Bản tin sáng 3/7: Tổng Bí thư Tô Lâm: Chính quyền hai cấp phải tinh gọn, hiệu quả, phục vụ nhân dân tốt hơn
Tin tức nổi bật sáng 3/7: Tổng Bí thư Tô Lâm: Chính quyền hai cấp phải tinh gọn, hiệu quả, phục vụ nhân dân tốt hơn; Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong Luật Thuế TNCN mới; Đà Nẵng thành lập Ban trù bị Trung tâm Tài chính Quốc tế, cử cán bộ sang Singapore đào tạo; TP.HCM đào tạo chuyển đổi số cho ban quản lý chợ và tiểu thương; Từ 1/7/2025, bán thuốc online phải công khai chứng chỉ hành nghề và số điện thoại tư vấn... và một số tin tức đáng chú ý khác.
Tổng Bí thư Tô Lâm: Chính quyền hai cấp phải tinh gọn, hiệu quả, phục vụ nhân dân tốt hơn
Chiều 2/7, tại buổi tiếp xúc cử tri 11 phường thuộc đơn vị bầu cử số 1 TP. Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh yêu cầu tổ chức lại bộ máy chính quyền hai cấp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, gần dân, sát dân, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Việc triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp từ ngày 1/7/2025 là bước đột phá trong cải cách hành chính, góp phần nâng cao hiệu lực quản trị, giảm chi phí xã hội và thúc đẩy phát triển bền vững.

Tổng Bí thư đề cao vai trò giám sát trong quá trình sắp xếp cán bộ, đảm bảo công tâm, khách quan, lựa chọn người có phẩm chất, năng lực và tâm huyết với nhân dân. Ông nhấn mạnh yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, rút ngắn khoảng cách giữa đô thị và nông thôn.
Tổng Bí thư tin tưởng Hà Nội với quyết tâm đổi mới sẽ tiếp tục phát triển, xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia. Ông cũng đề nghị các địa phương đẩy mạnh cải cách thực chất, xử lý triệt để các dự án chậm triển khai và xây dựng môi trường đô thị xanh, sạch, văn minh.
Phó Thủ tướng phê bình Bộ Tài chính chậm báo cáo vụ Tập đoàn Sơn Hải, yêu cầu rút kinh nghiệm nghiêm túc
Tại buổi họp báo quý II/2025 chiều 2/7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ sẽ tiếp thu toàn diện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà liên quan đến vụ việc Tập đoàn Sơn Hải trượt thầu dự án cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Đồng Nai.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng, phê bình Bộ Tài chính báo cáo chậm (nộp sau thời hạn 9 ngày), nội dung chưa đầy đủ, chưa thể hiện rõ vai trò, chức năng quản lý nhà nước về đấu thầu theo quy định tại Thông tư 23/2024/TT-BKHĐT.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Xây dựng và các bên liên quan rà soát toàn diện quá trình lựa chọn nhà thầu, đặc biệt làm rõ trách nhiệm của Tổ chuyên gia, đảm bảo đúng quy định, minh bạch. Đồng thời, cần có kiến nghị cụ thể, rõ ràng để báo cáo lại Chính phủ trong thời gian sớm nhất. Bộ Tài chính cam kết sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm và công bố thông tin sau khi hoàn tất rà soát.
Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong Luật Thuế TNCN mới
Chiều 2/7, tại buổi họp báo quý II/2025, Bộ Tài chính thông tin về tiến độ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi). Theo ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Chính sách thuế, Bộ đã trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án luật này vào chương trình xây dựng luật năm 2025, dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10.

Dự thảo luật sửa đổi theo hướng toàn diện, cập nhật thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế. Trong đó, Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh các quy định về xác định thu nhập chịu thuế, miễn thuế, doanh thu chịu thuế của hộ kinh doanh, đồng thời trao quyền cho Chính phủ điều chỉnh mức thu cho phù hợp từng giai đoạn phát triển.
Một nội dung quan trọng là nâng mức giảm trừ gia cảnh, đảm bảo theo kịp biến động mức sống, chỉ số kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất giảm số bậc trong biểu thuế lũy tiến (hiện là 7 bậc) và xem xét cho phép khấu trừ thêm các khoản đóng góp đặc biệt như giáo dục, y tế nhằm hỗ trợ người dân tốt hơn.
Đà Nẵng thành lập Ban trù bị Trung tâm Tài chính Quốc tế, cử cán bộ sang Singapore đào tạo
Chiều 2/7, UBND TP Đà Nẵng công bố quyết định thành lập Ban trù bị điều hành Trung tâm Tài chính Quốc tế Đà Nẵng, do ông Lương Nguyễn Minh Triết - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng làm Trưởng ban. Ban trù bị có nhiệm vụ tham mưu xây dựng hạ tầng, nguồn nhân lực và dịch vụ, chuẩn bị các điều kiện để trung tâm tài chính đi vào vận hành.
Song song đó, UBND TP. Đà Nẵng đã xúc tiến thủ tục cử cán bộ sang Singapore đào tạo trong tháng 8, nhằm học tập kinh nghiệm quản lý và vận hành mô hình trung tâm tài chính quốc tế.

Cùng ngày, Thành phố ký biên bản ghi nhớ hợp tác với liên danh Terne Holdings - The One Destination, thúc đẩy các dự án tài chính tại Đà Nẵng. Hai bên cam kết đồng hành đầu tư, quảng bá hình ảnh thành phố và phối hợp thu hút các định chế tài chính quốc tế.
Đặc biệt, liên danh đã trao 10 suất học bổng cho cán bộ Đà Nẵng tham gia đào tạo tại Đại học Quốc gia Singapore, Maybank và nền tảng công nghệ tài chính InvestStream, thể hiện cam kết đồng hành phát triển trung tâm tài chính mang tầm quốc tế.
Từ 1/7/2025, bán thuốc online phải công khai chứng chỉ hành nghề và số điện thoại tư vấn
Theo Nghị định 163/2024 vừa được Chính phủ ban hành, từ ngày 1/7/2025, các cơ sở kinh doanh dược phẩm qua thương mại điện tử bắt buộc phải công khai rõ ràng thông tin pháp lý trên các nền tảng bán hàng trực tuyến.
Cụ thể, các nhà thuốc phải đăng tải giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, chứng chỉ hành nghề dược của người chịu trách nhiệm chuyên môn (gồm họ tên, số, ngày cấp, cơ quan cấp), kèm theo thông tin chi tiết về thuốc: tên thuốc, thành phần, dạng bào chế, công dụng, liều dùng, chống chỉ định, hạn dùng, hình ảnh thực tế… Các nội dung này phải hiển thị rõ ràng, dễ đọc, trên các website, ứng dụng hoặc gian hàng online.

Đặc biệt, gói hàng gửi cho khách mua lẻ phải có thông tin người mua và số điện thoại của người tư vấn chuyên môn. Còn với bán buôn, bao bì phải in thông tin pháp lý của bên bán.
Đối với chuỗi nhà thuốc, phải công khai thông tin từng nhà thuốc tham gia hoạt động thương mại điện tử. Các đơn vị cung cấp sàn giao dịch có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ pháp lý trước khi cho phép đăng bán.
Chống hàng giả: Gian nan từ chợ truyền thống đến sàn thương mại điện tử
Tại tọa đàm “Chống hàng giả, hàng gian - Làm sạch thị trường, bảo vệ niềm tin” ngày 2/7, ông Nguyễn Thành Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết công tác kiểm tra, xử lý hàng giả gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, lực lượng chức năng bị theo dõi ngay khi vừa đến cổng chợ, do đối tượng vi phạm sử dụng camera, Zalo để giám sát.
Các thủ đoạn ngày càng tinh vi, đặc biệt trên môi trường trực tuyến. Hàng giả không chỉ xuất hiện tại chợ truyền thống mà còn tràn lan trên các sàn thương mại điện tử, nơi giao dịch ẩn danh, khó truy xuất người bán và kho hàng.
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho rằng quy định hiện hành còn nặng hình thức, chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Phong (VECOM) nhấn mạnh vai trò kiểm soát nội dung của các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, yêu cầu xử lý tài khoản vi phạm và cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng.
Bộ Công Thương đã mời các nền tảng lớn ký cam kết phối hợp, đồng thời triển khai công nghệ AI và phối hợp liên ngành để kiểm soát chặt chẽ.
Dự kiến tháng 10 sẽ ban hành nghị quyết nâng mức giảm trừ gia cảnh
Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo nghị quyết điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua tại phiên họp tháng 10/2025. Việc điều chỉnh này nhằm đảm bảo quyền lợi người nộp thuế, trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ năm 2020 đến nay có thể chạm ngưỡng 20%, mức quy định để được xem xét điều chỉnh giảm trừ gia cảnh theo Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành.

Ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát chính sách thuế (Bộ Tài chính), cho biết, cùng với việc trình dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) tại kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới, Bộ cũng kiến nghị điều chỉnh nhiều chính sách thuế.
Trong đó có việc sửa cách xác định thu nhập chịu thuế, mở rộng các khoản miễn thuế, bổ sung khoản giảm trừ như chi phí y tế, giáo dục, từ thiện; thu gọn bậc thuế thu nhập từ tiền công, tiền lương và điều chỉnh ngưỡng doanh thu chịu thuế của hộ cá nhân kinh doanh. Những điều chỉnh này kỳ vọng sẽ giảm gánh nặng thuế và phù hợp hơn với thực tế đời sống.
TP.HCM đào tạo chuyển đổi số cho ban quản lý chợ và tiểu thương
Ngày 2/7, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với Trường Đại học Công thương TP.HCM tổ chức chương trình đào tạo chuyển đổi số cho các ban quản lý chợ và tiểu thương trên địa bàn thành phố.
Chương trình nhằm trang bị kiến thức về thương mại điện tử, phương thức thanh toán số, quản lý bán hàng trên nền tảng số, quảng bá sản phẩm trực tuyến, đồng thời giúp tiểu thương thích ứng với xu thế tiêu dùng hiện đại.

Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Minh Huyền nhấn mạnh, chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà là yêu cầu tất yếu trong phát triển thương mại bền vững. Sự chuyển dịch mua sắm sang nền tảng trực tuyến sau COVID-19 đang gây sức ép lớn lên các chợ truyền thống, đòi hỏi phải có giải pháp phù hợp.
Tại chương trình, các tiểu thương được hướng dẫn thực hành livestream bán hàng trên TikTok Shop, tiếp cận nền tảng số hóa như Sapo, Haravan, ViHat. Đây là một trong những hoạt động cụ thể nhằm hiện thực hóa Kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026 - 2030, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm Việt qua kênh số.
EU chấp nhận thuế 10% từ Mỹ, hướng tới thỏa thuận thương mại song phương
Theo Bloomberg, Liên minh châu Âu (EU) đang tiến gần tới một thỏa thuận thương mại với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó EU sẵn sàng chấp nhận mức thuế 10% đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ. Đổi lại, EU đề nghị Washington miễn trừ hoặc giảm thuế với các lĩnh vực chiến lược như dược phẩm, rượu, máy bay thương mại và chất bán dẫn.

EU cũng yêu cầu đàm phán về hạn ngạch và miễn trừ hiệu quả đối với mức thuế 25% áp lên ô tô và linh kiện, cùng với mức 50% đối với thép và nhôm. Đề xuất hiện tại được Ủy ban châu Âu đánh giá là nghiêng về phía Mỹ, nhưng vẫn trong ngưỡng chấp nhận được nếu đảm bảo ổn định quan hệ thương mại song phương.
Hạn chót đạt thỏa thuận là ngày 9/7, nếu không hầu hết hàng hóa EU xuất sang Mỹ có thể bị áp thuế đến 50%. Trong trường hợp đàm phán thất bại, EU đã chuẩn bị sẵn biện pháp đáp trả, bao gồm thuế lên tới 21 tỉ euro hàng hóa Mỹ, và một danh sách dự phòng trị giá 95 tỉ euro. Hai bên vẫn tỏ ra lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận tạm thời.
Shein và Temu sụt giảm mạnh tại Mỹ, tăng tốc ở châu Âu
Sau khi Mỹ áp thuế cao và siết chính sách miễn thuế “de minimis”, các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc như Temu và Shein đã mất hàng triệu người dùng tại thị trường Mỹ, nhưng lại ghi nhận tăng trưởng mạnh tại châu Âu.
Từ tháng 3 đến tháng 6/2025, người dùng hàng tháng của Temu tại Mỹ giảm một nửa xuống còn khoảng 41,4 triệu; Shein giảm 12%. Cả hai cũng cắt giảm mạnh chi phí quảng cáo tại Mỹ - Temu giảm 87%, Shein giảm 69% khiến họ rơi khỏi nhóm 60 nhà quảng cáo hàng đầu. PDD Holdings - công ty mẹ của Temu báo lãi quý I giảm 47% so với cùng kỳ năm trước.

Ngược lại, tại Pháp, Đức và Tây Ban Nha, Temu tăng trưởng người dùng lần lượt 76%, 64% và 71%. Shein cũng tăng ổn định từ 13 - 20% tại các thị trường lớn ở châu Âu.
Tuy nhiên, đà mở rộng có thể sớm bị cản trở. Pháp vừa thông qua “luật chống Shein”, cấm quảng cáo thời trang siêu nhanh, áp phụ phí và thuế với hàng hóa từ ngoài EU. Anh và EU cũng đang xem xét các biện pháp tương tự, đe dọa tương lai hàng giá rẻ Trung Quốc tại khu vực này.