"Canh bạc cuộc đời" của nhà sáng lập Softbank

26/07/2016 04:13

Vì sao Masayoshi Son đã trả cao hơn 43% giá thị trường cho một công ty chỉ tạo ra 1,5 tỉ USD doanh thu năm 2015?

Vì sao Masayoshi Son đã trả cao hơn 43% giá thị trường cho một công ty chỉ tạo ra 1,5 tỉ USD doanh thu năm 2015?

Ngồi nhấm nháp bữa trưa tại khách sạn Four Seasons ở London vào thứ Hai tuần qua (18/7), Masayoshi Son - nhà sáng lập tập đoàn viễn thông Nhật SoftBank đang “thưởng thức” chiến thắng mới nhất của mình: tiến hành thương vụ thâu tóm lớn nhất từ trước đến nay tại châu Âu do một công ty Nhật thực hiện, khi bỏ ra 32 tỉ USD mua lại công ty thiết kế chip Anh ARM Holdings.

Ông đã thực hiện canh bạc lớn nhất đời mình dựa trên niềm tin rằng các thế hệ trong tương lai sẽ dựa vào những thiết bị thông minh có thể giao tiếp với nhau mà gần như không cần sự can thiệp của con người. Để làm được điều này, mỗi thiết bị sẽ có một con chip. Ông đặt cược đó sẽ là thiết kế chip của ARM, hiện có mặt trong hơn 15 tỉ con chip được bán ra mỗi năm. “Tất cả mọi thứ sẽ được kết nối và mẫu số chung của chúng là ARM”, ông nói.

Đó là một tầm nhìn táo bạo, nhưng Son là người từng trải khi đã chơi trên mặt trận công nghệ 35 năm: Son đã thành lập SoftBank, với tư cách là một nhà phân phối phần mềm, vào tháng 9/1981, chỉ một tháng sau khi chiếc máy tính cá nhân (PC) đầu tiên của IBM xuất hiện nhằm nắm bắt cơn sốt buổi đầu của ngành PC.

SoftBank vẫn ở tuyến đầu của các cuộc đầu tư công nghệ vào cuối những năm 1990, đưa giá cổ phiếu lên mức cao kỷ lục 22.000 JPY vào năm 2000 (tới giờ SoftBank chưa quay trở lại mức giá này). Cũng chính vào năm 2000, Son đã đầu tư 20 triệu USD vào một startup thương mại điện tử nhỏ bé đang chật vật, nhưng công ty đó nay đã trở thành gã khổng lồ Alibaba Group, đang chiếm lĩnh mọi mặt trong ngành mua sắm trực tuyến tại Trung Quốc.

Vào năm 2006, Son đã đồng ý trả 1.800 tỉ JPY (17 tỉ USD) mua lại bộ phận ở Nhật của Vodafone thậm chí khi nền kinh tế chững lại và những đối thủ lớn cũng trở nên e dè. Năm tiếp theo, Apple tung ra iPhone và một năm sau đó, SoftBank đã giành độc quyền phân phối chiếc điện thoại này tại Nhật.

Mục tiêu mới nhất của SoftBank là ARM Holdings, kẻ dẫn đầu ngành di động. ARM thu tiền bản quyền mỗi khi các khách hàng như Apple, Samsung hay Qualcomm sử dụng thiết kế chip của nó, vốn được đánh giá là tiết kiệm năng lượng và có tính hiệu quả cao. Thiết kế chip của ARM hiện có mặt ở 95% smartphone trên thế giới.

“ARM sẽ là một mảnh ghép chiến lược tuyệt vời ở SoftBank vì chúng tôi đầu tư để nắm bắt cơ hội rất lớn do Internet of Things mang lại. Đây là một trong những thương vụ quan trọng nhất mà chúng tôi từng thực hiện”, Son nói.

ARM cấp phép sử dụng thiết kế chip cho bất cứ ai cần gắn chip lên bất cứ thiết bị gì. Do đó, Son tin rằng ARM sẽ đóng vai trò quan trọng trong thời đại Internet of Things, nơi mọi thiết bị được kết nối với nhau. Theo hãng nghiên cứu Gartner, ước tính sẽ có 3,5 triệu thiết bị kết nối tiêu dùng được sử dụng chỉ trong năm nay và 10,6 triệu vào năm 2020. Tổng chi tiêu vào các thiết bị như vậy sẽ đạt 235 tỉ USD vào năm 2016. Đến năm 2018, mỗi hộ gia đình ở các thị trường trưởng thành sẽ sắm 40 thiết bị giao tiếp được với nhau, theo ước tính của Gartner.

“Ngày càng nhiều sản phẩm của ARM được sử dụng nhờ sự phát triển của Internet of Things. Có vẻ như Son đã đưa ra quyết định thực hiện thương vụ thâu tóm vì thị phần và biên lợi nhuận của ARM rất cao và dự kiến sẽ còn tăng lên”, Hideki Yasuda, chuyên gia phân tích tại Ace Research Institute, nhận xét.

Trong khi đó, Shiv Putcha, Phó Giám đốc mảng di động tiêu dùng và viễn thông của hãng IDC khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng: “Nếu bạn nhảy vào một lĩnh vực gì đó để định vị chính mình thì bây giờ là lúc. Toàn bộ các thiết bị được kết nối đang bùng nổ nhưng mới ở giai đoạn sơ khai”. “5G sẽ hiện thực hóa trong 4-5 năm tới và SoftBank lại đến từ nền tảng công nghệ, vì thế họ biết điều gì sẽ diễn ra tiếp theo”, ông nói thêm.

Son không phải là chưa từng “nắm bắt” hụt. SoftBank đã bỏ lỡ cuộc cách mạng phần mềm smartphone dù vừa kiếm được 7,8 tỉ USD nhờ bán 72,2% cổ phần trong nhà phát triển game Supercell Oy cho Tencent (Trung Quốc). Mặc dù định vị SoftBank là một đối thủ toàn cầu của AT&T và Verizon, nhưng thương vụ mua lại Sprint (Mỹ) cũng đã khiến công ty Nhật này gánh thêm món nợ 113 tỉ USD. Sprint hiện vẫn làm ăn thua lỗ, gây sức ép lên tình hình tài chính của SoftBank.

Trong thương vụ ARM, nhà đầu tư có lý do để lo ngại về bảng cân đối kế toán của SoftBank trong ngắn hạn. Công ty vẫn còn ngập trong nợ, với hơn 100 tỉ USD tính đến cuối tháng 3. Công ty sẽ phải vay mượn thêm để hoàn tất thương vụ ARM. Đáng nói hơn, nhà đầu tư cảm thấy bất an khi Son đã trả giá cao hơn tới 43% giá thị trường cho một công ty chỉ đạt 1,5 tỉ USD doanh thu năm 2015. Có nghĩa là ông đã đánh cược vào khả năng của mình trong việc biến ARM, một công ty Anh bị xem là nhỏ xét theo tiêu chuẩn của ngành chip toàn cầu, trở thành một người chơi đóng vai trò trung tâm trong thời đại Internet of Things, một trong những thị trường mới, lớn nhất của ngành công nghệ thế giới.

“Đó là một canh bạc mạo hiểm mà hầu như không có công ty nào ngoại trừ SoftBank sẵn lòng nhảy vào. Một canh bạc chỉ một lần trong đời cho Son”, một nhà quản lý quỹ đầu tư tư nhân tại Tokyo chuyên tập trung vào ngành chip, nhận xét.

Naoshi Nema - chuyên gia phân tích Cantor Fitzgerald ở Hồng Kông, cũng bày tỏ lo ngại: “Câu hỏi lớn nhất là Son muốn làm gì với ARM và làm thế nào ông biện minh cho mức giá cao bỏ ra mua lại công ty này”. Những mối quan ngại nói trên là lý do khiến giá cổ phiếu của SoftBank giảm 11% vào thứ Ba tuần qua (19/7), mức giảm mạnh nhất trong 1 phiên kể từ năm 2012.

Về phía ARM, thương vụ diễn ra vào một thời điểm quan trọng cho công ty thiết kế chip này. Các thiết kế chip của ARM có trong 95% smartphone của thế giới, nhưng Công ty cũng đang tìm cách mở rộng việc sử dụng công nghệ và năng lực đồ họa của mình vào một loạt các thiết bị được kết nối từ xe tự lái, các trò chơi tăng cường thực tế ảo cho đến các thiết bị y tế và robot.

Đứng ở vị thế một công ty độc lập, năng lực đầu tư của ARM lại hạn chế, theo đánh giá của Patrick Moorhead, một chuyên gia phân tích ngành chip Mỹ. Theo ông, với tầm nhìn đầu tư dài hạn hơn của Son và tiềm lực tài chính của SoftBank, ông sẽ có thể đưa ARM ra khỏi lớp áo chật chội này.

Ở một khía cạnh khác, thương vụ cũng cho thấy một sự thật không mấy dễ chịu. Việc đồng bảng Anh - GBP giảm giá mạnh sau sự kiện Brexit (Anh rời khỏi EU) đã khiến cho giá trị đồng tiền này thấp hơn đồng JPY tới 30% so với cách đây 1 năm. Điều đó cho phép Son dễ dàng hơn trong việc đưa ra giá mua cao và phần nào giải thích vì sao ông đã vội vàng chốt thương vụ chỉ trong 3 tuần. Với việc GBP cũng đang giảm mạnh so với các đồng tiền khác như USD và nhân dân tệ - CNY, thương vụ ARM có lẽ báo hiệu mùa săn một số tài sản doanh nghiệp đáng giá của Anh.

>Softbank chi 32 tỷ USD thâu tóm công ty vi mạch hàng đầu thế giới

>Softbank và "canh bạc" viễn thông tại Mỹ

>Internet of Things - IoT: Cuộc đua ngàn tỷ USD

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Canh bạc cuộc đời" của nhà sáng lập Softbank
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO