Áp trần giá dầu Nga - chiến thuật 'xôi hỏng bỏng không' của Mỹ?

Doanh Doanh| 15/07/2022 05:28

Sự đáp trả mạnh mẽ từ phía Nga và bản thân sự tham vọng trong đề xuất áp trần giá dầu Nga của Mỹ chỉ là 2 trong số hàng loạt yếu tố khiến chiến thuật này bị đánh giá là 'xôi hỏng bỏng không'.

Hôm nay - 15/7/2022, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương từ các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã khai mạc tại Bali, Indonesia để thảo luận về các vấn đề như an ninh lương thực, lạm phát tăng cao và nguy cơ kinh tế suy thoái.

Theo Politico, trong khuôn khổ cuộc họp này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen sẽ trình bày trước các thành viên G20 đề xuất áp trần giá dầu Nga, đồng thời kêu gọi sự ủng hộ từ các nước để vừa bóp nghẹt nguồn thu của Moskva từ dầu mỏ, vừa ngăn một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu có khả năng gây ra thảm họa.

Việc thúc đẩy ý tưởng áp giá trần dầu Nga được coi là một phép thử ngoại giao quan trọng đối với bà Yellen, người đang thực hiện chuyến công du đầu tiên đến châu Á với tư cách Bộ trưởng Tài chính Mỹ.

Việc kêu gọi sự ủng hộ đề xuất áp giá trần dầu Nga được xem là một phép thử ngoại giao với bà Janet Yellen - người đang thực hiện chuyến công du đầu tiên đến châu Á với tư cách Bộ trưởng Tài chính Mỹ.

Cách đây 1 ngày, bà Yellen nói Bắc Kinh cũng đã lắng nghe đề xuất áp trần giá dầu Moskva từ Washington và sẵn sàng thảo luận thêm về ý tưởng này. Trước đó, theo tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh tại Đức, G7 cũng cho biết sẽ nghiên cứu áp trần giá dầu hỏa cùng khí đốt Nga.

Sau 5 tháng chiến sự ở Ukraine, giá năng lượng tăng phi mã đã làm giảm tác động của loạt lệnh trừng phạt mà phương Tây nhằm vào Nga. Dù lượng dầu xuất khẩu dầu đến châu Âu giảm mạnh, giá bán cao cho khách hàng khác vẫn giúp Moskva thu về hàng triệu USD/ngày. Do đó, phương Tây đang nỗ lực tìm kiếm các gói pháp trừng phạt mới và hiệu quả hơn.

Áp trần giá dầu liệu có khả thi?

Trên thực tế, khi đề cập đến đề xuất áp trần giá dầu Nga của Mỹ, Thủ tướng Đức Olaf Scholz sau hội nghị của G7 đã nói: "Đây là một cam kết rất tham vọng, cần thêm nhiều thời gian cũng như nỗ lực".

Link bài viết

Về phần mình, bản thân giới chức Mỹ cũng thừa nhận rằng, việc bóp nghẹt nguồn thu của Nga bằng cách áp trần giá dầu là một mục tiêu dài hơi, khó có thể đạt được trong một sớm một chiều. 

Hơn nữa, nhiều dấu hỏi về sự hiệu quả của chiến thuật này đang được đặt ra, vì không rõ các cơ quan tài phán phương Tây sẽ thực thi quy định áp trần giá dầu Nga thế nào và ông Putin sẽ phản ứng ra sao.

Theo đề xuất của Mỹ, nếu các nhà nhập khẩu mua dầu Nga với giá cao hơn giá trần đã áp, họ sẽ phải đối mặt với các hạn chế về dịch vụ liên quan đến vận tải biển như tài chính và bảo hiểm hàng hải, vốn được kiểm soát phần lớn bởi các công ty thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Anh. Nếu không có các dịch vụ này, việc vận chuyển dầu Nga bằng đường biển sẽ vô cùng khó khăn.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích năng lượng cấp cao từ ngân hàng đầu tư đa quốc gia Raymond James, thị trường quốc tế - nơi xử lý hàng triệu thùng dầu đến hàng chục nước mỗi ngày, là quá lớn và hoàn toàn nằm ngoài khả năng xử lý của chính phủ vài nước. "Do đó, trên thực tế, ý tưởng này không thể thực hiện được", James nói.

Mặt khác, với mức giá chiết khấu hấp dẫn, Trung Quốc và Ấn Độ đang tăng mua dầu Nga và đương nhiên không bao giờ muốn dòng chảy này bị chặn lại, Andy Lipow - lãnh đạo công ty tư vấn thị trường dầu mỏ Lipow Oil Associates, nhận định. Đơn cử, dữ liệu theo dõi tàu chở dầu tuần trước cho thấy Trung Quốc có khả năng đã nhập 2 triệu thùng/ngày từ Nga vào tháng 6/2022

Cùng với Ấn Độ, Trung Quốc không áp lệnh trừng phạt Nga, thậm chí còn tăng mua dầu giá rẻ từ nước này, bất chấp sức ép của phương Tây. Bắc Kinh đã kêu gọi các bên trong xung đột Ukraine đàm phán hòa bình, nhưng không chỉ trích Moskva. "Chúng ta phải thực thi nó (đề xuất áp trần giá dầu) như thế nào? Chúng ta sẽ phải cần Trung Quốc và Ấn Độ đồng ý với ý tưởng đó", Lipow nói.

Đề xuất áp trần giá dầu của Mỹ có thể "nghe khả thi" nhưng trên thực tế lại khó có thể thực hiện được.

Đề xuất áp trần giá dầu của Mỹ có thể "nghe khả thi" nhưng trên thực tế lại khó có thể thực hiện được.

Trong khi đó, điểm yếu của các lệnh trừng phạt với dầu Nga là chúng chỉ có thể phát huy tác dụng tối đa nếu hầu hết nền kinh tế thế giới cùng tham gia. Song, kế hoạch trừng phạt xuất khẩu dầu Nga của phương Tây đã bị Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác từ chối, vì vẫn muốn có thêm nguồn cung dầu giá rẻ. Thế nên, phương Tây nhiều khả năng sẽ 'hụt hơi' trước khi có thể thực sự trừng phạt được Nga.

"Nga đặt cược vào việc họ sẽ chịu đựng được tổn hại kinh tế cao hơn mức mà Mỹ và châu Âu sẵn sàng chịu đựng", John E. Smith - đối tác tại Công ty luật Morrison & Foerster, cựu lãnh đạo Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ, nhận xét

Nga có thể 'phản công' bằng nhiều cách

Bên cạnh đó, chiến thuật của Mỹ hoàn toàn có thể 'xôi hỏng bỏng không' khi vấp phải sự đáp trả mạnh mẽ của Nga. Theo Lipow, Nga hoàn toàn có thể tránh bị áp trần giá bằng cách quy định một khoản thuế hoặc phí xuất khẩu dầu mỏ được thanh toán riêng.

Link bài viết

"Ví dụ, bạn có thể mua một thùng dầu Nga với giá 40 USD, sau đó viết một tờ séc riêng để thanh toán thuế phí cho chính phủ Nga sau khi dầu được giao", Lipow giải thích.

Một câu hỏi khác nữa là liệu những nhà nhập khẩu dầu Nga không tuân theo mức giá trần mà phương Tây đặt ra, có thể mua bảo hiểm hàng hải ở những nơi khác để giữ cho các tàu chở dầu của mình tiếp tục hoạt động hay không?

Đáp lời câu hỏi này, Robin Brooks - nhà kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế (Mỹ) cho rằng, đã có dấu hiệu cho thấy hoạt động bảo hiểm đang bắt đầu mở rộng, dù chỉ mới ở giai đoạn sơ khai.

Một nguy cơ lớn khác liên quan đến đề xuất của Mỹ là việc Nga sẽ đáp trả bằng cách cắt sản lượng dầu - điều ngược lại sẽ gây hậu quả khôn lường cho phương Tây. Theo chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Gerard DiPippo, việc cắt giảm chỉ 25% trong số 3,9 triệu thùng dầu thô xuất khẩu mỗi ngày qua đường biển của Nga cũng sẽ khiến giá dầu tăng đáng kể.

Và, cần biết rằng, ông Putin là người luôn sẵn sàng chấp nhận rủi ro, DiPippo lưu ý. "Mục tiêu của Tổng thống Nga là phá vỡ liên minh phương Tây và giá năng lượng là công cụ tốt nhất để ông ấy làm điều đó. Tôi nghĩ Nga hoàn toàn có khả năng đáp trả phương Tây trong vấn đề này và rủi ro sẽ rất lớn khi họ có phản ứng như vậy".

Song, theo JPMorgan, với nền tảng tài chính vững chắc, Nga có đủ khả năng giảm sản lượng dầu thô đang cung ứng ở mức 5 triệu thùng/ngày mà không gây tổn hại quá mức đến nền kinh tế. Dù vậy, với phần lớn các quốc gia còn lại trên thế giới, hậu quả từ việc này có thể hết sức thảm khốc.

Với nền tảng tài chính vững chắc, Nga có đủ khả năng giảm sản lượng dầu thô đang cung ứng ở mức 5 triệu thùng/ngày mà không gây tổn hại quá mức đến nền kinh tế. Dù vậy, với phần lớn các quốc gia còn lại trên thế giới, hậu quả từ việc này có thể hết sức thảm khốc.

Ở kịch bản Nga đáp trả mạnh mẽ hơn, các nhà phân tích từ JPMorgan Chase ước tính nước này có thể cắt 5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày mà không gây tổn hại đến nền kinh tế. Song, động thái này có thể đẩy giá dầu thế giới lên 380 USD/thùng từ mức 100 USD hiện tại. Dù vậy, Brooks cùng các chuyên gia khác không tin rằng ông Putin sẽ ngừng tất cả hoạt động xuất khẩu dầu để 'tất tay' với phương Tây, vì hành động này rất tốn kém và sẽ gây ra thiệt hại lâu dài cho các giếng dầu của Nga.

Nhìn chung, ngay cả khi một lệnh cấm vận hoàn toàn dầu Nga được thực thi, nó nhiều khả năng cũng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, với tác động không chắc chắn. "Điều chúng tôi đang thảo luận là phương Tây có thể chịu đau đớn đến đâu và trong bao lâu. Một số nhà hoạch định chính sách phương Tây đang phân vân giữa 2 lựa chọn, chịu đựng rất nhiều đau đớn trong thời gian ngắn, hay không làm gì cả và hy vọng mọi thứ sẽ ổn", Brooks nói. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Áp trần giá dầu Nga - chiến thuật 'xôi hỏng bỏng không' của Mỹ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO