5 chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7/2020

HT| 01/07/2020 09:43

Tăng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân lên 11 triệu đồng/tháng; có căn cước công dân sẽ được cấp hộ chiếu ở bất cứ đâu; chính thức bỏ chế độ biên chế suốt đời với viên chức...

5 chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7/2020

Tăng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020. Cụ thể, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân như sau: mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Như vậy, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế tăng 2 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc tăng 0,8 triệu đồng/tháng so với quy định cũ. Các trường hợp đã tạm nộp thuế theo mức giảm trừ gia cảnh được xác định tại khoản 1 điều 19 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (sửa đổi năm 2012) được xác định lại số thuế thu nhập cá nhân phải nộp theo mức giảm trừ gia cảnh quy định tại Nghị quyết này khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2020.

Bỏ chế độ biên chế suốt đời với viên chức

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Theo đó, vẫn giữ nguyên hai loại hợp đồng làm việc là không xác định thời hạn và xác định thời hạn. Tuy nhiên, hợp đồng không xác định thời hạn hay "chế độ biên chế suốt đời" chỉ còn được áp dụng với ba trường hợp: viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2020; cán bộ, công chức chuyển thành viên chức; người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đồng thời, đối với những viên chức mới trúng tuyển từ ngày 1/7/2020 đều phải ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn với khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng. Việc sửa đổi, bổ sung quy định này hoàn toàn phù hợp với tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW về công tác cán bộ. Tại Nghị quyết này, Bộ Chính trị nhấn mạnh sẽ tiến tới xóa bỏ hoàn toàn chế độ biên chế suốt đời với viên chức.

Chỉ ba trường hợp được điều chỉnh biên chế công chức

Theo Nghị định 62/2020/NĐ-CP của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức, có hiệu lực từ ngày 20/7/2020. Theo đó, việc điều chỉnh biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức chỉ được xem xét trong ba trường hợp: cơ quan, tổ chức thay đổi vị trí việc làm và khối lượng công việc của từng vị trí việc làm; thực tế việc sử dụng biên chế công chức được giao... Thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan, tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện.

Công dân Việt Nam được cấp hộ chiếu ở bất cứ đâu trong nước

Khoản 3 điều 15 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 nêu rõ, người có thẻ căn cước công dân (CCCD) đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu thực hiện tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi thuận lợi. Như vậy, kể từ ngày 1/7/2020, người có thẻ CCCD đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu được lựa chọn nơi cấp hộ chiếu ở bất cứ đâu trong nước, sao cho thuận lợi thay vì phải thực hiện ở nơi thường trú hoặc nơi tạm trú như hiện nay.

Thay đổi cách tính lương của giáo viên

Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Luật quy định: “Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ”. Như vậy, theo luật mới thì giáo viên sẽ không còn được hưởng phụ cấp thâm niên như quy định trước. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng vừa ban hành 4 dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên các bậc từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT công lập.

Bậc lương mới của giáo viên sẽ gắn với trình độ đào tạo theo hệ thống thang bậc lương chung nhưng có phụ cấp ưu đãi nghề. Bảng lương làm việc trả theo vị trí việc làm và theo tính chất phức tạp của nghề nghiệp. Ngành giáo dục không có bảng lương riêng so với các ngành nghề khác, nhưng định vị các bậc lương theo thực tiễn trình độ đào tạo đã được nâng lên theo chuẩn yêu cầu. Đây cũng là căn cứ để khởi đầu cho bậc lương ở bậc mầm non, tiểu học, THCS.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
5 chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7/2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO