50% Nhu mì - 50% Can đảm

LỮ Ý NHI| 27/08/2009 00:56

Thoạt nhìn, người chưa quen dễ có cảm giác Tổng giám đốc New Toyo VN là người phụ nữ khó gần...

50% Nhu mì - 50% Can đảm

Thoạt nhìn, người chưa quen dễ có cảm giác Tổng giám đốc New Toyo VN là người phụ nữ khó gần. “Nhưng quen rồi, sẽ thấy Quân là một người tốt bụng, đa cảm và cởi mở” - một người bạn của chị nói với tôi như thế. Ở Công ty, nhân viên gọi chị bằng cái tên thân mật: “Chị Ba”. Họ chia sẻ với chị mọi chuyện từ tình cảm riêng tư, “coi mắt” bạn trăm năm, đến cách nuôi dạy con cái...

Bà Nhan Húc Quân - Ảnh Quý Hòa

Trong lãnh đạo, quản lý con người là vấn đề khó nhất, nó đòi hỏi vừa phải khoa học vừa nghệ thuật, nên trong hành xử, tôi luôn dung hòa giữa cương và nhu, không thiên về tình cảm, cũng không thiên về lý trí. Mọi ứng xử đều linh động, có tình có lý chứ không theo nguyên tắc hoặc quy định cứng nhắc. Chẳng hạn, một tài xế bị phạt vì cố tình đi sai luật thì anh ta phải tự nộp phạt, nhưng trong những tình huống chứng minh được rằng không phải do lỗi anh ta thì tôi sẵn sàng xem xét và có cách giải quyết hợp lý.

Ngạn ngữ Anh có câu: “Người thông minh là người thấy sự sai lầm của người khác để tự điều chỉnh mình”, nên với một nhân viên sai phạm, tôi không tạo cho họ cảm giác mặc cảm, mà thường mời vào phòng trao đổi cởi mở bằng thái độ thẳng thắn, bao dung và cảm thông. Sự vị tha chính là cách giữ nhân viên ở lại làm việc với mình tốt hơn. Song, tôi cũng rất cương quyết với những trường hợp cá biệt cố tình vi phạm hoặc tái phạm đến lần thứ ba. Vì vậy mà người bạn thân của tôi, chị Lệ Hồng - Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Thực phẩm Đồng Nai thường bảo tôi: “Em là người có 50% máu lạnh và 50% máu nóng”.

* Đó cũng là bí quyết giữ nhân viên của chị?

Trong hành xử, tôi luôn dung hòa giữa cương và nhu, không thiên về tình cảm, cũng không thiên về lý trí. Mọi ứng xử đều linh động, có tình có lý chứ không theo nguyên tắc hoặc quy định cứng nhắc.

- Đúng, nhưng chưa đủ. Bởi muốn giữ nhân viên phải có nhiều yếu tố khác, trong đó “bí quyết” của riêng tôi là luôn đồng hành trên từng cây số với họ và luôn khích lệ, động viên nhân viên, kể cả khi họ đưa ra những ý tưởng hoặc kết quả việc làm mà mình thấy chưa hiệu quả. Tôi “thấm thía” điều này là từ chuyện tôi may áo cho ba. Thời bao cấp, ba tôi ao ước có chiếc áo ký giả bốn túi, nên khi được người thân gửi về một xấp vải áo, tôi quyết định may thử và đã cắt sai cổ áo. Biết tôi cắt sai nhưng ba không la mà vẫn mặc áo với vẻ tự hào, đi đâu cũng khoe: “Áo này con gái tôi may cho đấy”. Chính điều đó đã tạo cho tôi sự khích lệ. Và tôi thấm điều này như một “bí quyết” để dạy con và động viên, khích lệ tinh thần nhân viên.

* Là cháu của chủ tịch Tập đoàn New Toyo Singapore, con đường sự nghiệp của chị vì vậy suôn sẻ và ít bị áp lực?

- New Toyo VN là công ty con của Tập đoàn New Toyo, một công ty lên sàn chứng khoán tại sàn giao dịch Singapore (vốn đầu tư 100% của nước ngoài). Khi công ty này mới thành lập (mang tên Toyo Việt), tôi chỉ là một nhân viên kiêm nhiệm đủ mọi việc, từ bán hàng, đi thu tiền, khai hải quan làm thủ tục nhập hàng, giao dịch, thương lượng với khách hàng... Trước đó, tôi làm việc cho một công ty xuất nhập khẩu của nước ngoài nên có dịp tiếp xúc với nhiều đối tác và có kinh nghiệm nhất định trong kinh doanh. Vì vậy, tôi đã được chú ruột - là chủ tịch HĐQT đề bạt làm phó tổng giám đốc, rồi tổng giám đốc. Tuy nhiên, tôi cũng bị áp lực, thậm chí khi đưa ra những quyết định đổi mới bị đụng chạm với các mối quan hệ trong dòng họ, người thân, phải chịu đựng những câu nói phỉ báng và từng có ý định rút lui công việc.

* Và chị làm thế nào để tiếp tục công việc đến bây giờ?

- Quyết định táo bạo nhất và khó khăn nhất, đó là chọn hướng “ra riêng” để thành lập Công ty New Toyo VN chuyên sản xuất giấy nhôm và ống giấy. Bởi vì lúc đó ba phân xưởng in ấn, giấy nhôm, ống giấy cùng chung một mặt bằng, rất chật chội và cái chính là nhiều lãnh đạo rất khó quyết định công việc. Tôi cũng nhận ra, với cách quản lý công ty theo kiểu gia đình sẽ không phù hợp với xu thế phát triển nên nhất quyết cải tổ, chọn mô hình quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế.

Nghiệm thu thiết bị tại Nhật Bản

Tôi bắt đầu hình thành đội ngũ để thực hiện quản lý theo hệ thống ISO 9001:2000 (quản lý chất lượng), SA 8000:2001 (trách nhiệm xã hội) và OHSAS 18001-2007 (an toàn lao động). Để duy trì nguồn lực cho công ty thì chế độ đãi ngộ nhân viên phải được chú trọng và rõ ràng, trước hết là tạo dựng môi trường làm việc tốt. Bởi có hệ thống quản lý mà không có đội ngũ để vận hành và cải tiến nó thì mọi thứ đều trở nên vô nghĩa.

Sau khi hệ thống đi vào hoạt động, hiệu quả kinh doanhh thấy rõ, tinh thần nhân viên phấn chấn, công ty có sinh khí hơn, nên suy nghĩ của mọi người cũng thay đổi. Ngẫm lại, có những cái mình nghĩ mất nhưng lại là được. Nếu mình cứ an phận, hài lòng với cái cũ, không dám mất, không dám đương đầu thì chúng tôi sẽ không có chỗ đứng như ngày hôm nay.

* Điều gì làm cho chị tự tin khi hiện nay có khá nhiều công ty cạnh tranh trong lĩnh vực này, trong đó có nhiều công ty nước ngoài?

Tôi nhận ra, với cách quản lý công ty theo kiểu gia đình sẽ không phù hợp với xu thế phát triển nên nhất quyết cải tổ, chọn mô hình quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế

- New Toyo VN được xây dựng bằng uy tín chất lượng sản phẩm và dịch vụ bán hàng. Chúng tôi có đội ngũ quản lý tốt và thợ lành nghề, có óc sáng tạo để đáp ứng nhu cầu, và triển khai ý tưởng của khách hàng. Cái hơn nhau giữa các DN cùng ngành chính là vấn đề chất lượng quản lý và tôi tin vào ưu thế này của mình. Sản phẩm của chúng tôi, ngoài nguồn cung ổn định cho Tổng công ty thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp Thực phẩm Đồng Nai, Tổng công ty Khánh Việt..., còn xuất khẩu sang Campuchia, Lào, Myanmar, Hồng Kông, Singapore, Ấn Độ, Nam Phi... Có tháng, lượng xuất khẩu của chúng tôi đạt 30% doanh thu. Mục tiêu sắp tới của New Toyo VN là chinh phục thị trường Philippines và Úc bởi chúng tôi đã thành công khi trải qua bốn qui trình kiểm toán gắt gao bởi Philip Morris (tập đoàn sản xuất thuốc lá số 1 toàn cầu) và được họ chọn là nhà cung cấp.

* Từ một nhân viên lên tổng giám đốc, chị có thấy thiếu hụt về kiến thức, kỹ năng của một người lãnh đạo thời hội nhập?

- Chắc chắn là có. Kiến thức là vô cùng nên tôi luôn nhắc nhở bản thân phải học và ra kế hoạch mỗi một năm phải học được vài khóa đào tạo. Học qua đồng nghiệp, đối thủ cạnh tranh, học mọi lúc, mọi nơi, khi di chuyển trên đường tôi cũng hay đọc sách về quản trị, kỹ năng lãnh đạo, nguyên tắc trong điều hành... để tham khảo, nếu được thì áp dụng vào công việc thực tế.

* Trong một buổi học về đề tài “Nhà lãnh đạo cấp độ 5”, khi diễn giả yêu cầu thành viên tham dự phác họa hình ảnh DN mình thông qua hình ảnh con vật hoặc vật dụng, chị đã chọn bóng đèn compact. Chị có thể lý giải tại sao?

- Bóng đèn compact mang lại ánh sáng, lại tăng thêm giá trị sử dụng bởi tiết kiệm điện, giảm chi phí tiền điện và bền hơn bóng đèn sợi đốt. Đó chính là giá trị sâu sắc mà New Toyo VN muốn mang đến cho khách hàng.

* Chị nói, đời làm doanh nhân có nhiều cám dỗ phải vượt qua…

- Tôi đã phải vượt qua cám dỗ tiền bạc. Đó là khi tôi được giao toàn quyền xây dựng nhà máy New Toyo VN ở cương vị phó tổng giám đốc. Khi dự án bắt đầu triển khai, tôi được chủ thầu “tặng” một số tiền rất lớn, tôi từ chối và ông ta ngạc nhiên bảo: “Lần đầu tiên trong cuộc đời làm xây dựng, bác bị từ chối”. Lúc đó tôi nghĩ, thượng bất chính, hạ tắc loạn, nếu mình cầm cương mà đi làm điều khuất tất, thì bị hoen ố, sẽ không đủ can đảm để yêu cầu nhân viên làm những điều tốt.

* Nói đến phong cách doanh nhân, người ta hay nghĩ đến hình thức bên ngoài như cách ăn mặc, đầu tóc, trang sức... Chị thấy điều đó đúng không?

- Ăn mặc chỉn chu, lịch lãm là thể hiện sự tôn trọng người đối diện và tôn trọng mình. Nhưng lấy đó để gọi là phong cách thì không đúng. Theo tôi, phong cách còn là nét riêng của mỗi người, là cá tính, là phong thái. Có người không ăn mặc cầu kỳ, sang trọng, không sử dụng hàng hiệu đắt tiền nhưng họ vẫn lịch sự, vẫn có phong cách. Bản thân tôi cũng chọn những vật dụng theo tiêu chí tiện lợi, bền như điện thoại Nokia nhiều chức năng, xe hơi Toyota tiết kiệm xăng... Riêng trang điểm thì chút chút thôi...

* Xin hỏi chị một câu hơi riêng tư. Ở địa vị cao hơn chồng trong công ty, chị có bị khó xử?

Trong đợt tìm hiểu thị trường Nga

- Người đàn ông châu Á thường gia trưởng nên khi người vợ có vị trí cao hơn, họ thường tự ái, có chút tự ti, do đó, sự hài hòa trong cuộc sống gia đình cũng khó hoàn mỹ. Chưa kể vợ chồng làm chung không thể tránh khỏi bất đồng. Những lúc đó, tôi nhớ lời cha dặn: “Phải giữ gia phong”, “hòa khí sinh tài” nên “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

* Nhiều người nói, doanh nhân thường bị cô đơn, với chị thì sao?

- Người lãnh đạo phải có khả năng chịu đựng cô đơn vì có những điều chỉ mình biết, không thể chia sẻ với bất kỳ ai, kể cả vợ chồng, con cái, bạn thân nhất. Do vậy, phải thường xuyên rèn luyện sức chịu đựng và tinh thần thép.

* Thiệt thòi lớn nhất của phụ nữ làm kinh doanh theo chị là gì?
- Đó là không thể toàn tâm toàn ý cho công việc vì phải tròn bổn phận làm vợ và thiên chức làm mẹ. Phụ nữ làm kinh doanh cũng có cái lợi là không phải...nhậu. Lợi thế của phụ nữ là tinh tế, tỉ mỉ, thận trọng, trực giác mạnh. Dẫn dắt công ty đi lên bằng từng nấc thang chứ không sải chân để leo, nên hạn chế được nhiều rủi ro và dễ thành công trong quyết định.

* Nhưng điểm yếu của phụ nữ là không dám mạo hiểm…

- Đó cũng là điểm mạnh vì hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất.

* Điều chị hài lòng nhất về mình?

- Tôi còn nhớ năm học lớp 5, cô giáo dạy học sinh nữ rằng: “Sau này trưởng thành, các em phải có 50% sự nhu mì, tỉ mỉ của phụ nữ và 50% còn lại phải có sự can đảm, dũng cảm của người đàn ông”. Lúc đó, tôi rất tâm đắc và thích thú lời nói này. Và bây giờ, tôi hài lòng vì đã làm được điều đó.

* Xin cảm ơn chị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
50% Nhu mì - 50% Can đảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO