Lo sợ Nga có thể cắt hoàn toàn nguồn cung vào mùa đông, Liên minh châu Âu (EU) ngày 26/7 đạt thỏa thuận cùng cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ bắt đầu từ tuần tới. Thỏa thuận đánh dấu bước đi quan trọng trong nỗ lực giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga và khắc phục tình trạng chia rẽ trong khối khi đối mặt với mối đe dọa từ Moskva.
"Hôm nay EU đã có một bước đi quyết định để đối mặt với mối đe dọa gián đoạn khí đốt hoàn toàn của ông Putin", chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói khi thỏa thuận được thông qua.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích không đánh giá cao thỏa thuận mới đạt được. Họ cho rằng biện pháp cắt giảm khí đốt dựa trên cơ sở tự nguyện, có miễn trừ cho một số nước, không tạo được niềm tin vào khả năng đạt các mục tiêu của EU, mà càng thể hiện rõ hơn mức độ dễ tổn thương của khối trước áp lực khí đốt của Nga.
"Rõ ràng có sự thiếu thống nhất. Người có thể định đoạt vấn đề rõ ràng không phải là các chính trị gia EU", Biraj Borkhataria - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu năng lượng châu Âu của RBC Capital Markets, nói.
Trong 10 ngày giữa tháng 7, nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 bị cắt để bảo trì. Cuối tuần trước, đường ống vận hành trở lại, nhưng với công suất bằng 40% so với bình thường. Ngày 25/7, Nga thông báo giảm lượng khí đốt hàng ngày tới châu Âu qua Nord Stream 1 xuống còn 20%.
Gazprom cho biết nguyên nhân là do các "vấn đề kỹ thuật" liên quan đến đường ống, dù Đức bác bỏ. Giới quan sát cho rằng gián đoạn nguồn cung khí đốt trong những tuần qua cho thấy dấu hiệu đáng lo ngại về những gì Nga có thể làm với châu Âu trong mùa đông này.
Các nước châu Âu thường tích trữ khí đốt trong mùa hè để đáp ứng nhu cầu tăng vọt vào mùa đông, khi các hộ gia đình cần được sưởi ấm. Trước khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2, Nga vẫn tuân thủ các hợp đồng cung cấp khí đốt dài hạn, nhưng từ năm 2021 đã tìm cách hạn chế các giao dịch ngắn hạn ở châu Âu.
Nguồn cung khí đốt từng giảm sút vào mùa hè và mùa thu năm 2021, khiến châu Âu có nguồn dự trữ thấp đáng báo động trong mùa đông 2021-2022. "Ông Putin dường như kỳ vọng rằng lượng dự trữ khí đốt thấp sẽ buộc các chính phủ châu Âu chấp nhận chiến dịch quân sự ở Ukraine", David Frum - nhà phân tích của Atlantic, nhận định.
Một cơ sở lưu trữ khí đốt tại Bierwang, Đức hồi tháng 6. Ảnh: AFP. |
Nga giờ đây đang hạn chế nguồn cung một lần nữa và lần này dường như có ý định đẩy các nước châu Âu vào cảnh thiếu hụt năng lượng hoàn toàn trong mùa đông tới. Động thái cắt giảm nguồn cung mới nhất cho thấy các nước thành viên EU dễ bị tổn thương như thế nào trước khí đốt Nga, buộc họ phải nhanh chóng tìm mọi cách tăng dự trữ khí đốt trước mùa đông, theo Simone Tagliapietra - chuyên gia chính sách năng lượng của Bruegel, một nhóm nghiên cứu ở Brussels.
"Thông báo giảm nguồn cung của Gazprom không bất ngờ. Nga đang chơi một trò chơi chiến lược. Giảm dần nguồn cung sẽ tốt hơn là cắt hoàn toàn, vì nó có thể giúp Nga điều khiển thị trường theo ý mình và tối ưu hóa tác động địa chính trị của đòn đánh khí đốt", Tagliapietra cho hay.
Trước chiến sự Ukraine, Nga là bên cung cấp tới 40% lượng khí đốt của EU. Các cơ sở lưu trữ khí đốt của châu Âu, thường gần đầy vào thời điểm này trong năm để chuẩn bị cho mùa đông, hiện ở mức khoảng 66%, khiến toàn bộ lục địa dễ đối mặt tình trạng thiếu hụt, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và các ngành công nghiệp.
Đức là quốc gia có nguy cơ tổn thương cao nhất. Các chính phủ Đức trước đây đã đặt cược an ninh năng lượng của quốc gia vào Nga, mà họ xem như một bên cung cấp đáng tin cậy. Ván cược đã thất bại và giờ Đức phải cố chạy đua chuẩn bị cho một cuộc "chiến tranh khí đốt" với Nga.
"Tôi đã nói chuyện với một số chuyên gia kinh tế và năng lượng Đức để đánh giá về quá trình chuẩn bị cho kịch bản nguồn cung khí đốt bị cắt. Họ đều nói rằng tình hình rất căng thẳng", Frum cho hay.
Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, nhận 55% lượng khí đốt từ Nga trước xung đột với kênh cung cấp chính là đường ống Nord Stream 1 dài hơn 1.200 km dưới Biển Baltic.
Vài giờ trước thông báo cắt giảm mới nhất của Gazprom, Klaus Muller - người đứng đầu cơ quan quản lý điện lực Đức, cho biết các cơ sở lưu trữ khí đốt của nước này đã được lấp đầy 65,9% và đang trên đà đạt 75% vào đầu tháng 9. Nhưng mục tiêu này giờ đây rất khó đạt được, có thể buộc Đức phải phân bổ khí đốt theo định mức vào mùa đông.
Rủi ro với chính sách phân bổ khí đốt theo định mức là rất lớn. Ngành công nghiệp hay người tiêu dùng sẽ được ưu tiên? Sản xuất điện hay sưởi ấm cần được đảm bảo trước? Mỹ đang nỗ lực giúp các đối tác châu Âu bằng cách chuyển hướng các con tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ châu Á sang châu Âu. Trong thập kỷ qua, Mỹ đã nổi lên như một nhà xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, việc tăng đột ngột lượng LNG xuất khẩu không dễ dàng. Khí đốt của Mỹ sang châu Âu phải được nén thành dạng lỏng để vận chuyển bằng tàu. Xây dựng các nhà máy hóa lỏng khí đốt mới là quá trình phức tạp và tốn kém, ước tính có thể tốn khoảng 5 tỷ USD trong 5 năm.
Giảm phụ thuộc khí đốt vào Nga không phải là câu chuyện có thể giải quyết trong một sớm một chiều, theo các nhà phân tích. Về trung và dài hạn, châu Âu có thể tìm thấy các nguồn cung khí đốt thay thế dễ dàng hơn Nga tìm khách hàng mới. Trung Quốc có thể trở thành khách hàng tiềm năng thay thế châu Âu mua khí đốt Nga, nhưng việc xây dựng hệ thống đường ống dẫn là một vấn đề nan giải.
Song trước mắt, các nước châu Âu đang đứng trước mối nguy về một mùa đông lạnh giá sắp tới. Cùng với thỏa thuận giảm tiêu thụ khí đốt, EU cũng đang chạy đua tìm kiếm các nguồn cung khí đốt mới từ Israel, Ai Cập và Azerbaijan.
Những đường ống chuyển khí đốt Nga cho châu Âu. Đồ họa: Reuters. |
Massimo Di Odoardo - Phó chủ tịch về nghiên cứu khí đốt toàn cầu tại công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, nói nỗ lực tăng nguồn cung và giảm tiêu thụ có thể giúp châu Âu đạt mức dự trữ 80% khí đốt vào đầu mùa đông. Tuy nhiên, không chỉ người tiêu dùng phải giảm mức tiêu thụ. Ở Đức, ngành công nghiệp tiêu thụ 1/3 lượng khí đốt của cả nước. Các cơ sở công nghiệp sử dụng nhiều khí đốt như hóa chất và luyện kim cảnh báo việc cắt giảm nguồn cung có thể tác động tiêu cực tới cả nền kinh tế.
John Lough - một nhà nghiên cứu tại Viện Chatham House ở Anh, cho biết rủi ro lớn vẫn là Moskva tiếp tục gây sức ép về khí đốt với châu Âu. Ủy ban châu Âu cho biết việc cắt giảm toàn bộ nguồn cung từ Nga trong mùa đông có thể ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế thành viên, giảm tốc độ tăng trưởng tới 1,5%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo kịch bản tồi tệ hơn là các nước rơi vào suy thoái.
"Chiến lược của ông Putin ngay từ đầu đã rõ ràng. Bạn không cần là một thiên tài để có thể nhận ra Nga muốn sử dụng đòn bẩy này để cố gắng chia rẽ EU và làm suy yếu lập trường của họ đối với Ukraine", chuyên gia Tagliapietra nói. "Gazprom không phải là một công ty nữa, nó là một vũ khí địa chính trị trong tay Điện Kremlin".
(Theo VnExpress)