Hạn chế BT theo dạng đổi đất lấy hạ tầng

HẢI ÂU| 17/11/2017 08:32

Năm 2018, nhiều quy định mới về việc huy động vốn đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) và đấu giá tài sản sẽ được thực thi, nhằm hạn chế tình trạng thất thoát nguồn thu từ đất.

Hạn chế BT theo dạng đổi đất lấy hạ tầng

Trong một vài thập niên tới, đất đai vẫn là nguồn lực phục vụ cho sự phát triển bộ mặt đô thị của TP.HCM. Song, việc khai thác hiệu quả, minh bạch quỹ đất là điều mà không ít chuyên gia, doanh nghiệp bàn luận khi nói đến việc huy động vốn đầu tư liên quan đến phương thức BT, cụ thể là đổi đất lấy hạ tầng, cũng như việc tách bạch dự án BT với các khu đất mà nhà đầu tư được trả quyền lợi.

TP.HCM được xem là địa phương vận dụng khá hiệu quả phương thức huy động vốn từ nguồn lực tư nhân cho đầu tư phát triển hạ tầng. Theo ông Sử Ngọc Anh - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, tính đến nay, toàn thành phố (TP) có 22 dự án đầu tư theo hình thức công - tư (PPP), với tổng vốn huy động 69.869 tỷ đồng và khoảng 130 dự án đang có nhà đầu tư quan tâm, đề xuất tham gia, với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng trên 395.000 tỷ đồng.

Xét về loại hình, các nhà đầu tư đề xuất nhiều phương thức, trong đó BT chiếm ưu thế với 94 dự án (tương ứng 13%), còn lại là các hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), BTO (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh), BOO (xây dựng - vận hành - sở hữu)... Đa phần các đề xuất chủ yếu thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông, môi trường và phát triển đô thị (chiếm trên 71%).

Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP, đầu tư BT trong thời gian qua được chia thành 2 giai đoạn, trước và sau khi Nghị định 15/2015/NĐ-CP (về đầu tư theo hình thức công - tư) có hiệu lực. Theo đó, từ 2004 - 2015, TP có 6 dự án BT, huy động được 18.063 tỷ đồng, điển hình như dự án BT xây dựng cầu Sài Gòn 2, trục đường Bắc - Nam (nối trung tâm TP với cảng Hiệp Phước), Đại lộ Phạm Văn Đồng. Giai đoạn từ 2015 đến nay, có 6 dự án BT được đầu tư, huy động khoảng 20.338 tỷ đồng với 3 dự án hạ tầng giao thông, 2 dự án hạ tầng kỹ thuật và 1 dự án ở lĩnh vực môi trường.

Điều đáng nói là trong số những dự án BT đã triển khai trên địa bàn TP, ngoài cầu Sài Gòn 2 được thanh toán bằng tiền thì phần còn lại là phương thức "hàng đổi hàng", tức đổi đất lấy hạ tầng. Nguyên nhân một phần cũng do các quy định pháp lý. Theo đó, kể từ sau khi Nghị định 15 có hiệu lực (từ ngày 31/7/2015), việc thanh toán của bên kêu gọi đầu tư (nhà nước) cho nhà đầu tư được quy định bằng "các dự án khác", cụ thể là các khu đất để nhà đầu tư có thể khai thác thương mại, hoàn vốn đầu tư.

Từ việc chỉ đơn thuần áp dụng phương thức "đổi đất lấy hạ tầng", trong hơn 2 năm nay, nhiều nhà đầu tư đã đề xuất làm dự án BT để sở hữu quỹ đất tại TP.HCM mà không phải qua thủ tục đấu thầu rộng rãi trong nước, quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư. Ở đây, nhà đầu tư vừa đề xuất dự án BT, vừa tính toán giá trị "các dự án khác", trong khi vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước chưa thể hiện rõ nét và vai trò phản biện của tư vấn độc lập cũng chưa được nhắc đến.

Về vấn đền này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) bày tỏ quan điểm, đối với dự án BT, các cơ quan nhà nước chưa thực hiện được quyền xác định quỹ đất thanh toán, quyền lựa chọn nhà đầu tư, quyền kêu gọi đầu tư dự án, mà mới chỉ làm chức năng thẩm định.

Còn ông Hoàng Mạnh Phương - Vụ phó Vụ Pháp chế Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận, khi triển khai Quyết định 71/2010/QĐ-TTg về quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, nhiều nhà tư vấn cho rằng nên có sự tham gia của tư vấn độc lập trong các dự án BT nhưng xét thấy trong bối cảnh đó, nhiều địa phương không đáp ứng được kinh phí thuê tư vấn nên chưa dám mạnh dạn triển khai tư vấn độc lập vào thời điểm này. "Năm 2018, chúng tôi sẽ áp dụng những quy định mới về BT, trong đó có đề cập đến vai trò của tư vấn độc lập", ông Phương cho biết.

Sự tham gia của tư vấn độc lập với vai trò phản biện, chí ít trong khâu thẩm định dự án, năng lực nhà đầu tư, dự toán công trình và đặc biệt là thẩm định giá trị của "các dự án khác" sẽ hạn chế được tối đa tình trạng thất thoát tài sản công và chọn "nhầm" nhà đầu tư.

Đánh giá về vấn đề huy động vốn cho đầu tư phát triển thông qua hình thức BT, TS. Huỳnh Thế Du (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) cho rằng, TP nên hạn chế triển khai dự án BT theo dạng "hàng đổi hàng" mà có thể sử dụng cả phương thức hoàn trả cho nhà đầu tư dự án BT bằng tiền, cụ thể là lấy từ nguồn đấu giá các quỹ đất trên địa bàn.

Hoặc, TP có thể lập quỹ PPP hoặc phát hành trái phiếu công trình (tài sản đảm bảo bằng quyền sử dụng đất gắn với dự án BT). Trong trường hợp này, quỹ đất hoàn trả quyền lợi cho nhà đầu tư được quy định ở hợp đồng BT phải gắn với công trình BT (giá trị quỹ đất sẽ tăng khi dự án BT hoàn thiện).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hạn chế BT theo dạng đổi đất lấy hạ tầng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO