Không chỉ mô tả thực tế nghiệt ngã của nghề Y, Chạy trời không khỏi đau còn là tiếng lòng và tình yêu của những ai chọn việc cứu chữa cho con người làm nghề nghiệp. Bằng lăng kính của người trong cuộc, nhưng được kể với giọng điệu hài hước, cuốn sách đôi khi khiến người đọc phá lên cười để rồi thêm thương, thêm quý những chiếc áo blouse.
Sau 6 năm đèn sách ở trường Y, năm 2004, Adam Kay chính thức đứng vào hàng ngũ bác sĩ của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh. Từ một bác sĩ nội trú kiêm quản lý hồ sơ cho bệnh viện công ở London cho đến khi trở thành bác sĩ chuyên khoa nhi và sức khoẻ sinh sản, Adam Kay đã có nhiều đóng góp trong việc khám và cứu chữa bệnh nhân, đặc biệt là những ca cấp cứu hiếm gặp.
Những dòng nhật ký viết vội sau giờ làm của Adam Kay xuất phát từ mục đích ghi chép “kinh nghiệm làm nghề” đã trở thành tiền đề cho cuốn sách Chạy trời không khỏi đau (tựa gốc: This Is Going To Hurt), ra mắt năm 2017 và gây được nhiều tiếng vang.
Tác phẩm đã bán ra hơn hai triệu bản, nhận được nhiều giải thưởng danh giá như: "Cuốn sách của năm", "Cuốn sách phi hư cấu của năm" trong giải Sách Quốc gia Anh năm 2018. Chạy trời không khỏi đau một năm liền đứng đầu bảng xếp hạng bán chạy của tờ Sunday Times. Đến nay, cuốn sách đã được dịch sang 37 ngôn ngữ và hiện đang được đài BBC chuyển thể thành phim truyền hình.
Làm việc 97 giờ một tuần, thường trực đối diện với hiểm nguy, luôn phải đưa ra những quyết định sinh tử… đó chỉ là một phần nhỏ sự thật về nghề bác sĩ. Trong cuốn sách này, Adam Kay kể lại những trải nghiệm chua chát của anh khi trở thành bác sĩ qua lăng kính hài hước và có phần châm biếm. Từ những bệnh nhân nghiện rượu, nghiện ma tuý “lắm chiêu trò”, những ca mắc kẹt dị vật trong cơ thể... đến những ca phẫu thuật tử cung, mổ đa thai, cứu sảy thai nguy kịch, những buổi trực đêm thực hiện 5 ca mổ liên tục... hoặc phải đối mặt với các bệnh nhân tự nghĩ ra phương pháp chữa bệnh khó hiểu chứ nhất quyết không tin lời bác sĩ.
Các bác sĩ luôn ở trong tình trạng quá tải, bị “nhấn chìm” giữa sự hỗn loạn của các ca cấp cứu với những tiếng kêu gào, máu và dịch cơ thể. Thế nhưng, những gì họ nhận được chỉ là “tiền lương được đánh đổi bằng một dạng suy sụp tinh thần nào đó, suy thận tiềm ẩn do uống không đủ nước, ăn mấy cú đấm giận dữ từ người nhà bệnh nhân hay ủi xe vào gốc cây ven đường vì thiếu ngủ sau một ca trực đêm”. Nhưng họ vẫn bám trụ với nghề, vì tình yêu nghề và yêu con người.
Mỗi ngày với một bác sĩ là một ngày chiến đấu. Adam Kay ví von bác sĩ là người “phá hỏng chuyện làm ăn của thần Chết”. Và nỗi buồn lớn nhất của một bác sĩ, theo Adam Kay, chính là nỗi bất lực khi phải chứng kiến sự ra đi của bệnh nhân.
Câu chuyện về cuộc sống thật của các bác sĩ, những nỗ lực phi thường của họ trước vô vàn nghịch cảnh, sự hy sinh dành cho nghề nghiệp, lý tưởng sống cống hiến và vì mọi người, ước mơ được làm một điều gì đó tốt đẹp cho cuộc sống... trong Chạy trời không khỏi đau truyền cảm hứng lớn đến người đọc, dù đang làm việc trong bất kỳ lĩnh vực nào. Đó là sự lựa chọn, và thái độ sống can đảm, yêu nghề, đi hết con đường đã chọn.
Tác phẩm này vì thế nhận được sự đồng cảm sâu sắc của bạn đọc.“Tôi đã nói sự thật với các em học sinh: những ca trực khắc nghiệt, mức lương thấp tè, điều kiện làm việc tệ lậu; các em không được đánh giá đúng khả năng, không được hỗ trợ, ít được tôn trọng, những mối nguy hiểm đe doạ sức khoẻ và tính mạng luôn rình rập xung quanh. Nhưng trên thế gian này, chẳng có nghề nào tuyệt vời hơn nghề y đâu” - Adam Kay chia sẻ.