Tuyên bố trên là một trong số các thông điệp chủ chốt được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát đi trong khuôn khổ Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2021 (BFA) vừa diễn ra vào tuần này tại tỉnh Hải Nam.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao thông qua video. Ảnh: China Daily |
Theo đó, ông Tập kêu gọi xây dựng một hệ thống quản trị toàn cầu hợp lý và công bằng hơn, cho rằng các quy tắc do một quốc gia hoặc một số quốc gia thiết lập không thể áp đặt cho các quốc gia khác.
"Thế giới phải công bằng, không được ngang ngược. Nước lớn phải ra dáng nước lớn, phải gánh vác trách nhiệm nhiều hơn", Chủ tịch Tập nói.
Đồng thời, nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng lên tiếng phản đối tư duy "chiến tranh lạnh" và "đối đầu ý thức", cho rằng bất kỳ nước nào can thiệp vào chuyện nội bộ của nước khác đều không nhận được sự ủng hộ. "Các vấn đề quốc tế nên được giải quyết bằng tham vấn sâu rộng. Chúng ta không thể để chủ nghĩa đơn phương do một số nước theo đuổi dẫn dắt cả thế giới. Điều cần thiết cho thế giới ngày nay là công lý, không phải bá quyền", ông Tập nói.
Dù không nêu tên cụ thể quốc gia nào, song các quan chức Trung Quốc gần đây đã đề cập đến "quyền bá chủ" của Mỹ trong những lời chỉ trích công khai về hình ảnh sức mạnh toàn cầu của Washington ở lĩnh vực thương mại cùng địa chính trị. Cần biết rằng, các bình luận trên của ông Tập được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, và kênh đối thoại chiến lược vẫn bỏ ngỏ, nhất là sau "cuộc đấu khẩu" nảy lửa giữa hai bên tại Alaska vào tháng trước.
Link bài viết
Cuối bài phát biểu mang tên Cùng nhau vượt qua nghịch cảnh và hướng tới một tương lai chung cho tất cả mọi người, ông Tập nói: "Bất luận phát triển tới trình độ nào, Trung Quốc mãi mãi không xưng bá, không bành trướng, không mưu cầu phạm vi ảnh hưởng, không tham gia chạy đua vũ trang".
Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo cũng khẳng định, Trung Quốc sẽ bảo vệ hệ thống thương mại đa phương và toàn cầu hóa - một tuyên bố, mà theo CNBC là không phải được ông Tập lần đầu đưa ra.
"Trong thời đại toàn cầu hoá kinh tế này, sự mở cửa và hội nhập là một xu hướng lịch sử không thể ngăn chặn. Các nỗ lực 'dựng nên những bức tường' hay 'phân tách' là đi ngược lại với quy luật kinh tế và nguyên tắc thị trường", ông Tập khẳng định.
Các diễn giả Trung Quốc góp mặt tại BFA - đối trọng của châu Á với diễn đàn Davos của phương Tây, cũng khẳng định cam kết của Bắc Kinh đối với thương mại tự do toàn cầu. Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại diễn đàn đã đề xuất, các nước châu Á nên tăng cường hợp tác đa phương với tính bao trùm, nhằm đẩy mạnh vai trò của khu vực và sự quản trị toàn cầu trong việc đối phó với những thách thức mà thế giới đang đối mặt, gồm sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và đơn phương.
Ông Moon nhấn mạnh tầm quan trọng của "đoàn kết và hợp tác" quốc tế đối với sự chung sống và thịnh vượng mới trong thời kỳ hậu Covid-19. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP), được ký năm ngoái, có thể đóng vai trò là phương tiện trung gian để tăng tốc hợp tác kinh tế khu vực.
"Chúng ta phải ủng hộ hòa bình, phát triển, công bằng, công bằng, dân chủ và tự do, là những giá trị chung của nhân loại, đồng thời khuyến khích giao lưu và học hỏi lẫn nhau giữa các nền văn minh để thúc đẩy sự tiến bộ của văn minh nhân loại", ông Tập tuyên bố.
Về vấn đề hợp tác vaccine Covid-19, Chủ tịch Trung Quốc cũng kêu gọi nỗ lực tăng cường hợp tác quốc tế về nghiên cứu và phát triển, sản xuất lẫn phân phối vaccine trong cuộc chiến chống Covid-19. Theo ông Tập, thế giới cần nỗ lực để đảm bảo tất cả mọi người đều có thể tiếp cận và mua được vaccine.
"Trung Quốc sẽ tôn trọng cam kết của mình trong việc biến vaccine trở thành hàng hóa công cộng toàn cầu, đồng thời tiếp tục hợp tác chống Covid-19 với Tổ chức Y tế Thế giới và các nước khác, đồng thời làm nhiều hơn nữa để giúp các nước đang phát triển đánh bại virus", ông Tập nói.
Được khởi xướng vào năm 2001, BFA hướng đến mục tiêu thúc đẩy hợp tác kinh tế, hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của kinh tế châu Á, thông qua việc tạo ra môi trường đối thoại cấp cao dành cho chính phủ, doanh nghiệp, chuyên gia, học giả về các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường... Hội nghị năm nay diễn ra từ ngày 18-21/4/2021, chủ yếu theo hình thức gặp mặt trực tiếp với sự tham gia của hơn 2.600 đại biểu. |