa giá vàng trong nước - thế giới, đồng thời tăng tính liên thông cho thị trường vàng. Theo nguồn tin từ SJC, NHNN sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trong đó Công ty SJC làm chủ lực, tham gia can thiệp thị trường vàng nhằm kéo giá vàng trong nước từ mức cao hơn 1 triệu đồng/lượng như hiện nay về ngang với giá vàng thế giới. Ngay trong chiều 22-8, Công ty SJC đã được NHNN cấp phép nhập khẩu vàng và trong ngày 23/8 Công ty SJC sẽ tiếp tục nhập khẩu thêm một lượng vàng đủ để can thiệp mạnh thị trường. “Quan điểm NHNN đưa ra là việc can thiệp thị trường sẽ kéo dài và diễn ra tại nhiều thời điểm sao cho giá vàng trong nước bám sát thế giới. NHNN cũng không giới hạn về số lượng. Tuy nhiên việc không giới hạn không có nghĩa là “thoải mái” vì đi kèm theo đó sẽ có những yếu tố kỹ thuật, tuyên truyền sao cho việc can thiệp mang lại hiệu quả cao nhất” - một lãnh đạo SJC cho biết. Theo lãnh đạo SJC, NHNN sẽ sử dụng những giải pháp mang tính thị trường để bình ổn giá vàng trong nước. NHNN không độc quyền can thiệp mà có sự tham gia của SJC cùng những doanh nghiệp kinh doanh vàng khác. Việc can thiệp thị trường vàng sẽ không dựa hoàn toàn vào việc nhập khẩu mà NHNN sẽ có hàng loạt công cụ mang tính thị trường khác đi kèm. Mục tiêu của NHNN là nhằm giảm tình trạng vàng hóa nền kinh tế. Trong thời gian tới NHNN sẽ có hàng loạt biện pháp nhằm tăng tính liên thông giữa thị trường vàng trong nước và quốc tế theo quan điểm có nhập, có xuất. Dự kiến hôm nay 23/8, NHNN công bố hàng loạt giải pháp điều hành thị trường vàng trong thời gian tới. |