Cục diện Kherson tác động tới chiến dịch quân sự Nga

Thanh Tâm| 14/11/2022 03:00

Quân đội Ukraine tiến vào thành phố Kherson được coi là bước lùi lớn nhất của Nga sau hơn 8 tháng mở chiến dịch quân sự.

Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 11/11 thông báo đặc nhiệm Ukraine đã tiến vào Kherson, mở đường cho các đơn vị khác tiếp quản thành phố. Ông ca ngợi đây là "ngày lịch sử" đối với Ukraine. Kherson là thủ phủ tỉnh duy nhất của Ukraine mà lực lượng Nga giành được kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ngày 24/2.

Dù Nga vẫn kiểm soát phần lớn tỉnh Kherson rộng lớn, nơi góp phần tạo thành "hành lang trên bộ" kéo dài từ biên giới phía tây Nga tới bán đảo Crimea, việc để mất thành phố Kherson được cho là đòn giáng mạnh đối với Moskva, đặc biệt sau tuyên bố Nga sẽ ở lại Kherson "mãi mãi".

Những người có quan điểm cứng rắn ở Nga, trong đó có một số nhà bình luận quân sự ủng hộ Điện Kremlin, đã gọi quyết định rút quân khỏi thành phố Kherson là "sự phản bội" và "ngày đen đủi". Kherson, cùng với Luhansk, Donetsk và Zaporizhzhia, đã được ghi vào hiến pháp Nga là một phần lãnh thổ nước này, sau tuyên bố sáp nhập hồi tháng 9.

"Tôi nghĩ điều này sẽ khiến tình hình đất nước trở nên rất phức tạp. Đó là mất mát nghiêm trọng", một doanh nhân lớn ở Nga chia sẻ. "Đó là một đòn giáng mạnh đối với hình ảnh của Tổng thống Vladimir Putin".

Xe thiết giáp của quân đội Ukraine tại làng Blahodatne, ngoại ô Kherson hôm 11/11. Ảnh: Reuters.

Xe thiết giáp của quân đội Ukraine tại làng Blahodatne, ngoại ô Kherson hôm 11/11. Ảnh: Reuters.

Cuộc rút quân khỏi thành phố Kherson là sự kiện mới nhất trong hàng loạt bước lùi của quân đội Nga ở Ukraine, sau chiến dịch phản công chớp nhoáng được Kiev phát động từ hồi tháng 9. Những tổn thất lãnh thổ ở Kharkov đã khiến ông Putin phải tuyên bố lệnh động viên một phần, gây ra xáo trộn lớn ở Nga.

Theo giới phân tích, nhiều người dân Nga cho rằng những thất bại liên tiếp gần đây là do các quan chức quân sự không đủ năng lực. Một số người trong giới tinh hoa Nga thì cho rằng nước này đang hứng chịu tổn thất trong một cuộc chiến không cần thiết.

Tổng thống Putin không có mặt trong buổi đối thoại trên kênh truyền hình quốc gia Russia 24 hôm 9/11, trong đó Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và chỉ huy quân đội Nga ở Ukraine Sergei Surovikin thông báo quyết định từ bỏ Kherson để "cứu tính mạng" các binh sĩ tại đây.

Cựu cố vấn Điện Kremlin Sergei Markov mô tả quyết định rút quân khỏi Kherson là "thất bại địa chính trị lớn nhất của Nga kể từ khi Liên Xô tan rã". "Đây là đòn giáng mạnh vào tâm trạng người dân, cũng như vào quân đội và tinh thần chiến đấu của họ. Đây còn là đòn giáng vào sự tôn trọng đối với Tổng thống Putin và tinh thần lạc quan của nước Nga", Markov nói.

Tuy nhiên, ông Putin dường như không có dấu hiệu thay đổi lộ trình. Ông vẫn kiên định với lập trường Kiev phải chấp nhận các phần lãnh thổ Nga đã sáp nhập. Nhà phân tích chính trị Andrei Kolesnikov của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cho rằng người dân Nga dường như bị thuyết phục với lời giải thích rằng quân đội cần rút khỏi Kherson để cứu mạng các binh sĩ.

Ông thêm rằng nền tảng ủng hộ của ông Putin khá vững chắc. Tỷ lệ ủng hộ giảm từ 83% xuống 77% trong đợt huy động quân hồi tháng 9, nhưng đã tăng lên 79% vào tháng trước. Một quan chức Nga giấu tên cho rằng nếu quyết định rút khỏi Kherson là do ông Putin quyết định, "có hy vọng rằng ông có thể sẵn sàng đàm phán".

Tuy nhiên, quan chức này không cho rằng Tổng thống Putin sẽ chấp nhận các điều kiện của Ukraine để rút hoàn toàn lực lượng về nước, hoặc thậm chí là rút khỏi chiến tuyến, bởi đó sẽ là "đòn giáng chính trị" rất nguy hiểm. Nhưng khi phải liên tiếp phải rút quân, huy động quân không hiệu quả và khó khăn kinh tế ngày càng tăng, Moskva ngày càng cho thấy họ sẵn sàng đàm phán với Kiev, theo Robyn Dixon và Catherine Belton, hai nhà phân tích của Washington Post.

Một doanh nhân Nga khác cho rằng nước này đã mệt mỏi với cuộc chiến và ông Putin đã "sẵn sàng cho một số thỏa thuận", khi nhận ra chiến thắng quân sự mang tính quyết định là không thể. Tuy nhiên, Tatiana Stanovaya, người sáng lập công ty phân tích chính trị R. Politik ở Nga, có quan điểm khác khi cho rằng ông Putin vẫn tin rằng Ukraine sẽ đánh mất sự ủng hộ của phương Tây vào năm tới, buộc Kiev phải chấp nhận các điều khoản mà ông đưa ra.

Stanovaya nói ông Putin chỉ muốn câu giờ cho đến khi ủng hộ của phương Tây với Ukraine phai nhạt. Bà thêm rằng lãnh đạo Nga không mong đợi Moskva giành chiến thắng nhờ các biện pháp quân sự, nhưng tin rằng Ukraine cuối cùng sẽ sụp đổ.

Cục diện chiến trường sau khi Ukraine tái kiểm soát thành phố Kherson. Đồ họa: WP.

Cục diện chiến trường sau khi Ukraine tái kiểm soát thành phố Kherson. Đồ họa: WP.

Việc quân đội Ukraine giành được thành phố Kherson làm dấy lên nhiều suy đoán về việc họ có thể tiến thêm bao xa trước mùa đông, sau khi đã đạt một số thành tựu trong chiến dịch phản công ở miền đông. Chuyên gia Markov tin rằng ông Putin sẽ cố giữ các vùng lãnh thổ đã sáp nhập khi quân đội Nga được củng cố bằng lực lượng dự bị trong những tháng tới. Nhưng không rõ liệu Nga có đủ vũ khí cần thiết để trang bị cho khoảng 300.000 quân được huy động theo lệnh động viên hay không.

"Nếu ông ấy nhận ra nền kinh tế Nga không thể cung cấp đủ nguồn lực cho quân đội, ông ấy sẽ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán hòa bình", Markov nói. Ông thêm rằng Tổng thống Putin có thể buộc phải chấp nhận rút khỏi các vị trí mà Nga kiểm soát trước ngày 24/2 ở Lugansk và Donetsk.

"Rút quân về ranh giới trước ngày 24/2 sẽ được coi là mất mát nghiêm trọng của Nga, dù không phải là đầu hàng. Đó là một tình huống rất khó khăn, nhưng hoàn toàn có thể xảy ra", ông nói.

(Theo VnExpress)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cục diện Kherson tác động tới chiến dịch quân sự Nga
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO