Toạ đàm “Doanh nhân viết và viết về doanh nhân” nằm trong chương trình gặp gỡ tháng 10 với chủ đề “Con đường chúng ta đi”, hướng tới kỷ niệm 18 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2022. |
Thiếu sách về doanh nhân
Chia sẻ tại toạ đàm “Doanh nhân viết và viết về doanh nhân” do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp cùng Hội nhà văn TP.HCM, Công ty Đường sách TP.HCM, Hội đồng Sách doanh nhân, Hội Xuất bản Việt Nam - Văn phòng đại diện phía Nam tổ chức ngày 5/10, bà Trịnh Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM cho rằng, sách là kho tàng trí thức của nhân loại, kho tàng ấy sẽ càng giá trị hơn khi những doanh nhân, những người thành đạt viết về mình bởi chất chứa trong đó là tất cả tư tưởng, tầm nhìn, chiến lược, ý chí, bài học kinh nghiệm, thất bại, thành công. Tuy nhiên, các tác phẩm văn chương hiện nay không nhiều tác phẩm viết về đề tài doanh nhân, doanh nghiệp (DN) và những quyển sách hay viết về DN, doanh nhân lại càng hiếm. Lâu nay các nhà văn dường như “bỏ ngỏ” mảng đề tài đặc biệt hữu ích và thú vị này.
Bởi theo bà Bích Ngân, trong sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước, doanh nhân là lực lượng không chỉ giữ vai trò then chốt. Hoạt động của đội ngũ doanh nhân và hệ thống DN không chỉ tác động tới diên mạo kinh tế xã hội quốc gia mà còn có thể tác động tới sự thay đổi của cơ cấu kinh tế toàn cầu và cũng có thể làm thay đổi cả sự tồn sinh của cả nhân loại. Họ không chỉ là “người chiến sĩ” quả cảm tiên phong của thời bình mà là đội ngũ giàu trí tuệ, đầy trách nhiệm với cộng đồng, với dân tộc, với đất nước, nên doanh nhân là người dám thay đổi, dám bứt phá để vươn lên, giành lấy cơ hội hội nhập toàn cầu…
Ở một góc độ khác, nhà văn Lê Thiếu Nhơn cho rằng, sách viết về doanh nhân và sách do doanh nhân viết đang là một mảng đề tài sôi động trên thị trường sách. Thế nhưng, giá trị thông tin và giá trị thẩm mỹ của dòng sách doanh nhân vẫn tồn tại nhiều hạn chế và bất cập. Sách viết về doanh nhân Việt Nam phổ biến vài năm gần đây chủ yếu là tập hợp những bài viết nhỏ lẻ, chia sẻ những bí quyết thành công hoặc những kinh nghiệm làm giàu. Hầu hết những cuốn sách liên quan đến doanh nhân Việt được thiết lập theo tiêu chí “người tốt, việc tốt”, chứ không tuân thủ theo tiêu chuẩn “người thật, việc thật”… và không thuyết phục bằng sách doanh nhân nước ngoài.
Tổng biên tập Trần Hoàng chia sẻ tại tọa đàm |
Cũng theo nhà văn Lê Thiếu Nhơn, đến giờ mới bàn về vấn đề này đã muộn. Tuy nhiên, muộn còn hơn không. Và để thể hiện bản lĩnh doanh nhân Việt thời hội nhập thì sách viết về doanh nhân và sách do doanh nhân viết phải là sách trắng về tâm tư doanh nhân Việt.
“Đó phải là chân dung doanh nhân trong tổng thể những tác động của đạo đức kinh doanh, triết lý kinh doanh lẫn văn hóa kinh doanh. Muốn nâng cao phẩm chất dòng sách liên quan đến doanh nhân, phải phát huy văn học ứng dụng. Bên cạnh những tiểu thuyết đề cao tính sáng tạo, rất cần sự hình thành đội ngũ tác giả chuyên viết tiểu sử doanh nhân, có kiến thức chuyên môn và có bút pháp ấn tượng”, nhà văn Lê Thiếu Nhơn chia sẻ.
Tư liệu quý cho giới trẻ
Theo ông Trần Hoàng - Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn, mỗi doanh nhân thành công đều có một cuốn sách gối đầu giường để tìm ra định hướng kinh doanh, điều hành công ty. Khi các doanh nhân viết sách và chia sẻ những bài học kinh nghiệm, triết lý kinh doanh tới cộng đồng có ý nghĩa khích lệ, truyền cảm hứng vô cùng lớn tới giới trẻ, nhất là những bạn trẻ đang trong quá trình lập thân, lập nghiệp. Giúp họ rút ngắn hành trình chạm tới thành công.
Tuy nhiên, hiện nay các trường đại học đa phần là lấy những cuốn sách của doanh nhân nước ngoài để giảng dạy hoặc truyền cảm hứng cho sinh viên. Điều ấy tốt nhưng chưa trọn vẹn vì văn hóa của Việt Nam khác với các nước. Vì vậy, “việc có nhiều sách hay do doanh nhân Việt viết và viết về doanh nhân Việt để giảng dạy hoặc truyền cảm hứng cho giới trẻ sẽ gần gũi hơn và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam”, ông Trần Hoàng phân tích.
Cùng quan niệm nay, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình, Chủ tịch Hội đồng Sách Doanh nhân cho rằng, người doanh nhân hiện nay giống như một chiến sỹ trên mặt trận kinh tế, họ mang trong mình sứ mệnh đóng góp vào sự hùng cường của quốc gia và hòa bình và thịnh vượng của thế giới. Và thông qua sách, các tác phẩm do doanh nhân viết hoặc sách viết về doanh nhân là một cách để công chúng hiểu hơn về những gian khó và đồng cảm với lực lượng doanh nhân trong thời đại mới. Đặc biệt, dưới các góc nhìn của nhà văn hình ảnh người doanh nhân sẽ trở nên gần gũi và bình dị với công chúng.
Các doanh nhân và nhà văn tham gia tọa đàm |
Bởi, “Với mỗi doanh nhân, những người đã có nhiều trải nghiệm trong việc điều hành và kinh doanh, khi viết hoặc chia sẻ lại câu chuyện của chính họ, sẽ là một tư liệu quý cho giới trẻ khởi nghiệp học hỏi, rút kinh nghiệm trên hành trình khởi nghiệp, chinh phục những mục tiêu kinh doanh mới”, ông Lê Viết Hải nhận định.
Với thực tế thiếu sách về doanh nhân, bà Trịnh Bích Ngân mong trong thời gian tới, giới văn chương sẽ có sự kết nối với đội ngũ doanh nhân để có nhiều tác phẩm thực sự có giá trị để giúp độc giả khám phá thêm nhiều điều, không chỉ về đời sống tinh thần của các doanh nhân. Hội nhà văn TP.HCM muốn góp phần “chắp cánh” cho các tác phẩm của các doanh nhân, giúp các tác phẩm có giá trị nghệ thuật, nhằm tạo sức hấp dẫn hơn đối với công chúng.
Tại sự kiện, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn và Hội Nhà văn TP.HCM ký kết thỏa thuận hợp tác để phối hợp tìm kiếm các gương mặt doanh nhân điển hình có thành tích trong lĩnh vực kinh doanh và đóng góp cho cộng đồng xã hội, để triển khai viết sách, đưa vào tủ sách doanh nhân Việt Nam. Theo đó, hai bên sẽ phối hợp tổ chức các sự kiện gắn với việc viết về doanh nhân; phối hợp trong việc viết bài, truyền thông trên Doanh Nhân Sài Gòn liên quan đến đời sống văn hóa, cuộc sống của doanh nhân. Tổ chức viết sách về doanh nhân điển hình, có đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển TP.HCM để đưa vào tủ sách doanh nhân Việt Nam. |