"Chim đầu đàn" bay xa

Song Tử - Vân Ly| 28/04/2020 01:00

Gần 20 năm thành lập, Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) đầu tiên và lớn nhất cả nước đã trở thành cái "nôi" hình thành các ý tưởng sáng tạo, thu hút nhân tài trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), góp phần xây dựng chuỗi công viên phần mềm mẫu về đô thị xanh, thông minh của quốc gia.

Phát triển thành "chuỗi"

QTSC hiện thu hút được 165 doanh nghiệp CNTT trong đó có 5 doanh nghiệp có quy mô trên 1.000 người với 250 sản phẩm, giải pháp. Được thành lập từ năm 2001, với mô hình công viên phần mềm tập trung, đáp ứng các nhu cầu của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT trong nước và quốc tế. 

Công viên Phần mềm Quang Trung nhìn từ trên cao

Công viên Phần mềm Quang Trung nhìn từ trên cao

Sau đó, với Nghị định 154/2013/NĐ-CP, QTSC có thể mở rộng thêm đối tượng mời gọi đầu tư để thu hút thêm công ty đầu tư vào QTSC, hình thành chuỗi công viên phần mềm tại các địa phương. Từ đó tạo thành một khối liên kết tổng thể với QTSC để các khu mới hình thành không phải xây dựng thương hiệu lại từ đầu và được hưởng các chính sách ưu đãi của khu CNTT tập trung.

Ngày 3/3/2016, Thủ tướng ký quyết định số 333/QĐ-TTg thí điểm thành lập chuỗi QTSC, với hai thành viên ban đầu gồm QTSC và Khu công nghệ Phần mềm Đại học Quốc gia TP.HCM, liên kết với nhau nhằm kế thừa, phát huy thương hiệu QTSC, tạo hạ tầng đồng bộ, thống nhất, nâng cao năng lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp CNTT.

Cuối năm 2019, chuỗi QTSC tiếp tục kết nạp thành viên mới là Trung tâm CNTT Thừa Thiên Huế, và dự kiến trong năm nay, sẽ có thêm Công viên Phần mềm Mekong tại tỉnh Tiền Giang và Khu công nghệ InnoTech tại tỉnh Bến Tre. Hiện QTSC đã chính thức trở thành một "software city" phục vụ cho hơn 21.000 người học tập, làm việc thường xuyên với doanh thu năm 2019 đạt 530 triệu USD.

Link bài viết

Có thể nói thành công của QTSC do xác định hướng đi đúng từ ban đầu, sản xuất phần mềm không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn để xuất khẩu; thu hút nhà đầu tư không chỉ trong nước mà cả nước ngoài. QTSC đã xây dựng các sản phẩm, dịch vụ của mình theo những tiêu chuẩn quốc tế.

Từ nền móng vững chắc

Để có được thành tựu như ngày hôm nay, ở giai đoạn đất nước mới bước vào đổi mới, TP.HCM đã thể hiện tiềm lực, khát khao của một địa phương luôn đi đầu trong tìm kiếm mô hình sáng tạo để thúc đẩy kinh tế phát triển.

Trong những năm cuối thập niên 1990, các lãnh đạo thành phố đã đưa ra chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao, trong đó, xác định 4 ngành kinh tế mũi nhọn là CNTT, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và cơ khí tự động.

Tháng 12/1999, trong một buổi làm việc với Hội Tin học TP.HCM, Bí thư Thành ủy TP.HCM Trương Tấn Sang đã nêu ý kiến chuyển đổi Khu Hội chợ triển lãm Quang Trung (tọa lạc tại phường Tân Chánh Hiệp, quận 12) đang xuống cấp thành một công viên phần mềm. Chỉ nửa năm sau, ngày 7/7/2000, UBND TP.HCM ra quyết định về việc xây dựng QTSC trên hạ tầng của Khu Hội chợ triển lãm Quang Trung. Ngày 15/10/2000, lễ khởi công xây dựng QTSC diễn ra và 5 tháng sau, vào ngày 16/3/2001, QTSC chính thức hoạt động.

Ông Nguyễn Thiện Nhân - nguyên Phó thủ tướng (bên trái) trao Huân chương Lao động hạng Ba cho ông Chu Tiến Dũng - nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV QTSC

Ông Nguyễn Thiện Nhân - nguyên Phó thủ tướng (bên trái) trao Huân chương Lao động hạng Ba cho ông Chu Tiến Dũng - nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV QTSC

Toàn bộ khu QTSC với diện tích 43ha, được quy hoạch và đầu tư thành nhiều khu với các chức năng khác nhau, nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT. Theo ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV QTSC, việc chọn CNTT làm lĩnh vực tạo đột phá cho kinh tế thành phố, cụ thể là xây dựng QTSC ở thời điểm đó, thể hiện một tầm nhìn đúng đắn và có tính chiến lược của lãnh đạo TP.HCM. 

"Đây là quyết định đúng đắn, sáng suốt, quyết đoán của lãnh đạo TP.HCM trong lựa chọn địa điểm, mô hình hoạt động, sau đó là quyết liệt triển khai để QTSC thành hình hài như ngày hôm nay", ông Chu Tiến Dũng nhấn mạnh. 

Mô hình mới

Theo quyết định số 333/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thí điểm thành lập chuỗi QTSC, một công việc chưa có tiền lệ và phù hợp với xu hướng phát triển. Có nghĩa là từ năm 2021, năm có dấu ấn QTSC kỷ niệm 20 năm thành lập, QTSC sẽ phải có bước chuyển mình mới. 

Ông Lâm Nguyễn Hải Long - Giám đốc QTSC cho biết, hiện QTSC đang dần từng bước chuyển từ "software city" thành "science city" trong dài hạn.

Ông Lâm Nguyễn Hải Long - Giám đốc QTSC

Ông Lâm Nguyễn Hải Long - Giám đốc QTSC

Trước đây, do bối cảnh đất nước, người Việt Nam phù hợp với gia công, phát triển phần mềm, nhưng đến bây giờ quy mô bắt đầu khác, nên bắt buộc cần có sự thay đổi.

"Sắp tới Công viên Phần mềm Quang Trung phải có nhiều doanh nghiệp phát triển sản phẩm công nghệ. Nghĩa là sẽ không đơn thuần chỉ làm phần mềm. Công viên Phần mềm Quang Trung phải xuất hiện trên các bài báo, tạp chí có uy tín trên thế giới. 'Science city' sẽ được đo lường bằng hàm lượng patent sáng chế, sở hữu trí tuệ, các công trình nghiên cứu, các sản phẩm mang đậm 'made in Vietnam' chứ không còn đơn thuần là phần mềm như trước đây", ông Lâm Nguyễn Hải Long cho biết thêm.

Cùng với sự nỗ lực không ngừng, sáng tạo không ngừng của những thế hệ lãnh đạo, người lao động tại QTSC, những thành tựu hôm nay của QTSC đã khẳng định sự phát triển, đầu tư đúng hướng của TP.HCM vào lĩnh vực phần mềm nói riêng và CNTT nói chung.

Ông Lê Mạnh Hà - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng: "Nhắc đến dấu ấn phát triển kinh tế tại TP.HCM không thể không nhắc đến sự phát triển mạnh mẽ của QTSC. Nhiều người biết TP.HCM có công nghiệp phần mềm vì họ biết có QTSC. Cũng như vậy, nhiều người biết Việt Nam làm công nghiệp CNTT vì họ biết đến danh tiếng của QTSC". 

Theo ông Hà, QTSC đã nổi tiếng trong cả nước và đã có thương hiệu mang tầm quốc tế. "Ở giai đoạn đó, nếu TP.HCM xây dựng một khu đô thị trên diện tích 40ha đó thì có lẽ chỉ vài nghìn, vài chục nghìn người trong nước biết đến. Nhưng khi chúng ta làm phần mềm, QTSC đã có thương hiệu quốc tế và mọi người biết Việt Nam có công nghiệp phần mềm. Quyết định số 333 ngày 3/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ cho thí điểm thành lập chuỗi công viên phần mềm là quyết định lịch sử đối với ngành CNTT", ông Hà nói. 

"Hình thành chuỗi Công viên Phần mềm Quang Trung là bước thay đổi về chất đối với ngành công nghệ phần mềm. Thương hiệu phần mềm Quang Trung được lan tỏa mạnh mẽ, góp phần đẩy mạnh CNTT của cả nước. Với nền móng vững chắc, QTSC luôn là con chim đầu đàn của cả nước về CNTT và sẽ tiếp tục bay cao, bay xa", ông Hà bổ sung.

Ở giai đoạn đất nước đổi mới, TP.HCM đã thể hiện khát khao trong tìm kiếm mô hình sáng tạo tiên phong để thúc đẩy kinh tế phát triển. CNTT được xác định là một trong những ngành mũi nhọn tạo lực đẩy phát triển kinh tế. Hiện CNTT đóng góp 4,44% sản phẩm nội địa TP.HCM. Năng suất lao động ở lĩnh vực này cao hơn 1,96% so với năng suất lao động chung của TP.HCM. 

Cùng với QTSC, Khu Công nghệ cao (SHTP) tại quận 9, TP.HCM cũng thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, tạo tiền đề cho các địa phương xây dựng mô hình này tại Hà Nội và Đà Nẵng. Năm 2019, SHTP là điểm đến cho 162 nhà đầu tư trong và ngoài nước (Intel, Samsung, Nidec, Nipro...) với tổng vốn đầu tư tương đương 7,9 tỷ USD, riêng vốn FDI là 5,9 tỷ USD. 

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng là địa phương duy nhất của cả nước nghiên cứu sản xuất vi mạch. Chỉ ba năm sau khi thành lập, năm 2008, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC) đã nghiên cứu và công bố chip 8-bit đầu tiên của Việt Nam là SigmaK3. Sau đó là chip VN801 vào năm 2009, gây tiếng vang lớn. 

Năm 2013, TP.HCM đề ra Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP.HCM giai đoạn 2013-2020. Chưa đầy hai năm triển khai, chương trình đã tạo ra sản phẩm chủ lực là chip SG8V1, đây là sản phẩm chip đầu tiên được thương mại hóa, tạo nên dấu ấn của ngành công nghiệp vi mạch quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Chim đầu đàn" bay xa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO