Bầu cử tổng thống Mỹ và sự biến động của thị trường tài chính

Khả Hân| 13/11/2020 08:16

Trái với mọi dự đoán, thị trường tài chính trong những ngày diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ đã không đến mức hỗn loạn, đặc biệt thị trường chứng khoán toàn cầu còn trải qua những phiên tăng điểm, dù nhà đầu tư vẫn đang đối mặt với sự không chắc chắn về cách thị trường chứng khoán sẽ phản ứng ra sao sau đó.

BS-2071-1605235094.jpg

Đầy rẫy bất ngờ

Cuộc đua vào Nhà Trắng giữa Tổng thống Trump và Phó tổng thống Mike Pence cùng với cựu Phó tổng thống Joe Biden và ứng cử viên phó tổng thống của ông - Thượng nghị sĩ California Kamala Harris, đã kịch tính từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc. Những bang chiến trường chứng kiến sự mở rộng, thu hẹp khoảng cách rồi hoán đổi vị trí người dẫn đầu đầy bất ngờ, thậm chí xuất hiện cả những sự kiện hy hữu như lỗi đếm phiếu, hay những cáo buộc gian lận từ phía Tổng thống Trump, đã khiến cuộc bầu cử năm 2020 này gay cấn đến phút chót.

Một trong những điều luật được thông qua dưới thời Tổng thống Trump là Đạo luật Cắt giảm thuế và việc làm (năm 2017), bao gồm việc cắt giảm thuế cho các công ty và những người người Mỹ có thu nhập cao, trong đó được lợi lớn nhất là các dòng tiền đầu tư. Tuy nhiên, trong chính sách đưa ra tranh cử, ông Biden đã đề xuất sẽ tăng thuế đối với những người Mỹ giàu có và đánh thuế thu nhập vốn dài hạn ở mức tương đương với thu nhập bình thường, đi ngược lại hoàn toàn với kế hoạch thuế của Trump.

Chính vì vậy, trước thời điểm bầu cử, giới phân tích dự báo chiến thắng của ông Biden sẽ khiến thị trường chứng khoán đi xuống, khi chính sách đánh thuế vào tầng lớp trung lưu của ông sẽ gây áp lực lên các nhà đầu tư. Thực tế là thị trường cũng đã có những phiên lao dốc trong những ngày cuối tháng 10, khi các cuộc khảo sát đều nghiêng về phần thắng của ông Biden. Tuy nhiên, trong ngày bầu cử vừa qua, tại những thời điểm ông Biden vượt mặt Tổng thống Trump và có cơ hội giành chiến thắng, thị trường chứng khoán Mỹ và toàn cầu vẫn đi lên tích cực.

Thị trường luôn gây bất ngờ và phản ứng ngược lại âu cũng là điều thường tình, khi cách đây 4 năm, giới phân tích dự báo ứng cử viên Hillary Clinton sẽ giành chiến thắng không mấy khó khăn,và nhờ thế sẽ giúp thị trường chứng khoán tránh được một đợt sụt giảm. Tuy nhiên, đến thời điểm quyết định, ông Trump đã lật ngược thế cờ và giành chiến thắng, nhưng đáng nói là thị trường chứng khoán chỉ giảm mạnh đầu phiên trong ngày có kết quả chiến thắng giành cho ông, rồi ngay sau đó tăng rất mạnh vào cuối phiên, thậm chí vượt qua mức đỉnh đã thiết lập trước đó. 

Chỉ số Dow Jones vẫn vọt tăng mạnh trong ngày bầu cử

Chỉ số Dow Jones vẫn vọt tăng mạnh trong ngày bầu cử

Các chính sách sẽ không thay đổi nhiều

Các chỉ số chứng khoán Mỹ đã rớt từ mức cao kỷ lục vào tháng 2 đầu năm nay và chạm đáy sau đó vào giữa tháng 3, khi các chính sách giãn cách xã hội và đóng cửa tạm thời của các doanh nghiệp lớn nhỏ trên khắp đất nước đã khiến hàng triệu người Mỹ mất việc làm. Ngay cả khi S&P 500 đã phục hồi trở lại về mức trước dịch Covid-19, bất chấp nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều khó khăn và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức hai con số, tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng vào triển vọng của thị trường chứng khoán.

Đáng chú ý là khi thị trường chứng khoán quay trở lại mức cao kỷ lục trong khi nền kinh tế Mỹ vẫn đang suy thoái sâu, khoảng cách giữa thị trường chứng khoán và phần còn lại của nền kinh tế càng mở rộng hơn bao giờ hết. Vì chỉ có khoảng một nửa số người Mỹ sở hữu cổ phiếu, khoảng cách đó cũng làm tăng sự bất bình đẳng về tài sản và thu nhập, cũng ở mức gần kỷ lục.

Trong khi đó, đối với các gói kích thích kinh tế, nếu như Đảng Cộng hòa nghiêng về các chính sách viện trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp, khi tin rằng việc thúc đẩy doanh nghiệp sẽ giúp ích cho việc củng cố nền kinh tế trên diện rộng, thì các đảng viên Dân chủ lại lựa chọn các chính sách ưu tiên viện trợ cá nhân hơn, như tăng trợ cấp thất nghiệp để đảm bảo các gia đình có đủ khả năng chi trả nhu cầu thiết yếu hằng ngày, từ đó đảm bảo chi tiêu của người tiêu dùng vẫn tăng mạnh. Tuy nhiên, dù theo cách nào và ai là người đắc cử tổng thống, các gói kích thích kinh tế khổng lồ tiếp theo trước sau gì cũng sẽ được triển khai để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ. 

Đối với các chính sách về thương mại, Tổng thống Trump sau khi đắc cử đã đơn phương kích hoạt hàng loạt cuộc thương chiến với những đối tác thương mại lớn nhất, trong đó Trung Quốc là mục tiêu số một để giảm tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ. Các chiến lược thương mại này sẽ tiếp tục được theo đuổi trong những năm tới, bất kể tổng thống là ai. Dù vậy, về phía ông Biden sẽ có tiếp cận khác với ông Trump, theo đó sẽ đối đầu với Trung Quốc trong sự hợp tác với các đồng minh thay vì hành động đơn phương về thương mại, và thắt chặt các quy tắc chống lại các công ty để không khuyến khích các công ty di chuyển ra nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bầu cử tổng thống Mỹ và sự biến động của thị trường tài chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO