Bị trả lương ít hơn vì... béo phì?
Tại Mỹ, béo phì có thể làm giảm tiền lương của cả nam lẫn nữ giới và mức giảm có thể lên đến 8%.
Người béo phì dễ bị kỳ thị ở nhiều nơi và cả nơi làm việc cũng không ngoại lệ. Từ lâu, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng người lao động bị béo phì, được định nghĩa là người có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 30 trở lên, có thu nhập ít hơn đáng kể so với những người có thân hình mảnh dẻ hơn.
Tại Mỹ, chính quyền một số bang và địa phương thậm chí đang lên kế hoạch ban hành luật chống lại sự phân biệt đối xử này. Trên thực tế, một lệnh cấm kỳ thị như vậy đã có hiệu lực ở thành phố New York vào ngày 22/11 qua. Cụ thể, luật cấm các công ty sa thải nhân viên vì cân nặng của họ hoặc trả lương cho họ thấp hơn những đồng nghiệp gầy hơn.
Hiện, các văn bản tương tự đang được xem xét ở bang New Jersey, Massachusetts, Vermont và đã được áp dụng ở cấp bang tại Michigan từ năm 1976. Các động thái này không phải là không có cơ sở, khi Mỹ là quốc gia có tỷ lệ người béo phì cao nhất so với bất kỳ nước đã phát triển nào (ở mức 39,6%) và gấp đôi mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Và, các nghiên cứu gần đây đã cho thấy mức thu nhập bị giảm sút do việc kỳ thị người béo phì có thể còn lớn hơn nhiều so với quan niệm trước đây. Trong một báo cáo gần đây, Viện Nghiên cứu Việc làm - một tổ chức phân tích và vận động chính sách phi lợi nhuận của Anh, cho biết: "Bằng chứng thuyết phục nhất (cho việc kỳ thị) là chỉ có phụ nữ béo phì mới phải chịu thiệt hại về tiền lương".
Để kiểm tra quan điểm này, The Economist đã tiến hành phân tích dữ liệu có liên quan đến 23.000 công nhân từ một khảo sát ở Mỹ do Cục Thống kê Lao động nước này thực hiện. Theo đó, kết quả phân tích số liệu cho thấy trên thực tế béo phì sẽ gây ảnh hưởng đến thu nhập của cả phụ nữ lẫn nam giới. Được biết, dữ liệu phân tích bao gồm nam giới cùng phụ nữ trong độ tuổi từ 25 đến 54 và đang làm việc toàn thời gian.
Nếu xét tổng thể, đúng là BMI của nam giới không liên quan đến tiền lương của họ. Tuy nhiên, điều này có sự thay đổi đối với nam giới sở hữu bằng đại học. Với họ, béo phì gắn liền mức giảm lương lên đến gần 8%, ngay cả sau khi tính đến những ảnh hưởng riêng biệt của tuổi tác, chủng tộc, trình độ học vấn sau đại học và tình trạng hôn nhân.
Đặc biệt hơn, khi thực hiện lại phân tích bằng cách sử dụng một tệp dữ liệu khác bao gồm gần 90.000 người từ Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, họ cũng nhận được kết quả tương tự. Do đó, có thể kết luận rằng những người lao động sở hữu trình độ học vấn cao có thu nhập giảm sút do cân nặng của họ là đúng cho cả hai giới.
Hơn nữa, trình độ học vấn càng cao thì mức thiệt hại càng nặng. Cụ thể, nhóm nghiên cứu của The Economist phát hiện ra rằng đàn ông béo phì có bằng cử nhân kiếm được ít hơn 5% so với các đồng nghiệp gầy hơn của họ, trong khi người có bằng tốt nghiệp ở trình độ sau đại học kiếm được ít hơn 14%. Với phụ nữ béo phì, con số này thậm chí còn tệ hơn, khi mức thiệt hại tương tự lần lượt là 12% và 19%.
Bên cạnh đó, công việc của mỗi người cũng tạo nên sự khác biệt về mức độ thiệt hại. Khi phân tích các con số cho từng ngành nghề và ngành công nghiệp riêng lẻ, kết quả cho thấy sự chênh lệch lớn nhất trong các công việc đòi hỏi kỹ năng cao.
Ví dụ, nhân viên béo phì trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe kiếm được ít hơn 11% so với các đồng nghiệp gầy hơn, còn trung bình người giữ vai trò quản lý kiếm được ít hơn khoảng 9%. Trong khi đó, ở các lĩnh vực như xây dựng và nông nghiệp, béo phì thực sự có liên hệ với mức lương cao hơn.
Các kết quả nói trên cho thấy tổng mức thiệt hại về tiền lương do sự kỳ thị mà những người lao động thừa cân ở Mỹ phải gánh chịu là rất lớn. Giả sử cho rằng chỉ phụ nữ béo phì, chứ không phải cả nam giới, đối mặt với mức sụt giảm về tiền lương khoảng 7% (mức trung bình của tất cả phụ nữ trong mẫu thử) và tỷ lệ này là như nhau bất kể trình độ học vấn của họ, thì tính toán tổng thể cho thấy họ phải chịu tổng thiệt hại khoảng 30 tỷ USD/năm.
Tuy nhiên, nếu tính đến cả sự phân biệt đối xử mà nam giới phải đối mặt và mức sụt giảm về tiền lương cao hơn mà những người có trình độ học vấn cao hơn (những người cũng có xu hướng kiếm được nhiều tiền hơn) phải chịu, thì tổng chi phí cho nhóm mở rộng này sẽ tăng hơn gấp đôi, lên 70 tỷ USD/năm.
Vậy, có thể làm gì? Ngoài New York, một số thành phố như San Francisco và Washington, D.C. đã cấm phân biệt đối xử dựa trên ngoại hình và các bang khác cũng đang dự thảo luật. Dù vậy, hiện thực là nó nhiều khả năng khó có thể thành công. Lý do là khi giới hạn phổ phân tích đối với những người lao động tại Michigan - nơi lệnh cấm tương tự đã được áp dụng trong gần 50 năm, kết quả cho thấy mức sụt giảm về tiền lương của người béo phì cũng chẳng thấp hơn so với toàn bộ nước Mỹ. Phân biệt đối xử trái với pháp luật là một chuyện; loại bỏ nó ra khỏi xã hội lại là chuyện hoàn toàn khác.