Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine

Bảo Quân| 24/02/2022 00:30

Tổng thống Nga Putin vừa tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Donbass và kêu gọi quân đội Ukraine trong khu vực hạ vũ khí. Trong khi đó, Mỹ cáo buộc Nga - Trung Quốc đang phối hợp để tạo ra trật tự thế giới mới "phi tự do".

Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine

Nga chiếm ưu thế áp đảo so với Nga về tiềm lực quân sự. Ảnh: Skynews

"Tôi đã đưa ra quyết định mở một chiến dịch quân sự", Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố trong bài phát biểu bất ngờ trên truyền hình lúc 6g00 (10g00 theo giờ Hà Nội).

"Tình thế khiến chúng tôi phải đưa ra những hành động và quyết định ngay lập tức. Cộng hòa Nhân dân Donbass (DPR) đã yêu cầu Nga hỗ trợ... Về vấn đề này, phù hợp với Điều 51, Phần 7 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, lệnh trừng phạt từ Hội đồng Liên bang Nga và theo các hiệp ước hữu nghị, tương trợ với DPR và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) đã được quốc hội phê chuẩn, tôi quyết định tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt", ông Putin nói.

Ông Putin đồng thời kêu gọi quân đội Ukraine tại Donbass hạ vũ khí, tuyên bố không dung thứ "mối đe dọa từ Ukraine" và sẽ đáp trả những ai can thiệp chiến dịch quân sự của Nga tại khu vực này. Tổng thống Nga nhấn mạnh các lực lượng nước này không có kế hoạch chiếm đóng Ukraine, nhưng sẽ tự vệ nếu đó là lựa chọn duy nhất.

Trước đó, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia ngày 23/2/2022 đã tuyên bố sẽ không dung thứ những vi phạm lệnh ngừng bắn ở Donetsk, Lugansk và cảnh báo Ukraine không thực hiện bất kỳ cuộc phiêu lưu quân sự nào. 

Link bài viết

"Chúng tôi cảnh báo các ông rằng trong điều kiện Các lực lượng Vũ trang Nga giám sát lệnh ngừng bắn theo yêu cầu của Donetsk và Lugansk, những người vi phạm sẽ không được khoan thứ", ông Nebenzia nói.

Đại sứ Nga nhấn mạnh rằng bất kỳ "cuộc phiêu lưu quân sự" mới nào của Ukraine trong khu vực đều có thể khiến chính phủ ở Kiev phải trả giá.

Về phía Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky nói Moskva đã điều động gần 200.000 quân ở biên giới với nước này và chiến tranh có thể xảy ra "bất kỳ lúc nào". Trong bài phát biểu trên truyền hình, ông Zelensky nói Nga "có thể sắp bắt đầu một cuộc chiến lớn ở châu Âu" và gửi thông điệp tới người dân Nga rằng kịch bản này có thể xảy ra hay không "phụ thuộc vào các bạn", qua đó kêu gọi người Nga lên tiếng phản đối.

"Người dân Ukraine muốn hòa bình. Chính phủ Ukraine muốn hòa bình và đang tìm mọi cách có thể để xây dựng nó", ông Zelensky nói.

Cũng trong bài phát biểu hôm 24/2, Tổng thống Zelensky chia sẻ đã cố gắng kết nối cuộc gọi với Tổng thống Putin nhưng không thành công. "Tôi đã gọi cho Tổng thống Nga. Nhưng kết quả chỉ là sự im lặng", ông Zelensky nói.

Được biết, vài giờ trước khi ông Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở khu vực Donbass, Ukraine đã phát thông báo hạn chế các chuyến bay dân sự trong không phận do "mối nguy hiểm tiềm tàng". Giới chức Ukraine cho biết lệnh hạn chế sử dụng không phận sẽ có hiệu lực đến 23g59 ngày 24/2, trừ khi được gia hạn.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trên truyền hình hôm 22/2. Ảnh: AFP.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trên truyền hình hôm 22/2. Ảnh: AFP.

Trong một diễn biến khác, Mỹ cáo buộc Nga và Trung Quốc đang phối hợp để tạo ra trật tự thế giới mới "phi tự do". "Chúng tôi cho rằng Nga và Trung Quốc muốn tạo ra một trật tự thế giới. Nhưng đây là trật tự đã và sẽ phi tự do, trái ngược với trật tự mà các nước trên thế giới xây dựng trong 7 thập niên qua", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết hôm 23/2.

Vị phát ngôn viên kêu gọi Trung Quốc thực hiện nghĩa vụ thúc giục ông Putin giảm leo thang căng thẳng trong khủng hoảng Ukraine. "Bạn sẽ phải hỏi Trung Quốc xem liệu họ có sử dụng ảnh hưởng đáng kể của mình với Nga để làm điều đó hay không", ông Price nói.

Vùng Donabass, gồm 2 tỉnh Donetsk và Lugansk, đã trở thành điểm nóng giao tranh từ năm 2014, khiến hơn 14.000 người thiệt mạng, sau khi người dân ở đây đòi tăng quyền tự trị bất thành và tổ chức phong trào phản kháng vũ trang. Ông Putin hôm 21/2/2022 đã ký sắc lệnh công nhận độc lập đối với hai khu vực này. 

Sau động thái trên của Nga, Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu, Canada, Nhật Bản và Australia đã công bố lệnh trừng phạt nước này. Và, hậu quả kinh tế từ cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine sẽ gây ảnh hưởng đến nền kinh tế lẫn ví tiền của nhiều người dân trên thế giới.

Trong kịch bản Nga tấn công Ukraine, thị trường thế giới sẽ nhiễu loạn với làn sóng bán tháo cổ phiếu, khi các nhà đầu tư đối mặt với khả năng xảy ra cú sốc dầu mỏ, lạm phát cao hơn và một chế độ trừng phạt khó hiểu. Do đó, một cuộc tấn công vào Ukraine sẽ có tác động kép – làm chậm lại hoạt động kinh tế và khiến giá cả tăng vọt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO