Những gì tồn tại trước và sau chúng ta là những vấn đề rất nhỏ so với những gì tồn tại trong chính chúng ta - Ralph Waldo Emerson |
Không thể sống mà không có bất cứ cảm xúc nào. Trong nhiều trường hợp, cảm xúc là động cơ căn bản dẫn dắt hành động. Tuy nhiên, cảm xúc cũng có thể làm sai lệch phán đoán và thúc đẩy hành động phi lý trí. Khi bị kích động hoặc rơi vào trạng thái hưng phấn quá mức, cảm xúc có thể chiếm lấy tâm trí và làm lu mờ năng lực phán đoán.
Trên thực tế, một người có thể giảm được phần lớn các vấn đề trong sự nghiệp và cuộc sống bằng cách quản trị cảm xúc và quan hệ xã hội. Riêng trong lĩnh vực kinh doanh, người sở hữu trí tuệ cảm xúc có ít nhất 2 lợi thế. Đầu tiên, họ sẽ đạt được hiệu quả cao trong công việc, nhất là với các nhiệm vụ bên ngoài văn phòng. Những nhà lãnh đạo, nhà quản lý giàu EI cũng thường vận hành công việc tốt hơn những nhà lãnh đạo, quản lý khác.
Theo một nghiên cứu của Talent Smart, EI đóng góp đến 58% cho sự thành công trong sự nghiệp của một người. Người sở hữu EI cao thường có mức lương cao hơn người khác, trung bình 29.000 USD/năm.
Link bài viết
Trong khi đó, TS. Travis Bradberry - đồng sáng lập, Chủ tịch TalentSmart, đồng tác giả cuốn sách Emotional Intelligence 2.0 (Trí tuệ cảm xúc 2.0) cho biết, một người vẫn có thể thành công mà không cần đến EQ nhưng cơ hội rất thấp. Theo Bradberry, trong tất cả những trường hợp ông từng nghiên cứu, đến 90% người thành công trong sự nghiệp sở hữu chỉ số thông minh cảm xúc (EQ) cao.
Thêm vào đó, EI giúp một người dễ dàng đạt và duy trì hạnh phúc. Một nhân viên hạnh phúc là tài sản vô giá cho DN vì họ sẽ làm việc nhóm tốt hơn, làm việc với năng suất cao hơn và sáng tạo hơn cũng như mang lại trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ tốt hơn cho khách hàng, qua đó giúp tăng doanh thu.
Vậy, làm thế nào để rèn luyện và nâng cao EI một cách hiệu quả?
Câu chuyện của Clara Barton
Clara Barton - người sáng lập Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ nổi tiếng là người tận tuỵ với công việc, dù tuổi cao nhưng bà vẫn sẵn sàng đến bất cứ nơi nào có nỗi đau để chia sẻ và giúp đỡ. Năm 77 tuổi, bà vẫn xung phong đến chiến trường Cuba trong trận chiến giữa Tây Ban Nha và Mỹ. Sau đó, bà tiếp tục công việc thiện nguyện đến lúc qua đời ở tuổi 91. Trong cuộc đời, hầu như bà không bao giờ cằn nhằn bất kỳ ai.
Một lần, người cộng sự đã nhắc lại câu chuyện buồn, trong đó có lời xúc phạm của một người gây ra cho bà nhiều năm trước. Tuy nhiên, Barton vẫn bình thản. Người cộng sự ngạc nhiên hỏi: "Chị không nhớ tới những đau buồn người đó đã gây ra sao? Câu chuyện tệ hại như thế mà!". Barton bình thản: "Không, tôi không nhớ! Hay nói đúng hơn, tôi nhớ rất rõ là đã quên chuyện ấy rồi".
Nhìn nhận và gọi tên cảm xúc là một trong những bước đi cần thiết để cải thiện khả năng nhận thức cảm xúc của bản thân |
Nhiều người, vì trải qua đau khổ, buồn rầu trong cuộc sống mà trở thành "một nhà kho" chất chứa sự chua cay và cáu giận. Cuộc sống của họ đầy cảm xúc tiêu cực. Họ có khuynh hướng hồi nhớ nỗi đau đã qua, và cho rằng "Nỗi đau đã hủy hoại cuộc đời mình". Tuy nhiên, "những gì tồn tại trước và sau chúng ta là những vấn đề rất nhỏ so với những gì tồn tại trong chính chúng ta". (Ralph Waldo Emerson).
Thế nên, điều quan trọng không phải là bản thân chúng ta đã trải qua hay sẽ đối mặt với những cảm xúc như thế nào, mà là làm như thế nào để có thể kiểm soát được cảm xúc. Trong trường hợp của Clara Barton, bà đơn giản lựa chọn từ chối cảm xúc tiêu cực liên quan đến câu chuyện buồn và lời xúc phạm trong quá khứ.
Muốn sở hữu EI giống như Barton, có khó không?
Hãy xem cảm xúc là dữ liệu
Bà Nguyễn Phi Vân - Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia, Chủ tịch mạng lưới đầu tư Thiên thần Việt Nam cho rằng: "Cảm xúc, nếu chúng ta hiểu đúng về nó, chỉ là dữ liệu thô. Cảm xúc chỉ nằm trên bề mặt và cho ta biết bản thân đang có một cảm giác nào đó. Còn tại sao có cảm giác đó thì đôi khi chúng ta lại không biết".
Nữ doanh nhân Nguyễn Phi Vân |
Nhận xét này này được bà Vân chia sẻ tại sự kiện trực tuyến EI @WORK: Trí tuệ cảm xúc cho người đi làm, thuộc chuỗi toạ đàm Tư duy linh hoạt - Vượt qua thách thứcdo Saigon Books và VietGrow phối hợp tổ chức.
Bên cạnh mục tiêu gây quỹ cho chương trình ATM - Túi thuốc cứu người, chuỗi toạ đàm kỳ vọng sẽ giúp người tham gia nhanh chóng tháo gỡ những trăn trở liên quan đến công việc và cuộc sống, cũng như nâng cao năng lực cá nhân lẫn sự linh hoạt trong tư duy trước tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay.
Tại toạ đàm, bà Vân cho biết, cảm xúc được thể hiện qua ngôn từ, giọng điệu, ngôn ngữ hình thể và cử chỉ, song "chúng chỉ là phần nổi của tảng băng". 90% phần chìm của tảng băng là những yếu tố tác động đến cảm xúc như hệ niềm tin, hệ giá trị, thiên kiến, thành kiến, trải nghiệm, nỗi sợ hãi và mong muốn của một người.
Gọi tên, nhìn nhận và chỉ ra đúng các yếu tố thuộc vào phần chìm của "tảng băng cảm xúc" là phương pháp hữu hiệu giúp mỗi người đưa ra các quyết định, lựa chọn phù hợp cho cuộc sống.
Bước chân đầu tiên của việc kiểm soát tốt cảm xúc là nhận thức rằng, chúng chỉ đơn giản là dữ liệu thô.
Để cảm xúc không chiếm lấy tâm trí, ảnh hưởng đến sự phán đoán lẫn hành động, hãy nhìn chúng từ ngôi thứ 3, xem chúng là một loại dữ liệu, và tập phân tích những sự thật ngầm (insight) đằng sau chúng.
"Chúng ta học rất nhiều về thế giới bên ngoài nhưng chưa ai dạy chúng ta học về bản thân. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất để hạnh phúc và bình an chính là học về bản thân mình", bà Vân khuyên.