Hồi nhỏ, Nguyên đã rất mê vẽ, vì vậy trong lúc chờ kết quả thi đại học, chàng trai sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Quảng Nam này đã liều lĩnh vẽ tranh đem ra đường Lê Lợi (quận 1 TP.HCM) bán và nuôi hy vọng trở thành kiến trúc sư (KTS) để có thể thiết kế nên những ngôi nhà mang phong cách Việt…
Khai trương Nhà Việt Plaza |
Năm 1997, tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TP.HCM, Nguyên đầu quân về Bộ Xây dựng và chính cái “nôi” này đã trui rèn, giúp anh có kinh nghiệm để thực hiện ước mơ, hoài bão của mình. Nhưng để làm được điều đó, trước hết Nguyên phải tìm cho mình một lối đi riêng bằng cách mở công ty. Thế là một xưởng thiết kế nhỏ ra đời làm nơi để những anh em KTS trẻ tập hợp lại sáng tác theo xu hướng kiến trúc mới mang phong cách Việt. Nhà Việt Corp. có từ đó. “Lúc đầu mình chỉ mong có một văn phòng để anh em làm việc tốt hơn và có một tòa nhà riêng của công ty, phù hợp với kiến trúc mình theo đuổi từ trước” - Nguyên nói về lý do ra đời tòa nhà Nhà Việt Plaza đầu tiên của mình.
Tuy nhiên, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, khó khăn ban đầu mà Nguyên gặp phải khi khởi nghiệp là vốn. Vốn ít, công ty nhỏ nên rất khó tuyển mộ nhân viên. Nguyên nhớ lúc đó Công ty chỉ có bốn KTS nhưng nhờ môi trường làm việc năng động, hòa đồng nên anh em đều cố gắng, quyết tâm vươn lên. Và để hỗ trợ cho Nhà Việt Corp., anh mạnh dạn mở thêm trang web Nhavietnet.com cung cấp thông tin chuyên ngành xây dựng, kiến trúc, tạo diễn đàn hỗ trợ các công ty chuyên ngành xây dựng trong việc tìm kiếm khách hàng...
Nhà Việt Plaza đầu tiên đi vào hoạt động, ngoài chức năng là trụ sở của Công ty, còn khai thác cho thuê văn phòng, tạo thành những mô hình văn phòng thiết kế, triển lãm... Sau một thời gian, tòa nhà này ổn định, Nguyên nghĩ tại sao không nhân rộng? Vậy là chưa đầy bốn năm sau, thêm hai Nhà Việt Plaza lần lượt ra đời. Và dự kiến đến năm 2009, Nguyên sẽ xây dựng Nhà Việt Plaza thứ tư ở trung tâm quận 1. Nguyên bảo phương châm của anh là tăng về số lượng nhưng phải đảm bảo chất lượng thiết kế thi công, vì công trình kiến trúc không chỉ có tính thương mại mà còn đòi hỏi tính mỹ thuật và chất lượng nữa.
Hiện nay, Nhà Việt Corp. có 20 KTS, tuy nhiên, KTS khi tay nghề đã vững thì thường tách ra mở công ty riêng. Vì vậy, Nguyên luôn đưa ra chính sách đãi ngộ xứng đáng, tạo môi trường làm việc thân thiện, đào tạo KTS trẻ... “Thỉnh thoảng có những đồ án dự thi, anh em tập trung lại làm ngoài giờ như làm đồ án thời sinh viên. Tuy cực nhưng ai cũng cảm thấy vui vì được sống lại không khí ngày xưa và họ càng đoàn kết, gắn bó với nhau hơn” - Nguyên chia sẻ. Nói về công việc của mình, Nguyên bảo: “KTS không chỉ thỏa mãn sự đam mê của mình, mang lại niềm vui cho khách hàng, họ vui mình cũng vui lây mà còn tạo nên những công trình làm đẹp cho đời...”.
Cái khó của Nguyên là ngoài lo về chuyên môn, anh còn phải lo về quản lý, nghĩa là Nguyên vừa điều hành hoạt động của công ty, vừa tham gia thiết kế. Tuy vậy, anh vẫn khẳng định sẵn sàng hy sinh hoài bão phát triển công ty thành doanh nghiệp mạnh, miễn sao thỏa mãn được niềm đam mê của mình: Thiết kế nên những ngôi nhà đậm chất Việt. Từ giữa năm 2005, Nhà Việt Corp. đã tiến hành triển khai nhiều dự án với các đối tác chiến lược như Hoa Sen Group, Gia Định Bank, Công ty cổ phần Chứng khoán Beta, Công ty địa ốc Hồng Phúc...
Sau khi phát triển mạnh ở TP.HCM, Nhà Việt Corp. sẽ vươn ra Đà Nẵng và các tỉnh khác. Thế mạnh của Nhà Việt Corp. là đưa thói quen sinh hoạt của người Việt, môi trường khí hậu Việt Nam vào những công trình mới, sao cho người sống trong những công trình này có cảm giác thoải mái, không xa lạ với môi trường.
Với Nguyên, mở công ty cũng như tham gia một cuộc chơi, bởi đây là nơi họp mặt anh em để bàn về những sở thích, những đam mê. Vì vậy, công ty của Nguyên còn là nơi tụ họp những cựu sinh viên Đại học Kiến trúc TP.HCM. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất của Nhà Việt Corp. là xây dựng thương hiệu bởi “Nhà Việt” là tên chung, không ai được đăng ký độc quyền. “Trước Nhà Việt Corp. đã có mấy Nhà Việt, anh không sợ người ta bảo là anh dựa vào thương hiệu của người khác?”.
Trả lời câu hỏi này, Nguyên cho biết: “Ngay từ thời sinh viên tôi đã nghĩ ra cái tên này, do đó khi lập công ty tôi không phải đắn đo nhiều, với lại lúc đó chưa có Nhà Việt nào nổi trội nên cứ nghĩ “nhà mình” là đầu tiên”. Chính vì vậy, Nguyên phải xây dựng thương hiệu bằng cách tạo ra hệ thống những công trình mang dấu ấn riêng. “Trong thiết kế xây dựng không nhất thiết phải cạnh tranh với đối thủ, vấn đề là anh có bằng lòng với những gì mình làm ra hay chưa, trên hết là vượt qua sự hài lòng của khách hàng để có những công trình ngày một tốt hơn” - Nguyên chia sẻ.
Vốn là người thích đi tham quan, du lịch để học hỏi kinh nghiệm về kiến trúc, nên anh rất thích thú khi đến thăm những bảo tàng ở Trung Quốc, Mỹ... và khi thấy làng gốm Thanh Hà quê mình có nguy cơ mai một, Nguyên lập tức thiết kế dự án xây dựng bảo tàng gốm ở làng gốm Thanh Hà, vì anh muốn góp phần gìn giữ nền văn hóa của làng gốm cổ, đồng thời thúc đẩy sự phát triển ngành du lịch của quê hương mình...