Rò rỉ hồ sơ tài chính và chuyện trốn thuế, rửa tiền

Lê Phan| 15/10/2021 07:00

Thế giới lại một lần nữa rúng động trước vụ rò rỉ hồ sơ tài chính Pandora, tiết lộ những bí mật tài chính của nhiều nhà lãnh đạo thế giới, tỷ phú và những người nổi tiếng tại các thiên đường thuế. Với 12 triệu tài liệu dung lượng lên đến 2,94 terabyte, đây là vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất trong những năm gần đây so với “Hồ sơ Panama” (2016) và “Hồ sơ Paradise” (2017).

Rò rỉ hồ sơ tài chính và chuyện trốn thuế, rửa tiền

Chuyện không mới

Lần này, những cái tên được nêu bao gồm hơn 330 chính trị gia từ gần 100 nước, hơn 100 tỷ phú, nhiều người nổi tiếng và lãnh đạo tôn giáo, trong đó có những lãnh đạo chính trị sừng sỏ như  cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, Quốc vương Jordan Abdullah II, Tổng thống Sebastian Pinera của Chile, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, Thủ tướng Bờ Biển Ngà Patrick Achi... cho đến các tên tuổi nổi tiếng trong làng giải trí như nữ ca sĩ Shakira, người mẫu Claudia Schiffer.

Theo đó, có 29.000 công ty vỏ bọc ở nước ngoài đã được 14 công ty cung cấp dịch vụ về luật và tài chính trên toàn cầu lập ra để tiến hành những giao dịch nhằm trốn thuế, rửa tiền, mua bán tài sản bí mật cho các nhóm khách hàng trên. Trước đó, Hồ sơ Panama năm 2016 chỉ dựa trên hồ sơ của một công ty luật duy nhất ở Panama là Mossack Fonseca. Do khối lượng tài liệu quá lớn, các nhà báo hiện chưa chắc chắn tổng số tài sản bị che giấu, nhưng ước tính có thể từ 5,6-32 nghìn tỷ USD. 

Bất chấp những quy định pháp luật nghiêm ngặt, các hoạt động tài chính ở nước ngoài vẫn có những lỗ hổng cho phép nhóm người giàu có và quyền lực có thể tiến hành trốn thuế và che giấu của cải. Họ sẽ trả tiền để thuê trung gian thành lập các chủ thể pháp lý như công ty vỏ bọc, quỹ ủy thác... ở bên ngoài quốc gia họ sinh sống. Sau đó, các công ty offshore này sẽ tiến hành đầu tư vào biệt thự, bất động sản ven biển, du thuyền và tài sản khác mà gần như không bị đánh thuế theo quy định ở nước sở tại.

Cụ thể, thay vì mua trực tiếp bất động sản tại London hay New York, khách hàng sẽ mua cổ phần của một công ty bất động sản nước ngoài sở hữu tòa nhà đó để tránh phải nộp thuế tài sản. Một số công ty này được sử dụng để ẩn danh tài khoản ngân hàng, máy bay phản lực tư nhân, du thuyền, biệt thự và các tác phẩm nghệ thuật của Picasso và Banksy.

Như trường hợp của cựu thủ tướng Anh Tony Blair, dù nhiều lần từng mạnh miệng lên tiếng phản đối hành vi trốn thuế trong nhiều thập kỷ, song những rò rỉ tiết lộ rằng ông và vợ có thể đã sở hữu một tòa nhà trị giá 8,8 triệu USD (7,6 triệu euro) khi mua một công ty bất động sản nước ngoài của gia đình Bộ trưởng Công nghiệp và Du lịch Bahrain Zayed bin Rashid al-Zayani. Bằng cách mua cổ phần của công ty - chứ không phải trực tiếp mua tòa nhà, ông Blair và vợ đã có thể tránh phải nộp thuế tài sản tổng cộng 400.000 USD.

Đây dường như không còn là chuyện mới mẻ, khi các vụ rò rỉ dữ liệu trước đó cũng từng cho thấy những cách thức mà giới chính trị gia, các tỷ phú và ngôi sao giải trí tìm cách trốn thuế và che giấu tài sản. Dù sau đó tất thảy đều lên tiếng giải thích hoặc phủ nhận, nhưng một thực tế không thể chối cãi rằng những hành vi này đang ngày càng làm gia tăng bất bình đẳng và giai cấp trong xã hội các nước.

Khoét thêm hố sâu ngăn cách giàu nghèo

Cụ thể, trong khi người nghèo hay tầng lớp trung lưu với thu nhập ít ỏi và cố định luôn phải nai lưng ra đóng thuế, giới siêu giàu và quyền lực với nguồn thu nhập khổng lồ lại luôn tìm cách trốn mọi loại thuế, từ thuế thu nhập, thuế chuyển nhượng cho đến thuế tài sản. Những nhóm này,  thay vì có thể giúp dọn dẹp hệ thống thiên đường thuế ở nước ngoài lại hưởng lợi từ chúng thông qua những công ty bình phong hay quỹ tín thác.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, việc giới siêu giàu lợi dụng các thiên đường thuế khiến các chính phủ trên toàn thế giới mất tới 600 tỷ USD tiền thuế mỗi năm. Rõ ràng nếu nguồn thu này đóng góp vào ngân sách quốc gia, các nước sẽ có thêm nguồn lực để thực hiện các chính sách phúc lợi xã hội tốt hơn, cũng như hỗ trợ thêm cho nhóm yếu thế, tái phân phối lại của cải giúp chênh lệch giàu nghèo không ngày càng giãn rộng ra mà có thể tạo nên những mầm mống mất ổn định xã hội.

Trong khi người nghèo hay tầng lớp trung lưu với thu nhập ít ỏi và cố định luôn phải nai lưng ra đóng thuế, giới siêu giàu và quyền lực với nguồn thu nhập khổng lồ lại luôn tìm cách trốn mọi loại thuế, từ thuế thu nhập, thuế chuyển nhượng cho đến thuế tài sản.

Việc trốn thuế và che giấu tài sản của giới chính trị gia cũng cho thấy vấn nạn tham nhũng tại nhiều quốc gia. Giới quan sát cũng chỉ ra rằng hầu hết chính trị gia, người nổi tiếng có tên trong Hồ sơ Pandora đến từ những nước thu nhập thấp hoặc trung bình, có mức độ bất bình đẳng cao hàng đầu.

Trong khi hầu hết người dân có thu nhập thấp, thậm chí có những nơi mà người dân đang chết đói, xếp hàng mua thực phẩm, các thiết bị y tế thiếu thốn, giáo dục kém phát triển, thì lãnh đạo của họ lại trốn thuế và rửa tiền thông qua sở hữu hàng loạt tài sản xa hoa ở nước ngoài.

Được biết sau khi Hồ sơ Pandora được công bố, Liên minh châu Âu (EU) cho biết họ đang chuẩn bị những dự luật mới để tăng cường minh bạch về thuế, củng cố cuộc chiến chống trốn thuế. Hạ viện Mỹ hồi mùa hè cũng thông qua dự luật đòi hỏi các tập đoàn đa quốc gia công khai các khoản thanh toán thuế, cùng thông tin tài chính quan trọng khác ở từng nước.

Trước đó hồi tháng 7, các nhà đàm phán từ 130 quốc gia nhất trí mức thuế tối thiểu toàn cầu ít nhất là 15%, nhằm ngăn các tập đoàn đa quốc gia lớn cắt giảm khoản thuế phải đóng bằng cách chuyển lợi nhuận sang những khu vực pháp lý thuế thấp, như Bermuda và Quần đảo Cayman. Đây là kế hoạch của OECD, dự kiến có hiệu lực vào năm 2023. Tuy nhiên, các công ty bình phong và thực thể khác đằng sau những phương thức giấu tài sản được đề cập trong Hồ sơ Pandora không nằm trong kế hoạch này. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Rò rỉ hồ sơ tài chính và chuyện trốn thuế, rửa tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO