Cẩn trọng với rủi ro trái phiếu doanh nghiệp

Gia Lê| 16/08/2021 06:00

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tiếp tục tăng nóng từ đầu năm đến nay, bất chấp Nghị định 81/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc thắt chặt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (DN). Đáng lưu ý là rủi ro của kênh đầu tư này vẫn không ngừng bị cảnh báo gần đây.

Cẩn trọng với rủi ro trái phiếu doanh nghiệp

Trong nửa đầu năm nay, tổng lượng TPDN phát hành là 208.900 tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, riêng quý II, lượng TPDN phát hành tăng vọt lên 164.000 tỷ đồng, gấp 3,66 lần lượng phát hành trong quý I/2021 và tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ngân hàng (NH) ở mức thấp như hiện nay, kênh TPDN với lãi suất cao đã thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia cũng là điều dễ hiểu

Thống kê cho thấy, lãi suất TPDN phát hành cao nhất gần đây lên đến 13%/năm, cao gấp khoảng 2,5 lần so với lãi suất gửi tiết kiệm NH. Tuy nhiên, đây cũng chính là một trong những rủi ro mà nhà đầu tư nếu ham lãi suất cao có thể gặp phải, vì thường DN kém chất lượng mới phải phát hành trái phiếu lãi suất cao như thế, nhất là khi lãi suất vay vốn NH hiện nay đã giảm khá thấp.

Trong khi DN vay vốn NH còn được cơ hội miễn giảm lãi, tái cơ cấu nợ, giảm lãi suất, thì những DN tìm vốn tài trợ qua kênh phát hành trái phiếu trong những năm qua không được hưởng những chính sách này. Trước khó khăn do đại dịch Covid-19, khả năng trả lãi định kỳ cũng như mua lại trái phiếu trong giai đoạn tới của DN có thể bị suy giảm, trái chủ có thể bị ảnh hưởng.

Lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao. Nhiều chuyên gia tài chính cảnh báo nhà đầu tư phải hết sức thận trọng, đánh giá kỹ rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu, theo đó cần yêu cầu DN phát hành trái phiếu, tổ chức môi giới cung cấp đầy đủ thông tin như trái phiếu do DN nào phát hành, mục đích phát hành, có tài sản đảm bảo hay không, cam kết của DN phát hành, kỳ hạn phát hành và phương thức trả nợ gốc, lãi, tình hình tài chính của DN. 

Bộ Tài chính cũng đã cảnh báo nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý không mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ như công ty chứng khoán, NH khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của DN phát hành. Với phí tư vấn, bảo lãnh, phát hành cao, không loại trừ khả năng các tổ chức này tìm cách đẩy lượng TPDN phát hành cho nhà đầu tư. Cũng cần biết rằng, các tổ chức này không phải chịu trách nhiệm về việc DN có hoàn trả được tiền gốc, tiền lãi trái phiếu khi đến hạn hay không.

Một rủi ro khác là nằm ở tài sản đảm bảo, khi hầu hết TPDN phát hành trong thời gian qua không có tài sản đảm bảo. Cụ thể, trong số trái phiếu còn lại được phát hành trong nửa đầu năm 2021 có 18,6% được bảo đảm bằng bất động sản, 11% được đảm bảo bằng tài sản, 33% được đảm bảo bằng một phần tài sản, bất động sản và một phần là cổ phiếu, 9,3% được đảm bảo hoàn toàn bằng cổ phiếu và 28% là không có tài sản đảm bảo.

Theo đó, khi DN phá sản, nhà đầu tư nắm những TPDN không có tài sản bảo đảm có thể khó thu hồi vốn. Thậm chí với các tài sản đảm bảo là cổ phiếu, rủi ro cũng rất lớn vì khi DN mất khả năng thanh toán thì giá trị cổ phiếu dùng làm tài sản đảm bảo - thường là của tổ chức phát hành hoặc liên quan đến tổ chức phát hành, cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng.

tr16-3959-1628593133.jpg

Số liệu cũng cho thấy, ngoài nhóm NH, nhóm DN kinh doanh bất động sản tiếp tục dẫn đầu lượng phát hành TPDN. Trong khi đó, dịch bệnh dai dẳng đang khiến cho môi trường kinh doanh của nhóm DN này gặp không ít khó khăn khi thanh khoản của thị trường bất động sản có xu hướng giảm, việc triển khai dự án, mở bán sản phẩm bị gián đoạn, đầu tư công cơ sở hạ tầng đang chậm hơn dự kiến. Các yếu tố này làm tăng chi phí vốn do ứ đọng, ảnh hưởng đến dòng tiền trả nợ gốc và lãi trái phiếu của DN.

Những rủi ro lớn về chính sách đối với các trái phiếu năng lượng cũng được cảnh báo gần đây. Dự thảo Quy hoạch Điện VIII với định hướng đẩy mạnh năng lượng tái tạo và thu hút đầu tư bằng giá điện, cũng là nguyên nhân chính khiến trái phiếu tài trợ các công trình điện mặt trời, điện gió tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua. Tổng số trái phiếu năng lượng phát hành từ năm 2019 đến ngày 30/6/2021 là khoảng 65.000 tỷ đồng. Tuy vậy, từ năm 2019 đến nay, dự thảo này của Bộ Công Thương vẫn đang trong quá trình thẩm định và chưa rõ sẽ sửa đổi theo hướng nào. Các DN năng lượng, đặc biệt là năng lượng mặt trời vẫn đang sản xuất cầm chừng vì sức cầu hạn chế và chờ đợi cơ chế giá mới... 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cẩn trọng với rủi ro trái phiếu doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO