5 chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7/2022

HT| 01/07/2022 02:35

Từ tháng 7, nhiều chính sách thiết thực sẽ bắt đầu có hiệu lực như tăng lương tối thiểu vùng; chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử; triển khai cấp hộ chiếu phổ thông có gắn chip...

5 chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7/2022

Chính thức tăng lương tối thiểu vùng 6%

Có hiệu lực từ ngày 1/7/2022, Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, mức lương tối thiểu tháng tăng bình quân 6% (tương ứng tăng 180.000 - 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành. Mức lương thấp nhất làm cơ sở để các bên thỏa thuận và trả lương cho người lao động.

Đây cũng là lần đầu tiên Chính phủ chính thức quy định mức lương tối thiểu giờ làm cơ sở để trả lương cho người lao động làm việc theo giờ. Đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tuần, theo ngày, theo sản phẩm hoặc lương khoán thì mức lương của các hình thức này nếu quy đổi theo tháng hoặc theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc lương tối thiểu giờ.

Hóa đơn điện tử thay hóa đơn giấy

Theo Thông tư 78/2021/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ, từ ngày 1/7/2022, hóa đơn điện tử được áp dụng thay thế hóa đơn giấy. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin đã được khuyến khích áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử trước ngày 1/7/2022.

Riêng trường hợp không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương thức điện tử, không có hạ tầng công nghệ thông tin, không có hệ thống phần mềm kế toán, không có phần mềm lập hóa đơn điện tử để sử dụng hóa đơn điện tử và để truyền dữ liệu điện tử đến người mua, đến cơ quan thuế thì sử dụng hóa đơn giấy của cơ quan thuế trong thời gian tối đa 12 tháng. Cơ quan thuế có giải pháp chuyển đổi dần sang áp dụng hóa đơn điện tử.

Link bài viết

Cấp hộ chiếu phổ thông gắn chip

Bộ Công an bắt đầu cấp hộ chiếu mẫu mới từ ngày 1/7/2022 theo Thông tư số 73 về mẫu hộ chiếu, giấy thông hành. Trang bìa in quốc hiệu, quốc huy, tên hộ chiếu. Hộ chiếu gắn chip được in thêm biểu tượng chip điện tử, gắn trong bìa sau. Thông tư quy định hộ chiếu ngoại giao có trang bìa màu nâu đỏ; loại công vụ trang bìa màu xanh lá cây đậm; loại phổ thông có màu xanh tím. Người có nhu cầu cấp hộ chiếu phổ thông hoặc loại gắn chip có thể đến phòng quản lý xuất nhập cảnh của công an cấp tỉnh nơi thường trú hoặc nơi tạm trú để giải quyết.

Khi người dân đi làm thủ tục cần chuẩn bị ảnh chân dung, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân và giấy tờ chứng minh thường trú, tạm trú. Lệ phí cấp mới hộ chiếu là 200.000 đồng; cấp lại do hư hỏng hoặc mất là 400.000 đồng. Hộ chiếu, giấy thông hành đã được cấp trước ngày 1/1/2022 có giá trị sử dụng đến hết thời hạn. Công dân từ đủ 14 tuổi có quyền được làm hộ chiếu phổ thông hoặc loại gắn chip điện tử. Hộ chiếu có giá trị sử dụng trong 10 năm.

Dừng hỗ trợ mức đóng vào quỹ tai nạn lao động

Tại Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2021, Chính phủ cho phép người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022).

Đến ngày 1/7/2022, chính sách hỗ trợ này kết thúc, doanh nghiệp phải tiến hành đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo mức cũ. Cụ thể, theo Điều 4 Nghị định 58/2020/NĐ-CP, mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ ngày 1/7/2022 được xác định: doanh nghiệp đủ điều kiện được đóng với mức 0,3%, doanh nghiệp còn lại đóng 0,5%. 

Điều chỉnh quy định về báo cáo tình hình thay đổi lao động định kỳ

Ngày 25/5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, trong đó có sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến báo cáo định kỳ tình hình thay đổi lao động tại Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Theo đó việc báo cáo tình hình thay đổi lao động vẫn được doanh nghiệp thực hiện định kỳ 6 tháng và hằng năm, gửi đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và thông báo đến cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.

Nhưng Nghị định 35 còn bổ sung thêm quy định đối với việc báo cáo tình hình thay đổi lao động trong khu công nghiệp, khu kinh tế. Cụ thể Khoản 1 Điều 73 Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định, đối với người sử dụng lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế thì người sử dụng lao động phải báo cáo tình hình thay đổi lao động đến ba cơ quan gồm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện; ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế để theo dõi. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 15/7/2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
5 chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7/2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO