Thời sự

Bán vàng qua ngân hàng: Giải pháp trước mắt hay lâu dài?

Hưng Khánh 10/06/2024 14:52

Sau khi bốn ngân hàng, gồm: Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank cùng Công ty Vàng bạc - Đá quý Sài Gòn (SJC) triển khai bán vàng miếng mua trực tiếp từ Ngân hàng Nhà nước, giá vàng sụt giảm mạnh. Phóng viên Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đã gặp PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, để tìm hiểu thêm về vấn đề này.

dinh-trong-thinh.jpg
PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh

* Các đơn vị được phép bán vàng miếng mua trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước liệu có phải là một giải pháp trước mắt, thưa ông?

- Đây là một trong những giải pháp can thiệp nhằm đưa thị trường vàng về mức ổn định cung cầu, vậy nên chỉ mang tính thời điểm chứ không thể dài hạn. Đến thời điểm này, có thể thấy giải pháp này khả quan, vàng trong nước liên tiếp các phiên giảm giá, thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới. Với phương thức này, Nhà nước quản lý được vàng miếng khi người mua vàng phải có căn cước công dân để kiểm soát số lượng mua bán, giúp việc mua bán vàng minh bạch, tránh tình trạng đầu cơ.

* Hiện bốn ngân hàng thương mại nhà nước và SJC chỉ bán mà không mua vàng từ dân thì làm sao có đủ nguồn cung? Và đến khi các đơn vị ấy bán hết lượng vàng đã có, liệu người dân có tiếp tục phải mua bên ngoài, từ đó kéo theo giá vàng tăng cao?

- Ngân hàng Nhà nước nhập khẩu vàng từ các nước để bán tại thị trường Việt Nam. Công thức tính giá thường đảm bảo bằng giá quốc tế cộng với thuế, phí và một số chi phí hợp lý khác, giá này sẽ gần sát với giá vàng thế giới nhất. Hiện nay, bốn ngân hàng thương mại nhà nước cùng với SJC bán vàng cho người dân với mức giá mà Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, vì vậy người dân được mua vàng theo giá hợp lý nhất. Còn khi các ngân hàng được quyền mua và bán vàng đúng nghĩa của thị trường thì không khác nào cửa hàng kinh doanh vàng bạc hiện nay.

Sau một thời gian bán vàng, nếu thấy nhu cầu của người dẫn vẫn tăng mà lượng dự trữ còn không lớn thì Ngân hàng Nhà nước xem xét tới việc nhập khẩu thêm vàng. Như đã đề cập, đây là giải pháp trước mắt, khi thị trường bình ổn, Ngân hàng Nhà nước cần có những giải pháp mang tính dài hạn. Nhưng nhất quyết không được để xảy ra việc khan hiếm vàng, bởi sẽ gây nhiều hệ luỵ đến nền kinh tế.

vang.jpg

* Có ý kiến cho rằng, kiểm soát giá vàng cần biện pháp thương mại, không cần phải dùng biện pháp tiền tệ như là đấu giá vàng miếng. Ví dụ cho doanh nghiệp kinh doanh vàng được phép xuất nhập khẩu vàng miếng, ông nghĩ sao?

- Giải pháp này chưa hợp lý bởi hiện nay kinh doanh vàng vẫn là kinh doanh có điều kiện. Các đầu mối kinh doanh cấp 1 phải do Ngân hàng Nhà nước quyết định. Đầu mối cấp 2, cấp 3 phải được đầu mối cấp 1 cho phép, việc cho phép phải được Ngân hàng Nhà nước đồng ý.

Thêm nữa, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, việc quản lý ngoại hối là một trong những nội dung mà Ngân hàng Nhà nước bắt buộc phải thực hiện để đạt mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát, hướng dòng ngoại hối vào mua sắm máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Ngoại tệ và vàng đều thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước. Ngoại tệ được kiểm soát rất chặt chẽ, trong khi vàng còn quan trọng hơn ngoại tệ thì không lý gì có thể được “thả lỏng” để tự do xuất nhập khẩu.

* Thế còn giải pháp bỏ độc quyền vàng miếng, thưa ông?

- Đầu tiên cần hiểu đúng, kể từ năm 2012, SJC trở thành thương hiệu quốc gia và được quản lý bởi Ngân hàng Nhà nước. Từ đó, SJC không được nhập khẩu vàng nguyên liệu cũng như dập vàng miếng SJC, hiện chỉ được gia công vàng mót và kinh doanh vàng, bạc, đá quý đơn thuần. Tuy vậy, giá vàng miếng của SJC thường được xem là giá chuẩn và được sử dụng làm cơ sở để so sánh và định giá các loại vàng khác trên thị trường.

Còn về vấn đề xóa bỏ cơ chế độc quyền vàng miếng SJC, tôi nghĩ là điều cần thiết. Nên để cho những doanh nghiệp đủ điều kiện được dập vàng miếng bán ra thị trường, phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân. Tuy nhiên, Nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ vì vai trò quan trọng của vàng với nền kinh tế như tôi đã nhắc tới, để tránh đầu cơ, gây hệ luỵ cho nền kinh tế.

* Có thể đề xuất giải pháp dài hạn về thị trường vàng, thưa ông?

- Theo tôi, phải nhanh chóng sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ hướng theo thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam để giảm giá vàng trong nước, đồng thời phát huy được nghề kinh doanh vàng trang sức. Nghị định 24 ban hành từ hơn 10 năm trước trong bối cảnh thị trường vàng bất ổn, Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ, nhưng với hiện nay, nhiều nội dung đã không còn phù hợp. Các giải pháp dài hạn khác phải dựa trên tình hình thực tiễn mỗi thời điểm để đưa ra quyết sách phù hợp.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bán vàng qua ngân hàng: Giải pháp trước mắt hay lâu dài?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO