Trung Đông: Bàn cờ chiến lược mới?

Khả Hân| 03/01/2023 01:00

Trung Quốc đang tìm kiếm cơ hội tăng cường ảnh hưởng kinh tế và ngoại giao ở Trung Đông và hướng đến mục tiêu quảng bá Trung Quốc như một giải pháp thay thế Mỹ ở khu vực này.

Trung Đông: Bàn cờ chiến lược mới?

Trung Quốc liệu có thay thế được vai trò của Mỹ tại Trung Đông?

Gia tăng ảnh hưởng

Arab Saudi hôm 14/12 cho biết vừa ký kết thỏa thuận trị giá 50 tỷ USD với Trung Quốc tại Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc - Arab, gồm các khoản đầu tư cho cả khu vực công và tư nhân. Chuyến công du lần này của ông Tập Cận Bình đến Trung Đông cũng là hoạt động đối ngoại lớn nhất từ trước tới nay giữa Trung Quốc với các quốc gia Arab. 

Với những kết quả đạt được tại hội nghị lần này, do Chủ tịch Tập Cận Bình và Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman chủ trì cùng sự tham gia của lãnh đạo 6 quốc gia thành viên Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) bao gồm Arab Saudi, Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), cho thấy mối quan hệ ngày càng sâu sắc của Vùng Vịnh với Bắc Kinh. 

Chủ tịch Trung Quốc cũng nêu rõ, trong 5 năm tới, Trung Quốc sẽ cùng GCC ưu tiên thúc đẩy hợp tác đối với 5 trọng tâm chính, gồm mở rộng hợp tác khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo đột phá hợp tác hàng không, đề cao hợp tác văn hóa, thiết lập cơ chế mới cho hợp tác năng lượng đa chiều, đẩy nhanh hợp tác đầu tư và tài chính. Theo giới quan sát, ông Tập đang tìm kiếm hỗ trợ từ thế giới Arab cho các sáng kiến an ninh và phát triển toàn cầu của mình.

Những trọng tâm ưu tiên hợp tác này cũng đã được các nước Arab nhất trí và hội nghị đã đưa ra tuyên bố chung nhấn mạnh rằng, kế hoạch hành động 5 năm đối thoại chiến lược giữa Trung Quốc và GCC chú trọng hợp tác an ninh và năng lượng. Trung Quốc cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của các nước GCC thâm nhập thị trường vốn, thành lập hiệp hội đầu tư giữa hai bên, hỗ trợ các quỹ đầu tư quốc gia để tăng cường hợp tác dưới nhiều hình thức.

Hôm 9/12, Trung Quốc và Arab Saudi ra tuyên bố chung, tái khẳng định tầm quan trọng của ổn định thị trường dầu mỏ toàn cầu. Bắc Kinh đang thể hiện nỗ lực tìm kiếm cơ hội mở rộng hợp tác với các nước Vùng Vịnh, trong đó dành sự xem trọng đặc biệt với Arab Saudi - vốn là cửa ngõ lớn nhất để tiến vào thế giới Arab.

Khi Mỹ chuyển trọng tâm

Mặc dù trong chuyến thăm Trung Đông vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố "Mỹ sẽ không bỏ đi và để lại khoảng trống ở Trung Đông cho Nga, Trung Quốc hay Iran và Mỹ sẽ vẫn là một đối tác tích cực gắn bó ở Trung Đông".

Tuy nhiên, cùng với những thay đổi trong chính sách phát triển của các nước lớn, cũng như sự độc lập hơn về năng lượng - một nhân tố làm Mỹ chuyển trọng tâm về châu Á, đã để lại những khoảng trống nhất định để Trung Quốc thực hiện kế hoạch mở rộng ảnh hưởng toàn cầu, theo đó cục diện Trung Đông đã có những bước chuyển lớn.

Việc Tổng thống Biden muốn khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân với Iran - đối thủ trong khu vực của Arab Saudi, càng khiến nước này xa lánh Mỹ hơn. Căng thẳng giữa Mỹ và Arab Saudi tiếp tục leo thang lên mức chưa từng có sau khi quốc gia Trung Đông dẫn đầu OPEC+ quyết định cắt giảm sản lượng dầu mỏ, bất chấp Washington đề nghị bơm thêm dầu ra thị trường. 

Ngược lại, thời gian qua Trung Quốc đã tăng cường quan hệ với các nước tại khu vực này, gồm cả những nước thân và không ưa Washington. Các nhà lãnh đạo Arab đánh giá cao việc Bắc Kinh không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. Dù vậy, các nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ cho rằng Bắc Kinh không thể thay thế Washington với tư cách bên bảo đảm an ninh khu vực, chừng nào Trung Quốc còn duy trì quan hệ chặt chẽ với đối thủ "không đội trời chung" của Arab Saudi là Iran.

Trung Quốc từ lâu đã cung cấp một số công nghệ và khí tài quân sự cho Arab Saudi, chủ yếu là những thiết bị mà Mỹ từ chối bán do lo ngại nguy cơ châm ngòi một cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực. Tuy nhiên, quá trình Riyadh tách rời khỏi mối quan hệ an ninh với Washington sẽ rất phức tạp, bởi họ vẫn chịu phụ thuộc  vũ khí Mỹ, như hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, xe tăng M1A2 Abrams hay tàu tác chiến đa nhiệm.

Trong khi đó, việc Trung Quốc mua dầu Iran đã giúp Tehran duy trì huyết mạch kinh tế và hai nước năm ngoái cũng ký một thỏa thuận hợp tác 25 năm nhằm thúc đẩy thương mại, hợp tác song phương. Đáng chú ý, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian thúc ép Trung Quốc về khoản đầu tư trị giá 400 tỷ USD mà Bắc Kinh đã cam kết đối với Tehran. 

Những động thái trên cho thấy Trung Quốc xem Trung Đông là khu vực rất quan trọng đối với sáng kiến "Vành đai và con đường" nhằm liên kết các thị trường và chuỗi cung ứng từ Ấn Độ Dương sang lục địa Á - Âu. Về phần mình, chính quyền Biden đang ra sức phản ứng và tìm cách cảnh báo các nước Trung Đông có dấu hiệu ngày càng xích lại gần Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trung Đông: Bàn cờ chiến lược mới?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO