Gây chiến thương mại khắp nơi, rốt cuộc chính quyền Trump muốn gì?

18/06/2019 03:00

Gây chiến thương mại với hàng loạt nền kinh tế trên thế giới trong thời gian qua, chính quyền Tổng thống Donald Trump mong muốn đạt được nhiều thứ hơn đơn thuần cắt giảm thâm hụt thương mại.

Gây chiến thương mại khắp nơi, rốt cuộc chính quyền Trump muốn gì?

Thương mại không phải mục đích duy nhất của chính quyền tổng thống Trump đằng sau những biện pháp thuế quan gần đây.

Thương mại không phải mục đích duy nhất của chính quyền tổng thống Trump đằng sau những biện pháp thuế quan gần đây.

Thương mại không phải mục đích duy nhất của chính quyền Trump đằng sau những biện pháp thuế quan gần đây

Giữa lúc những leo thang trong căng thẳng thương mại với Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Tổng thống Trump lại tiếp tục mở thêm nhiều “mặt trận mới”, khi trực tiếp hoặc gián tiếp gây chiến thương mại với hàng loạt nền kinh tế khác nhau (bao gồm cả Liên minh châu Âu - EU với 28 thành viên).

Cụ thể, Ấn Độ lẫn Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với việc chấm dứt ưu tiên thương mại từ Mỹ; đồng nghĩa, Washington sẽ áp thuế lên 5,6 tỷ USD hàng hóa Ấn Độ và 1,66 tỷ USD hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ. 

Bên cạnh đó, Mỹ cũng cảnh báo có thể áp dụng lệnh trừng phạt theo Đạo luật Chống các Đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA) với toàn bộ đồng minh tại châu Âu, nếu EU tiếp tục giao dịch dầu mỏ với Iran. Ngoài ra, Cuba cũng được Mỹ đưa vào tầm ngắm cấm vận, chủ yếu ở lĩnh vực du lịch; do Washington ủng hộ phe đối lập của thủ lĩnh Juan Guaidó tại Venezuela, trong khi Havana ủng hộ chính quyền Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro.

Trước đó, lấy lý do ngăn chặn làn sóng nhập cư trái phép vào Mỹ thông qua biên giới phía Nam, Washington đã dọa sẽ nâng mức thuế nhập khẩu áp trên tất cả hàng hóa Mexico lên 5%, và chỉ hoãn lại kế hoạch này khi hai bên đạt được một thỏa thuận vào ngày 7/6/2019.

Giới quan sát cho rằng, các động thái trên lần nữa chứng minh ông Trump sẵn sàng dùng thương mại như một công cụ giải quyết vấn đề trong mọi tình huống, miễn sao thỏa mãn mục tiêu. Đây đồng thời là tín hiệu với các đối tác của Mỹ, rằng những lời dọa nạt và xung đột trong thương mại toàn cầu sẽ trở nên hết sức bình thường, chí ít khi ông còn tại nhiệm.

Link bài viết

Đằng sau thương mại là chính trị quốc tế

“Người đàn ông thuế quan” - biệt danh ông Trump tự đặt cho mình - lập luận, khi thâm hụt thương mại của Mỹ với quốc gia nào đó lớn hơn 100 tỷ USD, Washington đơn giản chỉ cần đánh thuế cao lên để ngăn chặn là được. Bằng cách đó, doanh nghiệp trong nước sẽ ít phải cạnh tranh hơn, và có thể mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc làm. Thế nhưng, cuộc đối đầu giữa Mỹ và các nền kinh tế khác thực chất lại tiềm ẩn nhiều mục đích khác.

Zhang Lin – một nhà bình luận kinh tế, chính trị độc lập tại Bắc Kinh - cho biết, dù thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được truyền thông nhắc đến nhiều nhất, song với cả hai, điều này lại không mang nhiều ý nghĩa.

Về phía Trung Quốc, vai trò của xuất khẩu ròng đối với phát triển kinh tế đã trở nên tiêu cực từ năm 2008. Ở chiều ngược lại, thâm hụt thương mại là điều Mỹ không thể tránh khỏi, khi tiêu thụ đến 30% sản phẩm của thế giới, song chỉ sản xuất 13%. Do đó, cả Washington lẫn Bắc Kinh đều biết rõ, xung đột thương mại không đơn thuần dựa trên lợi ích kinh tế. 

Có thể thấy điều này rõ hơn qua việc Mỹ từng nhiều lần buộc Ấn Độ lựa chọn, hoặc từ bỏ thương vụ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, hoặc đối diện với lệnh trừng phạt theo CAATSA. 

Còn với Thổ Nhĩ Kỳ, hậu quả của việc lựa chọn S-400 sẽ là cấm vận và bị gạt tên khỏi chương trình sản xuất máy bay chiến đấu F-35. Đây không phải chiến tranh thương mại, mà là sử dụng các biện pháp kinh tế để phục vụ cho mục tiêu đối ngoại của Mỹ.

Hơn nữa, trong bối cảnh cả Mỹ lẫn Trung Quốc dường như đang rơi vào chiếc “bẫy Thucydides” - khái niệm đặt theo tên vị sử gia đã ghi lại nỗi sợ về một cuộc chiến không thể tránh khỏi giữa Sparta (thế lực đang thống trị) và Athens (thế lực đang lên), nhiều ý kiến cho rằng, mục đích thực sự của Mỹ là muốn ngăn chặn đà phát triển cũng như sự gia tăng sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới.

Đặt trong bối cảnh một nước Mỹ đang vật lộn để giữ lấy vị trí dẫn đầu trước những thách thức của một thế giới đa cực và biến đổi nhanh chóng do toàn cầu hóa như hiện nay, dễ hiểu được động cơ đằng sau các hành động gần đây của Mỹ.

Trung Quốc được Mỹ xem là “đối thủ” cạnh tranh chiến lược, cần phải bị kìm hãm trên mọi phòng tuyến.

Trung Quốc được Mỹ xem là “đối thủ” cạnh tranh chiến lược, cần phải bị kìm hãm trên mọi phòng tuyến

Trong tài liệu Chiến lược An ninh Quốc gia công bố cuối năm 2017, chính quyền Trump đã gọi Trung Quốc (cùng Nga) là cường quốc đang tìm cách định hình trật tự thế giới theo hướng ngược lại với những quy tắc, giá trị quốc tế và xem nước này là một “đối thủ” cạnh tranh chiến lược, cần phải bị kìm hãm trên mọi phòng tuyến.

Thực chất, cái mà Mỹ quan tâm là vị trí số một của mình. Kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Mỹ luôn để ý ai sẽ thách thức vị trí của mình, dù là về quân sự, kinh tế hay tầm ảnh hưởng. Theo thời gian, đó là Liên Xô, Đức, Nhật Bản và nay là Trung Quốc.

... Và chính trị nội bộ cùng đàm phán song phương

Ngoài ra, cần nhớ rằng, sở dĩ ông Trump nhận được nhiều sự ủng hộ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng là vì đã đánh trúng vào khao khát quay trở lại thời kỳ hoàng kim của các thành phố công nghiệp nặng đang sa sút và của những người Mỹ da trắng muốn làm chủ quê hương mình. Thế nên, không có gì lạ khi Tổng thống Mỹ đánh thuế lên hàng nhập khẩu để hiện thực hóa lời hứa “Make America great again”. 

Theo khảo sát từ CNN, có tới 54% người Mỹ tin rằng, ông Trump sẽ tái đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 - cao hơn cả tỷ lệ dự đoán cựu Tổng thống Barack Obama tái đắc cử năm 2011, và 7/10 người được hỏi cho rằng kinh tế Mỹ đang rất tốt. Do đó, có thể xem các biện pháp thương mại của ông đã phát huy hiệu quả rất tốt.

Cuối cùng, còn một mục đích nữa đằng sau những động thái thương mại gần đây của Mỹ. Hàng rào thuế quan có thể là một trong những chiêu bài của chính quyền Trump để đi đến tái đàm phán các thỏa thuận thương mại song phương.

Bằng cách nghiêm trọng hóa vấn đề, đẩy căng thẳng lên cao để tạo vị thế, như chỉ trích NAFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ) là thảm họa, hành vi áp thuế theo kiểu bảo hộ có thể là một trong những bước đi chuẩn bị cho sau này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gây chiến thương mại khắp nơi, rốt cuộc chính quyền Trump muốn gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO