Chính quyền Mỹ quyết đầu tư khủng vào lĩnh vực chip và chất bán dẫn
Intel sẽ nhận được khoản tài trợ lên tới 8,5 tỷ USD và khoản vay 11 tỷ USD từ Chính phủ Hoa Kỳ, để sản xuất chất bán dẫn tiên tiến trong đợt triển khai vốn lớn nhất theo đạo luật CHIPS.
Tổng thống Joe Biden vừa tới Chandler bang Arizona, địa điểm của một trong những nhà máy mới mà hãng chip chuẩn bị xây, để chính thức công bố quyết định. Ông nói: “Điều này sẽ biến đổi đất nước theo cách mà bạn thậm chí chưa thể hiểu được”.
Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo nói với các phóng viên rằng, đây là khoản tài trợ lớn nhất từ trước tới nay theo đạo luật CHIPS, giúp Intel sản xuất những con chip tiên tiến nhất cho các ngành công nghiệp then chốt. Chất bán dẫn như vậy rất quan trọng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và các hệ thống quốc phòng.
Công ty TSMC của Đài Loan và Samsung của Hàn Quốc, cả hai đều đang đầu tư mạnh vào Hoa Kỳ, dự kiến sẽ nhận được tài trợ từ đạo luật CHIPS. Tuy nhiên, cả hai công ty nhận được số tiền nhỏ hơn Intel.
Theo bà Raimondo, khoản tài trợ cho Intel nhằm giúp đạt được mục tiêu đến cuối thập kỷ này, Hoa Kỳ sẽ sản xuất 20% số chip tiên tiến của thế giới. Mặc dù Hoa Kỳ có thế mạnh công nghệ về chip tiên tiến, nhưng lại dựa vào 1 số nhà máy ở châu Á để đảm bảo nguồn cung. Điều này mang đến những rủi ro cho an ninh quốc gia.
Hoa Kỳ thông qua đạo luật CHIPS năm 2022, dự kiến phân bổ gần 53 tỷ USD để xây dựng lại chuỗi cung ứng trong nước, và đầu tư vào nghiên cứu phát triển trong tương lai. Số này, 39 tỷ USD dành riêng cho các sáng kiến thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn. Khoản tài trợ cho Intel chiếm khoảng 22% tổng lượng tiền.
Bà Raimondo cho biết thêm, nhiều khoản trợ cấp theo đạo luật CHIPS đang được thực hiện, nhưng không đưa ra mốc thời gian cụ thể.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, tổng vốn đầu tư của Intel thời gian tới sẽ khoảng 100 tỷ USD, bao gồm các nhà máy sản xuất chip và đóng gói chip tại 4 bang là Arizona, Ohio, New Mexico và Oregon.
Nhà sản xuất chip này đang gấp rút đưa công nghệ mới nhất của mình – được đặt tên là 18A, hay 18 angstrom – vào dây chuyền trong năm 2025, nhằm giành lại vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực bán dẫn. TSMC và Samsung là những nhà sản xuất chip duy nhất khác, vẫn đang trong cuộc đua sản xuất chip tiên tiến với Intel.
Intel đang ký nhiều hợp đồng sản xuất chip, đặt mục tiêu trở thành công ty số 2 thế giới trong lĩnh vực này sau TSMC vào năm 2030.
Intel từ lâu tập trung sản xuất chip để sử dụng nội bộ, trong khi TSMC chỉ sản xuất chip cho các nhà phát triển như Apple, Nvidia, Amazon và Qualcomm. TSMC và Samsung là hai nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, chiếm hơn 70% thị trường toàn cầu.
TSMC đang xây dựng nhà máy tiên tiến đầu tiên ở Mỹ tại bang Arizona, với khoản đầu tư 40 tỷ USD. Tuy nhiên, sản xuất hàng loạt chip 4 nanomet tại địa điểm này bị hoãn lại đến nửa đầu năm 2025. Nhà máy thứ hai của công ty cũng bị hoãn xây đến cuối năm 2028, để xem xét thêm các khoản trợ cấp của Chính phủ, và nhu cầu của khách hàng.
Samsung đang xây dựng một nhà máy sản xuất chip trị giá 17 tỷ USD ở bang Texas. Một giám đốc điều hành nói với Nikkei Asia rằng, công ty sẽ không cam kết đầu tư mới, trước khi nhận được trợ cấp từ Chính phủ liên bang.
Các nền kinh tế lớn đang chạy đua xây dựng chuỗi cung ứng chip trong nước, nhưng nỗ lực đó không tiến triển đồng đều. Tại Mỹ, ít nhất 5 nhà cung cấp hóa chất - vật liệu cho TSMC và Intel, đang tạm dừng hoặc thu hẹp quy mô xây dựng các cơ sở ở bang Arizona, do chi phí tăng cao.
Tại Nhật Bản, một trong những quốc gia tích cực nhất trong lĩnh vực sản xuất chip, TSMC nhận được khoản trợ cấp 7,99 tỷ USD cho hai nhà máy ở Kumamoto. Samsung và Micron thì nhận được hỗ trợ tài chính tương đương 40% tổng vốn đầu tư ban đầu.
Chính phủ Mỹ cung cấp cho Intel hơn 20% số tiền hỗ trợ trong gói trị giá 39 tỷ USD, là điều hợp lý. Samsung và TSMC đang mang lại những khoản đầu tư chiến lược, quan trọng, có giá trị, nhưng không mang theo hoạt động nghiên cứu phát triển và lực lượng lao động công nghệ cao, để phát triển công nghệ tiên tiến nhất.
Ông Jimmy Goodrich, chuyên gia về chất bán dẫn và cố vấn của tổ chức nghiên cứu Rand Corp
Ông Owen Tedford, nhà nghiên cứu tại Beacon Policy Advisors cho biết, Mỹ có thể ban hành Đạo luật CHIPS thứ hai, có lẽ vào năm 2026, nếu Chính phủ tiếp tục theo đuổi mục tiêu sản xuất 20% số chip tiên tiến của thế giới vào năm 2030. Chính sách công nghiệp này chắc chắn có thể hỗ trợ cho quan điểm “Nước Mỹ trên hết".
Một quan chức Mỹ cấp cao cho biết, Chính phủ đang tiến hành các cuộc đàm phán mang tính xây dựng với nhiều nhà sản xuất chip hàng đầu. Bộ Thương mại cũng nhận được yêu cầu tài trợ hơn 70 tỷ USD.