Đào tạo tại nơi làm việc
Đào tạo tại nơi làm việc là tiến hành đào tạo ngay trong lúc đang làm việc (on-the-job-training), khác với đào tạo ngoài nơi làm việc hay tạm ngưng công việc để học (off-the-job training). Đây là loại đào tạo phổ biến nhất tại mọi cấp độ tổ chức.
Phương thức thường dùng nhất là kèm cặp, hướng dẫn tại chỗ. Có nhiều hình thức kèm cặp chính thức và không chính thức tại nơi làm việc. Phổ biến nhất là việc cử những nhân viên có kinh nghiệm làm việc lâu năm chỉ dẫn trực tiếp về kỹ năng, tay nghề cho nhân viên mới.
Cũng có những hình thức khác như huấn luyện, là quá trình cung cấp những chỉ dẫn và hướng dẫn, kèm theo đó là sự kiểm tra, giám sát, góp ý chỉnh sửa để người học cải thiện kiến thức, kỹ năng, thái độ và thành tích công việc. Hình thức hướng dẫn và tư vấn liên quan đến một mối quan hệ trong đó người hướng dẫn không chỉ đào tạo để nhân viên làm công việc của họ tốt hơn, mà còn chia sẻ kinh nghiệm.
Thực tập sinh là dạng đào tạo tại nơi làm việc kết hợp đào tạo công việc với sự giảng dạy trong lớp ở các trường thương mại, trung học, cao đẳng, đại học. Thực tập sinh được trải nghiệm "thế giới thực", một cơ hội để tiếp cận thực tế công việc tại một tổ chức.
Thực tập viên là một dạng khác, trong đó chương trình thực tập cung cấp cho nhân viên trải nghiệm trong công việc, dưới sự hướng dẫn của một nhân viên có kỹ năng được chứng nhận. Thực tập viên thường được sử dụng nhiều để đào tạo trong lĩnh vực kỹ năng thủ công, như nghề mộc, thợ xây, khắc hình, sắp chữ, hàn, tiện... Thời gian thường kéo dài từ hai đến năm năm, nhận mức lương thấp hơn nhân viên có chứng chỉ.
Ngoài ra, còn có các dạng đào tạo hướng dẫn công việc hay luân phiên công việc.
Đào tạo ngoài nơi làm việc
Phương thức phổ biến nhất là tổ chức đào tạo tại lớp và hội thảo (classroom courses and conference). Các cuộc họp chuyên đề (seminars), các khóa học và các buổi thuyết trình có thể sử dụng trong cả việc đào tạo kỹ năng và đào tạo phát triển.
Các bài giảng và thảo luận là một phần quan trọng của dạng đào tạo này. Các khóa đào tạo ngắn ngày, bài giảng do công ty soạn thảo, thường bao gồm đào tạo tại lớp và hội nghị. Một số công ty lớn còn thiết lập "trường đại học" riêng để cung cấp lớp học và đào tạo cho nhân viên, như Đại học Motorola, Đại học Equifax, Đại học FPT, Cao đẳng Vinatex...
Lợi thế của đào tạo trong lớp là hầu như quen thuộc với mọi người, nhưng có bất lợi là khuyến khích sự lắng nghe thụ động và giảm sự tham gia của học viên, ít cơ hội để học hỏi, làm rõ, và thảo luận nội dung bài giảng. Một số chương trình đào tạo tại lớp học thường nhắm đến việc đào tạo trải nghiệm hành vi (behaviorally experienced training), tập trung vào thái độ, nhận thức, các vấn đề tương tác giữa các cá nhân và đào tạo quan hệ con người (human relations training). Ngoài việc thuyết giảng, các phương pháp đào tạo thường gặp của dạng này là nghiên cứu tình huống (case studies), đóng vai (role playing) và mô phỏng (simulations).
Một phương thức khác đang dần trở nên phổ biến, đặc biệt đối với các công ty đa công nghệ hay đa quốc gia, là đào tạo từ xa (distance training) và đào tạo qua phương tiện (media training). Đào tạo từ xa thường sử dụng truyền hình tương tác hai chiều để trình bày cho lớp học. Phương tiện này cho phép một giảng viên ở một nơi quan sát và đáp ứng một "lớp học" ở nhiều địa điểm.
Đào tạo qua phương tiện có thể dùng dụng cụ thính thị (audiovisual aids) như băng tiếng, băng hình, phim, hội nghị từ xa qua video tương tác, cho phép truyền đạt thông tin không thể trình bày trong lớp học. Công cụ nghe nhìn có thể gắn với hệ thống truyền thông vệ tinh để chuyển cùng một thông tin, như chi tiết về sản phẩm mới, tới nhân viên bán hàng toàn quốc hay toàn khu vực.
Một loại phương tiện khác là giảng dạy với sự trợ giúp bằng máy tính, cho phép học viên học qua tương tác với một máy vi tính. Việc áp dụng công nghệ CAI được thúc đẩy bởi nhu cầu cải thiện hiệu suất hay hiệu quả của tình huống đào tạo, tăng cường sự chuyển giao kinh nghiệm để cải thiện thành quả công việc.
Máy tính phục vụ tốt việc giảng dạy, trắc nghiệm, thực hành, áp dụng qua mô phỏng. Một lợi thế quan trọng của mọi hình thức CAI là cho phép người học tự định hướng, tự xác định cách thức học theo tốc độ riêng, và thường có thể được dùng ở nơi làm việc.