Quốc tế

Chấp nhận hôn nhân đồng tính có lợi cho kinh tế Thái Lan?

Văn Phúc 26/06/2024 - 20:29

Những ngày đầu tháng 6, các cặp đôi đồng tính từ Malaysia, Indonesia, Trung Quốc và Nga, đã tập trung và vẫy cờ cầu vồng ở thủ đô Bangkok của Thái Lan, nơi xã hội khá cởi mở với vấn đề LGBT. Các cặp đôi đến Bangkok để tham dự dịp lễ hội gọi là “ngày tự hào” thường được tổ chức trên toàn thế giới, nhưng bị cấm tại quốc gia của họ.

Một doanh nhân giấu tên người Trung Quốc, có biệt danh là Jethro nói: “Chúng tôi đến Thái Lan khoảng 3 lần 1 năm. Những sự kiện như vầy không bao giờ được tổ chức tại Thượng Hải hay thành phố khác. Những nước như Indonesia thậm chí còn khắc nghiệt hơn.”

static.bangkokpost.com-media-content-dcx-2021-02-15-_3894463.jpg
Người đồng tính tuần hành tại thủ đô Bangkok của Thái Lan - Ảnh: Bangkok Post

Người tới tham dự có lý do khác để vui mừng, khi sau đó hơn 1 tuần, vào ngày 11/6, Thượng viện Thái Lan thông qua dự luật chấp nhận hôn nhân đồng tính. Trước đó vào tháng 3, Hạ viện cũng đã thông qua.

Như vậy, Thái Lan là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Ở Đông Á, mới có vùng lãnh thổ Đài Loan. Nếu tòa án Thái Lan chấp nhận trong những ngày tới, sau 120 ngày nữa, các cặp đôi đồng tính ở Thái Lan có thể bắt đầu đăng ký kết hôn.

Tin tức ở Thái Lan đã gây chấn động cho cộng đồng LGBT khắp châu Á, nơi người đồng tính cơ bản vẫn bị kỳ thị.

Bà Maki Muraki, nhà hoạt động vì quyền LGBT người Nhật Bản từ tổ chức NPO Nijiro Diversity có trụ sở tại Osaka nói: “Điều này mang lại hy vọng. Nó sẽ gây áp lực lên chính phủ Nhật Bản phải làm theo. Hiện nay, Nhật Bản là quốc gia duy nhất trong G7 chưa công nhận hôn nhân đồng tính.”

Động thái tại Thái Lan trái ngược với nhiều quốc gia láng giềng.

Singapore vẫn xem hôn nhân đồng tính là không bình thường. Trung Quốc năm 2016 cấm nói về hôn nhân đồng tính trên truyền hình, mở rộng lệnh cấm năm 2021 và gọi người đồng tính là “đàn ông yêu đuối”.

Kỳ bầu cử tháng 5/2023 chứng kiến 1 bước ngoặt trong xã hội Thái Lan. Hai đảng giành chiến thắng là Move Forward và Pheu Thai cam kết ban hành luật bình đẳng hôn nhân với người đồng tính. Theo 1 cuộc khảo sát vào đầu tháng 6/2024 của đại học Bangkok, 82,5% người được hỏi ủng hộ luật hôn nhân đồng tính.

Dẫu vậy, con đường dẫn đến việc xã hội chấp nhận hôn nhân đồng tính ở Thái Lan cũng không dễ dàng. Đó là cả thập kỷ đấu tranh.

Bà Sirisak Chaited, một nhà hoạt động vì quyền của người đồng tính ở Thái Lan chia sẻ: “Chúng tôi đã vận động trong nhiều năm, trên các phương tiện truyền thông và ngoài cuộc sống thực. Cuối cùng mọi thứ cũng đạt kết quả.”

Bà Chaited khẳng định, chiến thắng của cộng đồng LGBT ở Thái Lan, mang tới cảm giác tủi thân lẫn niềm hy vọng cho người đồng tính ở 2 nước láng giềng Malaysia và Indonesia.

Ở Malaysia, các cặp đôi đồng giới có thể bị phạt tù tới 20 năm.

Ông Jerald Joseph, cựu ủy viên trong ban nhân quyền Malaysia cho biết, sự khắt khe có thể tăng hơn nữa, khi nhiều người bảo thủ lên nắm quyền. Họ lo sợ đồng tính sẽ làm mất đi bản sắc của 1 quốc gia phần lớn theo Hồi giáo.

Ở Singapore, tân thủ tướng Lawrence Wong nói cộng đồng LGBT sẽ không nằm trong danh sách tham vấn chính trị. Xem xét luật hôn nhân đồng tính sẽ không nằm trong nghị sự suốt nhiệm kỳ của ông.

Một số ý kiến cho rằng, mở cửa với người đồng tính sẽ giúp ích cho kinh tế Thái Lan, nhất là về du lịch. Người đồng tính đã nghỉ hưu từ khắp thế giới sẽ ưu tiên chọn Thái Lan. Các lĩnh vực làm đẹp và chăm sóc sức khỏe cũng hưởng lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chấp nhận hôn nhân đồng tính có lợi cho kinh tế Thái Lan?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO