Phương Tây 'hụt hơi' và cạn 'vũ khí' đối đầu Nga?

Doanh Doanh| 01/07/2022 02:37

G7 và các đồng minh muốn tăng sức ép lên Nga bằng loạt trừng phạt quyết liệt hơn, song dường như đã cạn 'vũ khí' và 'hụt hơi' khi đối đầu với nước này, Wall Street Journal bình luận.

Tuần cuối cùng của tháng 6/2022 chứng kiến 2 cuộc họp quan trọng của Nhóm các nền kinh tế phát triển nhất (G7) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Không ngoài dự báo, nội dung của chúng đều xoay quanh việc phương Tây tìm cách "xốc lại" đoàn kết trong cuộc đối đầu toàn diện với Nga, khi Moskva không tỏ ra yếu thế và lùi bước trước loạt trừng phạt chưa từng có từ Washington cùng đồng minh.

Sau 3 ngày, G7 khép lại hội nghị bằng 1 tuyên bố chung, thống nhất nhiều vấn đề quan trọng, trong đó nhất trí thảo luận về loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga. Tuy nhiên, 2 cuộc họp cũng cho thấy những giới hạn mà phương Tây phải đối mặt khi sử dụng các công cụ kinh tế để gây áp lực lên Moskva.

Lãnh đạo các nước G7 và Liên minh châu Âu (EU) tại Thượng đỉnh khối ở Elmau (Đức) ngày 28/6. (Nguồn: Reuters)

Lãnh đạo G7 và EU tại Hội nghị thượng đỉnh khối ở Elmau (Đức) ngày 28/6/2022. Ảnh: Reuters

'Vũ khí' đến hồi cạn 

Theo tuyên bố chung, G7 sẽ cấm nhập khẩu vàng và nghiên cứu áp giá trần với dầu hỏa cùng khí đốt Nga để hạn chế việc Moskva thu lợi từ giá dầu và khí đốt tăng. Dù vậy, giải pháp này sẽ bất khả thi nếu Nga giảm xuất khẩu dầu và khí đốt sang EU - điều ngược lại có thể gây thiệt hại khôn lường cho khối này.

G7 cũng quyết định tăng viện trợ kinh tế cho Ukraine để hỗ trợ nước này khi phải đối đầu lâu dài với Nga. Bên cạnh đó, NATO sẽ tăng quân số trong lực lượng phản ứng nhanh tại châu Âu từ 40.000 lên 300.000 những năm tới và các thành viên cam kết sẽ góp 2% GDP ngân sách hàng năm cho quốc phòng năm 2024.

Link bài viết

Cần biết rằng, trước thềm cuộc họp lần này của G7 và NATO, các lãnh đạo EU đã họp thượng đỉnh tại Brussels trong 2 ngày 23 và 24/6. Tại đây, EU đã không đưa ra thêm gói trừng phạt mới nào nhắm đến Nga. Thay vào đó, khối đã nhất trí xem xét chặt chẽ, nâng cao hiệu quả thực hiện 6 gói trừng phạt trước.

Tất cả động thái nêu trên cho thấy dường như G7 cùng NATO đã ngầm thừa nhận rằng các gói trừng phạt kinh tế với Nga từ trước đến nay không mấy hữu hiệu, phức tạp trong triển khai cũng như không có tác dụng tức thì, khi chiến sự đã bước sang tháng thứ năm và chưa có dấu hiệu kết thúc.

Ngược lại, sau thời gian áp trừng phạt, các giới hạn mà phương Tây phải đối mặt đã dần bộc lộ và nhiều dấu hiệu rạn nứt từ bên trong đã bắt đầu xuất hiện. Trên thực tế, viện trợ vũ khí từ phương Tây có mang đến tác động tích cực nhất định cho Ukraine trên chiến trường, song những biện pháp trừng phạt kinh tế lại tương đối kém hiệu quả. Một số thậm chí còn phản tác dụng và nhiều biện pháp mới không thể triển khai nhanh chóng do quá phức tạp.

Các biện pháp trừng phạt áp với nền kinh tế, ngành xuất khẩu năng lượng và dự trữ ngoại tệ của ngân hàng trung ương Nga đã khiến thị trường toàn cầu biến động và làm giá năng lượng, lương thực tăng phi mã. Khi lạm phát cao, tăng trưởng đình trệ và rủi ro thiếu năng lượng ở châu Âu vào mùa đông tăng lên, phương Tây sẽ "nhát tay" trong việc tung ra các đòn trừng phạt cứng rắn hơn.

các biện pháp trừng phạt mang tính biểu tượng đang được G7 thảo luận phản ánh một thực tế là phương Tây muốn gây áp lực lên Nga về kinh tế hơn là quân sự.

Các biện pháp trừng phạt mang tính biểu tượng đang được G7 thảo luận phản ánh một thực tế là phương Tây muốn gây áp lực lên Nga về kinh tế hơn là quân sự.

'Hụt hơi' trước khi có thể trừng phạt

Khi phần lớn "kho vũ khí" có sẵn để trừng phạt Nga đều đã cạn, họ sẽ chỉ còn lại các lựa chọn phức tạp, khó triển khai. Theo một số quan chức và chuyên gia phương Tây, bất kỳ biện pháp nào được nêu trong tuyên bố chung của G7 đều mất rất nhiều thời gian để soạn thảo cũng như thực hiện.

Theo tuyên bố chung, G7 sẽ "xem xét một loạt phương án, như những lựa chọn để có thể cấm tất cả các dịch vụ giúp vận chuyển dầu thô và sản phẩm dầu mỏ của Nga trên toàn cầu". "Chúng tôi giao cho các bộ trưởng tiếp tục thảo luận khẩn cấp những biện pháp này, tham khảo ý kiến từ các nước thứ ba và các bên liên quan chính trong khu vực tư nhân, cũng như những nhà cung cấp để tìm giải pháp thay thế cho hydrocarbon của Nga", thông cáo viết.

Đề cập đến đề xuất của Mỹ về việc áp giá trần dầu Nga, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói: "Đây là một cam kết rất tham vọng, cần thêm nhiều thời gian cũng như nỗ lực". Ông đồng thời cảnh báo không có giải pháp thay thế nào khác hơn là tiếp tục đối đầu với Nga.

Link bài viết

Bình luận về việc G7 không thể thông qua những phương án chi tiết mới, John Lough - chuyên gia từ viện nghiên cứu Chatham House (Anh) cho rằng đây là bằng chứng cho thấy các lệnh trừng phạt hiện đã vượt quá ngưỡng chịu đựng của phương Tây. 

"Chúng ta đã sử dụng hết các lựa chọn ban đầu để gây áp lực lên nền kinh tế Nga và lãnh đạo phương Tây đang nhận ra rằng họ có thể phải trả giá cho vòng trừng phạt tiếp theo", ông nói.

Theo John E. Smith - đối tác tại Công ty luật Morrison & Foerster, cựu lãnh đạo Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ, các thành viên G7 và đối tác phải ấn định một chiến lược nhất quán cho kịch bản cuộc đối đầu kinh tế với Nga tiếp tục kéo dài, cũng như cảnh báo người dân về những hậu quả tiềm ẩn, như kịch bản phân phối khí đốt theo định mức tại những nước vẫn phụ thuộc nhiều vào năng lượng Nga.

"Nga đặt cược rằng họ sẽ chịu đựng được tổn hại kinh tế cao hơn mức mà Mỹ và châu Âu sẵn sàng chịu đựng", Smith lưu ý. Điểm yếu của các lệnh trừng phạt với dầu khí Nga là chúng chỉ phát huy tác dụng tối đa nếu hầu hết nền kinh tế thế giới cùng tham gia. Tuy nhiên, kế hoạch trừng phạt xuất khẩu dầu Nga của phương Tây đã bị Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác từ chối, bởi vẫn muốn có thêm nguồn cung dầu giá rẻ. Thế nên, phương Tây sẽ 'hụt hơi' trước khi có thể thực sự trừng phạt được Nga.

Trên thực tế, để tăng sự đồng thuận trong việc đối đầu với Nga, Đức đã mời lãnh đạo các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Indonesia, Nam Phi, Senegal và Argentina tham dự hội nghị của G7. Tuy nhiên, các khách mời tỏ ra không sẵn lòng cùng tăng áp lực trừng phạt Nga, theo nguồn tin của Wall Street Journal.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nói với người đồng cấp Đức rằng chiến sự ở Ukraine đã gây tổn hại cho nền kinh tế của các nước đang phát triển trên thế giới, nhưng Ấn Độ không thể tham gia bất kỳ nỗ lực nào chống lại Nga. Hai lãnh đạo gặp nhau chiều 27/6, khi chính phủ Ấn Độ công khai bảo vệ hoạt động mua dầu từ Nga.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz gặp mặt ngày 27/6 bên lề hội nghị thượng đỉnh G7. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz gặp mặt ngày 27/6 bên lề hội nghị thượng đỉnh G7. Ảnh: Reuters.

Theo Gustav Gressel - thành viên cấp cao của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, các biện pháp trừng phạt mang tính biểu tượng đang được G7 thảo luận phản ánh một thực tế là phương Tây muốn gây áp lực lên Nga về kinh tế hơn là quân sự. "Nhưng Nga vẫn sẽ tiếp tục chiến dịch của mình ở Ukraine, trừ khi bị đánh bại về mặt quân sự", ông nhận xét.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phương Tây 'hụt hơi' và cạn 'vũ khí' đối đầu Nga?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO