Đầu thế kỷ XX, cụ Lương Văn Can đã khởi xướng truyền bá đạo đức kinh doanh thông qua hai cuốn sách Kim cổ cách ngôn và Thương học phương châm. Nhiều năm qua, Doanh Nhân Sài Gòn đã truyền bá tư tưởng này và xem đó như một triết lý "đạo làm giàu" cho giới doanh nhân thời đại mới.
Ngay từ thuở sơ khai của kinh thương, dù lúc đó những người làm kinh doanh chỉ được gọi là "nhà buôn, con buôn" chứ chưa được tôn vinh doanh nhân như ngày nay nhưng cụ Lương Văn Can đã dạy: "Làm kinh doanh là tạo ra lợi nhuận nhưng lợi nhuận đó không đi ngược với lợi ích cộng đồng. Nhà buôn cần có đủ thương đức, thương tài mới cạnh tranh được với tư bản thế giới". Và trong thời đại hôm nay, triết lý và đạo đức kinh doanh của cụ vẫn được xem là sợi chỉ đỏ xuyên suốt suy nghĩ và hành động của giới doanh nhân Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn của đại dịch 2020, tinh thần đó càng được thể hiện rõ nét nhưng không chỉ là thương đức, thương tài mà còn là ý chí vượt khó, không ngừng sáng tạo, đổi mới, linh hoạt xoay chuyển tình thế chứ không lùi bước để duy trì hoạt động kinh doanh, tạo ra lợi nhuận chân chính đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, đem lại nhiều thành quả cho cộng đồng và xã hội.
Một ngày đầu tháng 1/2021, ngồi trò chuyện với bà Thúy Bình - Phó tổng giám đốc Vietjet, tôi thật sự bất ngờ khi nghe bà báo tin: "Vietjet nửa cuối năm 2020 tăng trưởng tốt, nhờ vậy doanh thu cả năm... thoát lỗ".
Điều gì đã khiến Vietjet làm được kỳ tích đó khi những tháng đầu năm 2020 doanh thu Vietjet tuột dốc và lỗ? Phó tổng giám đốc Vietjet bắt đầu bằng lời "cảm ơn cô Vy đã cho chúng tôi một năng lượng đặc biệt để chúng tôi phải làm nhiều hơn, nghĩ nhiều hơn và... đi nhanh hơn".
Năng lượng đặc biệt mà Phó tổng giám đốc Vietjet nói đến là sự đoàn kết của cả đội ngũ từ nhân viên đến lãnh đạo, từ các đối tác đến những người đồng hành. Chính đoàn kết đã cho họ năng lượng để tự tin và có những suy nghĩ tích cực. Bà giải thích: "Đầu năm 2020, Vietjet đã đặt kế hoạch phát triển các đường bay quốc tế và nội địa nhưng ngay sau khi Covid-19 xảy ra, chúng tôi phải giảm tần suất chuyến bay và gần như mọi hoạt động phải nằm im. Thế nhưng ngay lúc đó, tinh thần đoàn kết trỗi dậy và cùng nhau, chúng tôi quyết tâm phải làm sao trong khó khăn vẫn tìm thấy cơ hội và mang lại điều có ích cho xã hội.
Nghĩ nhanh, làm nhanh, chúng tôi quyết định chuyển đổi chuyến bay chở khách sang chuyên chở hàng hóa trong nội địa và quốc tế. Sự linh hoạt này đã tạo nền tảng cho một loại hình kinh doanh mới của Vietjet trong năm nay và đóng góp doanh thu chính cho Vietjet.
Cũng trong khó khăn, một loạt ý tưởng sáng tạo được bật ra. "Có những việc, những ý tưởng phải triển khai ba năm mới xong thì trong mùa Covid-19 chúng tôi chỉ mất có ba tháng", bà Bình nói. Ví dụ như dịch vụ mặt đất tại sân bay Nội Bài, trước đây Vietjet đã tính đến việc đi thuê ngoài nhưng bây giờ chỉ trong ba tháng đã đi vào hoạt động và dịch vụ này đã giúp Vietjet tiết kiệm được chi phí, đặc biệt chủ động được dịch vụ và chăm sóc khách hàng tốt hơn.
Hay nhờ làm việc online mà công cuộc chuyển đổi số năm 2020 của Vietjet tăng tốc và "chạy" nhanh bất ngờ. Rất nhiều dịch vụ mới trên nền tảng chuyển đổi số ra đời giúp tiết kiệm chi phí, số giấy tờ sử dụng trong năm Covid-19 giảm đáng kể, nhiều phần mềm ứng dụng cho quản trị kinh doanh đã phát huy hiệu quả. Đặc biệt, nhiều sản phẩm mang lại hiệu quả kinh doanh đột phá như vé máy bay "Mua một lần bay cả năm" với giá mua sỉ nhưng thời gian sử dụng đến 6 tháng hay một năm. Hay sản phẩm "Quà tặng dành cho người thân" được tung ra vào dịp Tết té nước tại Thái Lan cũng tạo ra trào lưu mới trên mạng, tạo ra một tinh thần xung phong không ngừng trong đội ngũ Vietjet, đó là cho dù tình huống nào cũng phải tạo ra xu hướng mới, trào lưu mới.
"Vẫn biết chuyển đổi số là một xu hướng nhưng nhờ khó khăn của Covid-19, Vietjet mới bước vào chuyển đổi số nhanh như năm 2020", bà Bình nói. Sắp tới, Vietjet sẽ triển khai trang web và ứng dụng trên nền tảng mới. Và cũng nhờ Covid-19, Vietjet có thêm một triết lý để tự tin bước vào năm 2021, đó là "không thay đổi thì không thể tồn tại".
"Cám ơn cô Vy" không chỉ có Vietjet mà còn có Tổng giám đốc HDBank Lê Thành Trung. Ông nói: "Năm 2020, nhờ Covid-19 mà giao dịch ngân hàng online diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ". Những tháng đầu của năm 2020, các ngân hàng rất khó khăn, phải cắt giảm lãi suất và phải cơ cấu lại rất nhiều khoản vay để làm sao duy trì nền kinh tế khỏe mạnh. Được ví như mạch máu của nền kinh tế nên ngân hàng phải mạnh. Nếu mạch máu không khỏe, không tốt thì cơ thể không thể khỏe được. Và trong năm 2020, cả hệ thống ngân hàng đã sử dụng tối đa nguồn lực của mình để có nhiều chiến lược kinh doanh phù hợp, linh hoạt, đặc biệt là hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp vững vàng vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.
Riêng HDBank đã dành 5.000 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, 3.000 tỷ đồng tài trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dược, thiết bị - vật tư y tế để đáp ứng nhu cầu và bình ổn thị trường sản phẩm, 1.000 tỷ đồng cho chuỗi nông nghiệp Lộc Trời để đảm bảo sản xuất cung ứng lúa gạo cho cả nước đồng thời tiếp sức cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang có khó khăn vì xâm hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, dành 10.000 tỷ đồng cho vay bình ổn thị trường tiêu dùng sản xuất, hỗ trợ nuôi trồng, chế biến và sản xuất trong nước...
"Những tháng xảy ra Covid-19, từng ngày qua đi cũng là nỗi lo của ban lãnh đạo HDBank. Lo nếu như chỉ cần một nhân viên tại một phòng giao dịch nào đó, trụ sở nào đó bị... dính Covid-19 thì toàn bộ trụ sở đó phải đóng cửa, cách ly sẽ ảnh hưởng đến giao dịch vay vốn, gửi tiền, chuyển tiền...", ông Trung bộc bạch. Và tin vui là HDBank đã đạt kết quả tốt. Một con số đáng mừng là chưa khi nào HDBank có một tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,75% như trong năm 2020, thấp nhất trong toàn hệ thống.
Nhanh nhạy chuyển sang làm khẩu trang, nước rửa tay, đồ bảo hộ để đáp ứng thị trường và cùng Chính phủ chống dịch cũng là tinh thần trách nhiệm với cộng đồng của Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt Trần Văn Long kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư Ecom Med khi thấy tình trạng khan hiếm khẩu trang lại thêm một số kẻ trục lợi bất chính, thu gom khẩu trang đã sử dụng đem tái chế hoặc trữ đẩy giá bán lên cao. Với trách nhiệm đó, ông Long đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để sản xuất trang thiết bị y tế tại tỉnh Tiền Giang, Bắc Ninh và TP.HCM với mục đích không phải vì mục tiêu lợi nhuận mà để cung ứng khẩu trang cho người dân với giá tốt nhất nhưng đạt chuẩn kháng khuẩn cao nhất". Ông Long chia sẻ: "Phải cám ơn Covid-19 vì nếu không có Covid-19, có lẽ chúng tôi cũng chưa dám mạnh dạn đầu tư nhiều như thế và cũng không có một nhà máy sản xuất bài bản, quy củ như hiện nay, nhưng vui nhất là mình đang kinh doanh có ý nghĩa".
Và không chỉ cung ứng trong nước, giữa tâm điểm mùa dịch, những chuyến hàng khẩu trang y tế Ecom Med đã đạt tiêu chuẩn để sang đến đất Mỹ, cung cấp cho hệ thống 360 bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng của Mỹ, góp phần cùng các y bác sĩ tuyến đầu phòng chống dịch tại quốc gia này.