Bột ngọt và chất điều vị trong hạt nêm: Hai mà một

CÁC NGỌC| 06/10/2008 05:54

Những vụ việc tai tiếng về an toàn vệ sinh thực phẩm liên tục xảy ra khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng. Ai cũng muốn được ăn ngon, ăn bổ, nhưng lắm lúc những thông tin từ các nhà sản xuất và các cơ quan chức năng làm mọi người hoang mang. Nhất là đến nay vẫn còn rất nhiều chất phụ gia dùng trong thực phẩm không được qui định rõ ràng nên nhà sản xuất có thể lợi dụng đánh lừa người tiêu dùng.

Bột ngọt và chất điều vị trong hạt nêm: Hai mà một

Những vụ việc tai tiếng về an toàn vệ sinh thực phẩm liên tục xảy ra khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng. Ai cũng muốn được ăn ngon, ăn bổ, nhưng lắm lúc những thông tin từ các nhà sản xuất và các cơ quan chức năng làm mọi người hoang mang. Nhất là đến nay vẫn còn rất nhiều chất phụ gia dùng trong thực phẩm không được qui định rõ ràng nên nhà sản xuất có thể lợi dụng đánh lừa người tiêu dùng.

BỘT NÊM TỐT HƠN BỘT NGỌT?

Đã nhiều năm nay, các bà nội trợ, thậm chí các chuyên gia ẩm thực dạy nấu ăn trên tivi sử dụng hạt nêm làm gia vị vì chỉ cần dùng một loại này là thay cho muối + đường + bột ngọt, và nhiều người nghĩ trong hạt nêm kia không có bột ngọt.

Quả thật, xem quảng cáo trên tivi, báo chí, thấy hình ảnh hạt nêm từ thịt, từ sườn, từ xương, từ tôm, từ nấm, từ hạt sen tươi... người ta dễ tin hạt nêm thay thịt, cá từ vị ngọt đến bổ sung chất bổ dưỡng.

Đọc thành phần hạt nêm ghi trên bao bì các sản phẩm, không thấy nhà sản xuất ghi có bột ngọt mà chỉ thấy chất điều vị 621, 627 và 631. Có lẽ ít người tiêu dùng nào chú ý “chất điều vị” là gì vì hầu hết bao bì sản phẩm hạt nêm quá đẹp, gây ấn tượng một loại phụ gia thực phẩm cao cấp.

Bất chợt mới đây thấy Chin-su quảng cáo “hạt nêm không bột ngọt”, nhiều người giật mình lấy bao bì các loại hạt nêm đã dùng ra xem lại thì thấy không có công bố “hạt nêm không bột ngọt” như vậy. Họ thật sự hoang mang: vậy có gì khác nhau giữa hạt nêm Chin-su và các loại hạt nêm khác; các loại hạt nêm họ đã dùng có hại gì không?

Vào thời điểm trước khi Chin-su đưa ra sản phẩm “hạt nêm không bột ngọt” không lâu, Viện Vệ sinh - Y tế công cộng TP.HCM bất ngờ công bố hàm lượng Monosodium Glutamate trong các loại hạt nêm vị nấm hương Maggi, hạt nêm xương hầm và thịt Aji Ngon, hạt nêm từ thịt Knorr... như một lời cảnh báo càng làm cho người tiêu dùng hoang mang thêm.

Chúng tôi tìm xem “Qui định danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm” theo Quyết định số 3742/2001/QĐ-BYT của Bộ Y tế thì thấy không có chất nào được gọi là bột ngọt, chỉ có nhóm “Các chất điều vị” gồm 8 chất, trong đó có Monosodium Glutamate với mã số 621. Còn chất điều vị mã số 627 và 631 hoàn toàn không thấy trong danh mục này.

Để đối chiếu xem bột ngọt có phải là từ dân gian Việt Nam đặt cho chất điều vị Monosodium Glutamate với mã số 621 không, chúng tôi gặp bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh - Y tế công cộng. Bác sĩ Mai cho biết: bột ngọt đúng là tên dân gian gọi các chất điều vị, nhưng chất Monosodium Glutamate thường được sử dụng nhiều hơn nên khi nói đến bột ngọt người ta nghĩ ngay đến Monosodium Glutamate.

Tuy nhiên, bác sĩ Mai còn cho biết Ủy ban hỗn hợp về phụ gia thực phẩm (JECFA) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định các chất điều vị 621 không độc, việc chúng gây dị ứng cho một số người là do cơ địa của họ không thích ứng.

KHÔNG TRONG DANH MỤC, CÓ ĐƯỢC SỬ DỤNG?

Chúng tôi lại đưa ra thắc mắc: vì sao trong danh mục phụ gia thực phẩm của Bộ Y tế không thấy có chất điều vị 627 và 631, vậy nhà sản xuất sử dụng sản xuất hạt nêm có bị xem là vi phạm không?

Bác sĩ Mai giải thích: Ba chất điều vị 612, 627, 631 đều có thể sử dụng làm phụ gia và JECFA đều không qui định hàm lượng tối đa, tối thiểu sử dụng, nên hạt nêm có từ 25% đến trên 30% là do nhà sản xuất. Điều đáng nói là chưa thấy nhà sản xuất nào công bố tỷ lệ này nên người tiêu dùng bình thường luôn nghĩ chất điều vị không là gì đáng quan tâm.

Còn lý do trong phụ lục Bộ Y tế không có chất 627, 631 là do những người biên soạn phụ lục này không kỹ lưỡng. Bác sĩ Mai nói thêm: “Có thể các chất điều vị 627, 631 nằm trong nhóm từ “bao gồm các chất tương tự như muối” (?), khi biên soạn người ta cứ nghĩ viết như thế là người dân hiểu được, dân ta thông thái.

Vì vậy, mỗi lần xuất bản lại phải khắc phục, có ý kiến để mà sửa chữa. Như từ số thứ tự 328 - 335 chỉ ghi tên chứ không có gì thêm. Cuốn sách nào của mình cũng thế, phía đầu thì tỉ mỉ, càng về sau mỏi tay thì giảm dần (nội dung)”.

Bác sĩ Mai khẳng định việc các nhà sản xuất không ghi rõ hàm lượng chất điều vị (bột ngọt) trong hạt nêm là đã không trung thực với người tiêu dùng. Việc hạt nêm Chin-su có chất điều vị 627 và 631 nhưng Chin-su ghi “hạt nêm không bột ngọt” là không đúng vì chính Bộ Y tế không xác định chất điều vị nào là bột ngọt, chất nào không phải.

Nhìn lại thị trường, hạt nêm đã lấn sân bột canh Vifon, Thiên Hương, Vị Hương giá rất rẻ một thời được sử dụng nhiều vì những bao hạt nêm bắt mắt hơn. Việc được tự công bố chất lượng sản phẩm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà sản xuất, nhưng cứ “đánh lận” người tiêu dùng như cách doanh nghiệp sản xuất hạt nêm đã làm thì cần có sự phân tích rạch ròi của cơ quan quản lý Nhà nước.

Nếu không, chính lời giải thích không nhất quán của các cơ quan quản lý sẽ làm người tiêu dùng hoang mang vì hiểu sai về sản phẩm, bỏ tiền mua chất điều vị mà tưởng rằng mua thịt giá rẻ.

CÁC NGỌC

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bột ngọt và chất điều vị trong hạt nêm: Hai mà một
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO