Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, ông Nguyễn Dương Thái, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết: Thực hiện CPTPP, quan điểm của ngành Hải quan là tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan. Tiếp tục triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác hải quan, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với Hiệp định CPTPP, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ ban hành Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định CPTPP giai đoạn 2019-2022. Tổng cục Hải quan đang hoàn thiện và trình Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2018/TT-BTC về Kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa, trong đó có quy định cụ thể về kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định CPTPP (dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2019).
Khi thực hiện hiệp định này, từ góc độ hải quan, ông Nguyễn Dương Thái cho rằng, có một số vấn đề đáng chú ý như sau:
Thứ nhất, loại bỏ và cắt giảm thuế quan mạnh mẽ. Theo Hiệp định, các nước CPTPP cam kết xóa bỏ từ 97% đến 100% các dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam đáp ứng quy tắc xuất xứ theo quy định của CPTPP (tùy theo cam kết của từng nước). Điều đó có nghĩa là hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào các nước thành viên sẽ được miễn, giảm thuế tương ứng cam kết. Ngược lại, Việt Nam cũng cam kết loại bỏ thuế quan lên 86,5% các dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước thành viên trong vòng 3 năm, tuy nhiên vẫn duy trì hạn ngạch thuế quan đối với một số mặt hàng như đường, trứng, muối và ô tô đã qua sử dụng.
Thứ hai, quy tắc xuất xứ tiên tiến. CPTPP được thừa hưởng các quy tắc xuất xứ và thủ tục xuất xứ tiên tiến từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương(TPP). Cụ thể là các quy tắc xuất xứ CPTPP khuyến khích sự hội nhập sản xuất của các quốc gia thành viên và thúc đẩy hình thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh giữa các quốc gia thành viên.
Thứ ba, thủ tục chứng nhận xuất xứ được đơn giản hóa. Lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào một Hiệp định thương mại tự do mà xuất xứ hàng hóa có thể được nhà sản xuất, nhà xuất khẩu hoặc nhà nhập khẩu tự chứng nhận.
Theo truyền thống, Giấy chứng nhận xuất xứ phải được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu hoặc nước sản xuất ra hàng hóa. Với CPTPP có cách tiếp cận đơn giản hơn, trong đó các nhà nhập khẩu được phép chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa mà họ nhập khẩu trên cơ sở thông tin hàng hóa do nhà sản xuất hoặc xuất khẩu cung cấp. Tuy nhiên, chứng nhận xuất xứ của nhà nhập khẩu sẽ không được áp dụng cho hàng nhập khẩu vào Việt Nam tối đa 5 năm sau khi CPTPP có hiệu lực.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đã trao đổi xung quanh nội dung về chính sách thuế và thủ tục hải quan, quy tắc xuất xứ hàng hóa trong CPTPP. Trong đó:
Ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế- Bộ Tài chính cho biết: Cam kết của Việt Nam về thuế NK trong CPTPP đó là xóa bỏ gần 100% số dòng thuế theo lộ trình 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực (năm 2021); 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực (năm 2029); Các mặt hàng còn lại cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình xóa bỏ thuế tối đa vào năm thứ 16 hoặc theo hạn ngạch thuế quan.
Cùng với đó, xóa bỏ thuế xuất khẩu đối với phần lớn các mặt hàng hiện đang áp dụng thuế xuất khẩu, lộ trình từ 5-15 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực. Tuy nhiên, một số nhóm mặt hàng quan trọng (khoảng 70 mặt hàng), như: than đá, than non, dầu thô, vàng, một số loại quặng, khoáng sản; nông sản gồm nhóm 12.11 cây và các bộ phận của cây dùng để chế biến dược phẩm, nước hoa (rễ nhân sâm, rễ cam thảo, trầm hương, kỳ nam ...) được tiếp tục duy trì thuế xuất khẩu.
Để triển khai thực hiện cam kết về thuế XK, thuế NK của Việt Nam theo Hiệp định CPTPP, Bộ Tài chính xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định về biểu thuế XK, biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam theo từng giai đoạn, trước mắt là cho giai đoạn từ ngày 14/1/2019 đến hết ngày 31/12/2022.
Ông Lương Hoàng Thái- Vụ trưởng Vụ thương mại đa biên- Bộ Công Thương đặc biệt lưu ý về tự chứng nhận xuất xứ. Theo cam kết trong CPTPP, người xuất khẩu, người sản xuất và người nhập khẩu được tự chứng nhận xuất xứ.
Đối với Việt Nam: Được áp dụng một số thời gian chuyển đổi. Cụ thể, đối với hàng nhập khẩu: Việt Nam được bảo lưu chỉ áp dụng hình thức nhà nhập khẩu tự chứng nhận xuất xứ sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Đối với hàng xuất khẩu: Việt Nam được linh hoạt áp dụng song song 2 hình thức: (a) cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) theo kiểu truyền thống; và (b) người xuất khẩu đủ điều kiện được tự chứng nhận xuất xứ trong thời gian tối đa 10 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Ông Trần Văn Công- Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường Nông sản- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trao đổi về Cam kết mở cửa thị trường nông sản của các nước thành viên CPTPP và doanh nghiệp cần làm gì để tận dụng cơ hội, thúc đẩy xuất khẩu nông sản.
Theo ông Trần Văn Công, để tận dụng tốt các lợi thế cắt giảm thuế XNK từ CPTPP trong việc thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản, trong thời gian tới cẩn phải tập trung vào nhiều giải pháp. Trong đó, hoàn thiện hành lang pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh phù hợp với cam kết; Triển khai các chương trình hội nhập quốc tế, phát triển xuất khẩu nông lâm thủy sản. Phổ biến cập nhật cam kết mở cửa thị trường nông sản của các thành viên CPTPP đến DN, Hiệp hội ngành hàng, các địa phương; Đẩy mạnh việc xây dựng TCVN, QCVN, thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia, phát triển và nhân rộng việc thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc,...