Hướng dẫn viên là cầu nối quảng bá hình ảnh, thương hiệu doanh nghiệp cũng như ngành du lịch Việt Nam tới du khách - Ảnh: X.Thảo |
Mặc dù được đánh giá chất lượng không thua gì các nước trong khu vực nhưng vẫn còn nhiều hướng dẫn viên du lịch Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu của du khách. Nhiều hướng dẫn viên có ngoại ngữ tốt thì lại yếu về nghiệp vụ. Đó là chưa kể có không ít hướng dẫn viên không có bằng cấp, không thẻ hành nghề khiến tour bị "vỡ".
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, một hướng dẫn viên chuyên nghiệp cần biết giải quyết vấn đề của du khách một cách linh hoạt bởi họ là người duy nhất có thể kết nối trực tiếp với các đơn vị tổ chức và công ty lữ hành khi có rắc rối xảy ra. Đội ngũ hướng dẫn viên du lịch đóng vai trò quan trọng, mang tính quyết định thành công đối với một chương trình tour, cũng là cầu nối quảng bá hình ảnh, thương hiệu doanh nghiệp cũng như ngành du lịch Việt Nam tới du khách, nhất là du khách nước ngoài.
Theo ông Vũ Thế Bình - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cả nước hiện có trên 23.000 hướng dẫn viên nhưng chỉ có khoảng 5% hướng dẫn viên ký hợp đồng lao động với các doanh nghiệp lữ hành, 95% hướng dẫn viên còn lại là cộng tác viên hoặc hướng dẫn viên tự do.
Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam không tiến hành phân loại và xếp hạng hướng dẫn viên, nhiều hướng dẫn viên du lịch có quá trình hành nghề xuất sắc nhưng không được công nhận và vinh danh, do đó không được các công ty lữ hành trả thù lao xứng đáng. Việc không phân loại và xếp hạng hướng dẫn viên đã làm giảm sự phấn đấu học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp của hướng dẫn viên, gây khó khăn cho các công ty lữ hành trong việc tìm kiếm, ký kết hợp đồng và trả thù lao.
Nhằm cải thiện chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên, Hiệp hội Du lịch Việt Nam triển khai chương trình "Xếp hạng hướng dẫn viên du lịch Việt Nam". Ông Bùi Văn Dũng - Phó chủ tịch thường trực Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam cho biết, việc xếp hạng được thực hiện thông qua đánh giá, cho điểm trên 3 tiêu chí, gồm năng lực, kiến thức, kỹ năng. Trong từng tiêu chí có nhiều nội dung liên quan đến việc đánh giá trình độ, nghiệp vụ, kinh nghiệm, kỹ năng.
Đây là chương trình được thực hiện với sự tài trợ của Liên minh Châu Âu. Theo đó, từ ngày 22 - 24/10, việc thẩm định xếp loại hướng dẫn viên sẽ triển khai thí điểm tại TP.HCM. Trong kỳ xếp hạng này, TP.HCM sẽ thẩm định khoảng 60 hướng dẫn viên trong hơn 200 hội viên của Hội. Các hướng dẫn viên đạt từ 51 điểm trở lên sẽ được xếp hạng 3 sao (hạng bạc), 4 sao (hạng vàng) và 5 sao (hạng bạch kim).
Chia sẻ về chương trình, bà Nguyễn Thị Khánh - Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, việc xếp hạng hướng dẫn viên đã được nhiều nước trong khu vực và thế giới thực hiện. Trong nước, một số đơn vị lữ hành lớn cũng tổ chức xếp hạng hướng dẫn viên, nhưng chỉ trong phạm vi nội bộ. Vì thế, Hiệp hội tổ chức chương trình nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên, xác lập đẳng cấp cho hướng dẫn viên, tạo thuận lợi cho các đơn vị lữ hành ký kết hợp đồng với hướng dẫn viên.
Trong quá trình thí điểm sẽ điều chỉnh, cập nhật và bổ sung nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí thẩm định, xếp hạng hướng dẫn viên, qua đó đưa việc quản lý hướng dẫn viên vào nề nếp.
Nhiều doanh nghiệp cho biết rất cần bảng xếp hạng hướng dẫn viên này. Bởi, thời gian qua, du lịch Việt Nam phát triển mạnh, lượng khách tăng nhanh nhưng sản phẩm du lịch, nhân lực của ngành chưa theo kịp xu hướng phát triển.
Do lượng khách tăng nhanh, lượng hướng dẫn viên thiếu nên nhiều doanh nghiệp phải sử dụng hướng dẫn viên có chất lượng không như mong muốn làm ảnh hưởng đến chất lượng tour cũng như uy tín của doanh nghiệp lữ hành.
Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2018, Hội Hướng dẫn viên Du lịch Việt Nam sẽ triển khai chương trình xếp hạng tại TP.HCM, Hà Nội, Quảng Ninh và một số tỉnh thành khác. Sau chương trình xếp hạng thí điểm, năm 2019, Hội sẽ tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí và quy chế xếp hạng để tiến tới việc xếp hạng cho tất cả hướng dẫn viên có mong muốn tham gia.